Mùa nước nổi ở vùng quê Nam Bộ, cá hủn hỉn trôi về đồng bằng thành từng đàn. Cá hủn hỉn là sự góp mặt nhiều cá con như: Cá trâm, cá lòng tong, cá bảy chàu, cá sặc con, cá rô con, cá ròng ròng bị mất mẹ.
Bà con ở quê thường hứng cá hủn hỉn bằng các giăng lưới dày, kéo lưới, có người lấy vải mùng giăng giữ lòng kênh, cá xuôi theo dòng nước chui vào lưới. Hớt cá hủn hỉn vớt ra rổ, lượm sạch cỏ rác. Cho vào một ít muối rửa sạch, để ráo, cá còn sống nhảy tưng tưng. Loại cá này thường kho tiêu, kho nghệ, kho lạt săm sắp nước.
Cá hủn hỉn kho lá gừng
Để có một nồi cá hủn hỉn kho với lá gừng, nên dùng mẻ hay niêu đất, cho chút dầu vào, phi hành mỡ tỏi cho thật thơm, đổ miếng nước lạnh vào mẻ, âm thanh cái xèo nghe thật vui tai. Cá hủn hỉn thường kho lạt mới ngon, khi nước đang sôi, đổ mớ cá cùng lá gừng vào mẻ vào, lấy đũa đảo nhẹ cho đều, đậy nắp lại, nước sôi bừng là cá chín. Vớt bọt, rưới lên mặt ít dầu ăn hay mỡ heo, ít trái ớt hiểm (cá hủn hỉn nhỏ, mau chín nên không để cá sôi lâu, cá mềm sẽ mất mùi, mất ngon).
Những khi đi làm đồng về, bắt được mùi thơm của mẻ cá kho cá hủn hỉn là đã thấy cồn cào trong bụng rồi. Bên cạnh mâm cơm, mùi gạo mới thơm lừng, mẻ cá kho và dĩa rau để giữa mâm, gia vị hòa quyện cùng hương cá bay phảng phất, lùa miếng cơm, gắp mấy con cá chạm vào đầu lưỡi đã nhận vị ngọt cay của lá gừng, vị mằn mặn của gia vị, từ từ nhai vị ngọt nhân nhẩn của cá, vị béo của mỡ, vị bùi của gạo mới của tan ra đầu lưỡi từ từ xuống thực quản…
Cá hủn hỉn kho với lá gừng là món ăn dân dã và giản dị, món ăn mộc mạc rẻ tiền nhưng nó thuộc hàng quý hiếm, muốn ăn cũng khó tìm được.
Ai đã từng dùng nó một lần, cho dù đi xa dùng cao lương mỹ vị nhưng mùi vị mẻ cá hủn hỉn kho gừng vẫn gợi nhớ những năm tháng sống ở quê nhà.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet