Theo phân tích và nhận định của nhà tâm lý học Nadezhda Yugrina: "Nghiện mua sắm tương tự như ma túy, cờ bạc hay nghiện rượu vậy. Người ta phải đi tìm lý do dẫn đến căn bệnh này trong thời thơ ấu, thời gian trưởng thành của mỗi cá nhân cụ thể. Như một quy luật, những người nghiện mua sắm gần như có chung cảnh ngộ thiếu sự quan tâm chăm sóc tinh tế từ người thân trong gia đình hoặc gặp thất bại lớn trong tình yêu, sự nghiệp. Họ tìm quên nỗi buồn đau trong các cửa hàng và mua sắm không ngừng nghỉ".
Trong quá trình điều trị, bác sĩ Bế Thị Hiển (Nguyên Trưởng khoa Lâm sàng – Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương) từng gặp không ít trường hợp bị nghiện mua sắm quá mức. Thậm chí, nhiều trường hợp tìm đến khi đã khiến tài chính gia đình bị thâm hụt đáng kể lại thêm các triệu chứng đi kèm như mất ngủ, nói nhiều, bồn chồn, lo lắng…
Mua túi xách, mua quần áo, mỳ chính…đến nghiện
Bác sĩ Hiển cho biết, từng có một người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi nhưng thường xuyên chi tiền mua nhiều thứ trong cửa hàng tạp hóa như mỳ chính, bánh kẹo, gia vị... Bà N mua nhiều đến nỗi người nhà cũng phát hoảng. Thậm chí, có những thứ mới mua hôm trước, hôm sau vẫn được mua với số lượng nhiều.
Tuy nhiên, không phải bà N mua về để dùng trong gia đình mà đưa cho những người khác. Hành động này kéo dài cả tháng trời cho đến khi người chồng nhận ra vợ có những dấu hiệu mua sắm bất thường và không ý thức được việc mình làm
“Với những trường hợp như của bà N, ban đầu chỉ là mua nhiều nhưng về sau không mua là không chịu được. Có bao nhiêu tiền trong túi đưa ra mua hết, thậm chí mua sắm những thứ mà trong nhà đã có nhiều còn dẫn đến tiêu vào cả túi tiền của gia đình dùng để ăn uống, sinh hoạt. Rõ ràng những việc làm như thế dẫn đến mâu thuẫn gia đình, cãi nhau, thậm chí nghi ngờ nhau”, bác sĩ Hiển chỉ rõ.
Còn trường hợp của H cũng khiến bác sĩ Hiển nhớ mãi, bởi câu chuyện mua sắm ở mức thái quá dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã giữa hai vợ chồng. Theo lời bác sĩ Hiển, chứng nghiện mua sắm của H đến ,mức cô có thể cầm số tiền lên đến cả triệu để đi khắp những siêu thị, cửa hàng lớn để mua hết món hàng này, đồ đạc kia. Số hàng hóa mà H mua có thể chất đầy cả ô tô.
Mua nhiều như vậy nhưng điều đáng nói là H không hề sử dụng. Thậm chí, nhiều nhưng vẫn chưa đủ với H, ngày qua ngày, cô vẫn tiếp tục đưa tiền ra ngoài để mua sắm. Nhận thấy vợ mua quá nhiều, tiền bạc bị lãng phí khiến chồng của H cũng phải lên tiếng góp ý. Tuy nhiên, thay vì tiếp thu để sửa đổi, H lại tỏ ra giận dữ, không bằng lòng.
“Người chồng sau khi góp ý không được gì đành bán hết những đồ đạc mà vợ đã mua nhưng hôm sau lại phải ngao ngán khi thấy một loạt đồ mới được mua về. Tiền bạc chi tiêu của cả gia đình bị “đổ” vào những cơn mua sắm đến độ cuồng của H. Sau đó, người chồng phải đưa cô vào điều trị ở bệnh viện tâm thần”, bác sĩ Hiển nhớ lại.
Mới đây, một phụ nữ ngoài 30 tuổi cũng được gia đình đưa đến để bác sĩ Hiển thăm khám, điều trị vì chứng nghiện mua sắm quá mức. Theo lời bác sĩ Hiển, đây là trường hợp thích thể hiện bản thân đại gia nên đổ tiền vào mua túi xách đắt tiền. Thậm chí, sau khi mua túi đeo lên vai được ai khen đẹp thì người phụ nữ đó còn tỏ ra thích thú.
Nhiều gia đình không hạnh phúc chỉ vì vợ nghiện mua sắm (ảnh minh họa)
“Theo lời của người thân trong nhà nói với tôi là người phụ nữ này ngày nào cũng mua túi. Thậm chí, có túi rẻ nhất là 5 triệu đồng, có những cái còn đắt hơn. Ban đầu gia đình chỉ nghĩ là cô ấy sưu tầm nhưng sau đó lại có dấu hiệu bất thường khác như tìm trên mạng để mua các túi xách hàng hiệu, so túi xách với người khác xem của ai đẹp hơn. Thậm chí, một thời gian sau còn xuất hiện tình trạng nói nhiều, mất ngủ kèm theo”, bác sĩ Hiển kể lại.
Khi thấy xuất hiện những triệu chứng đó, gia đình đưa đến nhờ tôi thăm khám và điều trị. “Thực tế gia đình cũng tỏ ra lo lắng, vì hoàn cảnh không phải giàu sang gì, người phụ nữ ấy còn đi vay mượn để mua. Cuối cùng, cách khắc phục là gia đình xin trả lại túi xách cho một số shop đã mua. Tôi được biết là số túi đã mua lên đến hơn 30 cái, nay trả lại được 20 cái”, bác sĩ Hiển chia sẻ.
Không chỉ những người trẻ mới mắc chứng nghiện mua sắm mà gần đây có trường hợp gần 50 tuổi cũng tìm đến nhờ bác sĩ Hiển tư vấn. Gia đình có điều kiện lại được nắm giữ tài chính, chi tiêu nên người phụ nữ đã nhiều tuổi thường xuyên tìm tới những shop thời trang để mua các loại quần, áo đắt tiền. Thậm chí, điều đáng nói là sau khi mua, người phụ nữ này không phải diện cho bản thân mà đưa đi cho bạn bè.
“Ban đầu, chồng và gia đình chỉ nói sao hoang phí thế, có tiền mà không biết chi tiêu tiết kiệm lại đưa tiền đi mua hết quần này áo nọ. Người phụ nữ này chỉ nói thích mua thì mua”, bác sĩ Hiển kể.
Theo lời bác sĩ Hiển, khi người chồng phát hiện số tiền thâm hụt lên đến 50-60 triệu đồng mới vỡ lẽ là vợ dùng để mua quần áo. Không chỉ có vung tiền mua sắm mà người phụ nữ đó còn có tâm trạng bồn chồn, lo lắng, mất ngủ. Bác sĩ Hiển chia sẻ: “Có lúc người phụ nữ ấy quyết tâm không đi mua nữa nhưng cứ đến chiều là cuồng chân lại phải đi mua mới chịu được. Sau khi khám, tôi đưa ra tư vấn và cho dùng thuốc nên tình trạng mua sắm quá mức đã giảm dần.
Xuất hiện triệu chứng đi kèm mới đáng lo
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mắc chứng nghiện mua sắm cũng cần dùng thuốc và điều trị lâu dài. Theo bác sĩ Hiển, chỉ khi người mua sắm thái quá xuất hiện triệu chứng đi kèm như mất ngủ, lo lắng, bồn chồn, nói nhiều… mới là bệnh lý.
Bác sĩ Hiển cũng cho biết, một trường hợp cô gái mới gần 30 tuổi, chưa có gia đình thường xuyên chi tiền để mua các loại mỹ phẩm hàng hiệu. Đến khi số tiền chi cho việc mua các loại kem dưỡng da, trang điểm lên đến cả chục triệu đồng, gia đình mới tá hỏa.
“Với trường hợp này, tôi chỉ nói với gia đình cách ly để cô gái không ra bên ngoài mua sắm nữa. Thậm chí, gia đình cũng gọi điện yêu cầu với cửa hàng mỹ phẩm không được bán khi cô gái hỏi mua. Một thời gian ngắn sau đó, tình trạng mua mỹ phẩm quá mức chấm dứt. Đây là trường hợp không có các dấu hiệu bất thường đi kèm nên việc chữa trị không cần dùng thuốc”, bác sĩ Hiển chỉ rõ.
Để chữa căn bênh "nghiện mua sắm" là cả một quá trình lâu dài và bền bỉ, cần kết hợp việc uống thuốc và điều trị tâm lí cho bệnh nhân. Vậy giải pháp cụ thế đối với một bệnh nhân nghiện mua sắm là gì? Mời bạn đón đọc kỳ 3: "Chữa nghiện mua sắm: kiên trì và cách ly" vào lúc 5h00 ngày 28/3
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet