Ra mắt vào năm 2009 và sản xuất thương mại từ năm 2010, S1000RR là chiếc xe đánh dấu sự tham gia của BMW ở phân khúc superbike, một trong những phân khúc cạnh tranh sôi động nhất trong thế giới xe. Mới năm ngoái, Kawasaki đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi tung ra chiếc superbike H2 sử dụng động cơ siêu nạp đầu tiên trên thế giới, tiếp đó là đến Yamaha ra mắt thế hệ R1 hoàn toàn mới. Dĩ nhiên BMW cũng không thể nào để chiếc superbike S1000RR thua thiệt so với những đối thủ Nhật, nhất là khi phân khúc này là nơi so kè hơn thua nhau về mặt công nghệ, kỹ thuật, thế nên hãng xe mô tô đến từ Đức này đã giới thiệu phiên bản S1000RR nâng cấp 2015. Mặc dù những thay đổi bên ngoài là không hề ấn tượng, nhưng những thay đổi thay đổi về "chất" trên bản nâng cấp 2015 này thật sự đáng giá từng xu so với trước.
Thay đổi ở mặt ngoại hình dễ phân biệt nhất trên S1000RR 2015 so với trước đó là phần đèn pha của xe đã được BMW thiết kế lại. Thật ra mang tiếng thiết kế lại nhưng thật sự BMW chỉ có việc hoán đổi vị trí của cặp đèn pha mắt xếch (mắt lé) hay con to con nhỏ đặc trưng trong thiết kế của mình và thêm phần góc cạnh cho con mắt nhỏ. Hơi đáng tiếc khi BMW vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ đèn halogen cho toàn bộ đèn phía trước, trong khi các hãng từ Nhật đã ứng dụng đến công nghệ LED hiện đại.
Bên trái là S1000RR 2015 so sánh với bên phải là HP4, phiên bản hiệu năng cao của S1000RR 2010 - 2014
Tiêu chí thiết kế bất đối xứng 2 bên thân xe vẫn được giữ nguyên, nhưng dàn yếm fairing 2 bên thân S1000RR 2015 có một số thay đổi nhỏ để phân biệt với đời trước. Chiều cao yên của S1000RR 2015 là 815 mm, thông số này trên bản 2009 là 820 mm. BMW cũng cắt giảm đi 4 kg trọng lượng, trong đó 3kg tập trung ở dàn pô akrapovic mới, để trọng lượng S1000RR 2015 chỉ còn 204 kg.
Ngoài ra, hộp số 6 cấp trên S1000RR 2015 có thêm tính năng Shift Assistant Pro, một dạnh mở rộng của hệ thống Quick Shift trước đây. Nếu Quick Shift giúp lên số không cần bóp nhả côn để rút ngắn thời gian thao tác với hộp số thì Shift Assistant Pro cho phép cả 2 thao tác là lên-xuống số không cần sử dụng đến tay côn.
DDC trước đây không được trang bị cho S1000RR 2009 mà chỉ có trên phiên bản hiệu năng cao HP4. Hệ thống này sẽ dựa vào các thông số như vị trí tay ga, tay thắng, độ nghiêng thân xe và từ đó cập nhật độ cứng mềm của hệ thống treo theo xe mỗi 10 mili giây nhằm tối ưu hóa cảm giác lái cũng như khả năng hoạt động của chiếc xe.
Một thay đổi đáng chú ý khác ở phần "chất" đó là BMW đã thay cơ chế phân phối ga trước đây từ loại dây cơ sang cáp tín hiệu điện tử. Hệ thống điều tiết ga điện tử này thường được biết đến với tên gọi là ride-by-wire, nhưng BMW cho nó cái tên mỹ miều hơn là e-gas throttle actuator. Ưu điểm của hệ thống ride-by-wire này cũng giống như loại drive-by-wire trên xe hơi số sàn là nó khắc phục cảm giác giật cục của loại dây cơ trước đây đồng thời cũng cung cấp độ phản hồi tốt hơn, mang lại trải nghiệm mượt mà hơn.
Mặc dù BMW cung cấp rất ít thông tin về cơ chế lái mới trên S1000RR 2015. Nhưng một điều mà anh bạn mình cũng từng sở hữu S1000RR đời trước cảm nhận được là tay lái trên bản 2015 cho cảm giác nhẹ hơn và có phần dễ lái cho người mới làm quen với chiếc xe hơn.
S1000RR 2015 cũng được BMW bổ sung 2 trang bị khá thú vị thường thấy trên xe hơi, đó là tính năng kiểm soát ga tự động cruise control và chế độ sưởi ấm tay lái. Bên cạnh đó, BMW cũng cho người dùng can thiệp nhiều hơn vào việc kiểm soát chiếc xe thông qua thiết lập tùy chỉnh của riêng mình gọi là User Riding Mode. Bây giờ bên cạnh 3 chế độ thiết lập sẵn là Sport, Race và Rain, người lái có thể quyết định mức độ can thiệp của hệ thống kiểm soát lực kéo DTC (Dynamic Traction Control), hệ thống ABS và phản ứng tay ga theo ý của mình. Một thay đổi nhỏ ở chế độ Rain là bây giờ mức công suất bị giới hạn ở 180 mã lực thay vì 153 mã lực ở đời trước.
Về mặt an toàn, BMW đã điều chỉnh một chút trong thuật toán của hệ thống chống bó cứng phanh ABS để hệ thống phanh hoạt động tốt hơn trong điều kiện tần suất phanh nhiều như trong đường đua và gọi nó dưới tên mới là Race ABS.
Dù thừa hưởng nhiều công nghệ, tính năng có mặt trên bản hiệu năng cao HP4, nhưng S1000RR 2015 vẫn sử dụng cùm phanh loại 2 miếng ghép lại chứ không phải loại nguyên khối (monobloc calisper) như trên HP4. Về lý thuyết thì loại cùm phanh nguyên khối sẽ có trọng lượng nhẹ hơn, độ cứng đồng nhất hơn qua đó cải thiện đáng kể hiệu năng làm việc của hệ thống phanh khi sử dụng trong điều kiện đường đua.
Đây là chiếc S1000RR 2015 chính hãng do BMW Việt Nam phân phối
Cách phối màu và tem xe trên bản 2015 cũng khác nhiều so với đời trước
Vị trí nút sưởi ấm tay lái
Cụm nút hệ thống ga tự động Cruise Control
Thông số kỹ thuật S1000RR 2015
- Động cơ: I4, DOHC 16 van titanium, 999 cc, làm mát bằng chất lỏng
- Công suất tối đa: 199 mã lực ở 13.500 vòng/phút
- Mô-men xoắn cực đại: 113 Nm ở 10.500 vòng/phút
- Hộp số 6 cấp, côn dầu, công nghệ lên-xuống số không dùng côn Shift Assistant Pro
- Kích thước tổng thể (dài x rộng x cao): 2.050 mm x 826 mm x 1.140 mm
- Chiều dài cơ sở: 1438 mm
- Chiều cao yên: 815 mm
- Trọng lượng: 204 kg
- Phanh trước: Brembo đĩa kép 320mm, 4 piston, Race ABS
- Phanh sau: Brembo đĩa đơn 220mm, 1 piston, Race ABS
- Lốp trước: 120/70ZR17
- Lốp sau: 190/55ZR17
- Hệ thống treo trước: hành trình ngược đường kính 46 mm
- Hệ thống treo sau: gắp đôi vật liệu nhôm, kết hợp cùng phuộc đơn
- Dung tích bình xăng: 17,5 lít
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet