Trẻ hóa
TS Nguyễn Thị Thanh Hóa, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nội tiết T.Ư, cho biết bé T. có mẹ bị đái tháo đường, trọng lượng khi sinh của bé là 4,2kg, là hai yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này. Trước khi đến bệnh viện hai tháng, cân nặng của bé ở mức 42kg, là mức khá cao so với cậu bé mới 9 tuổi. Một tháng trước khi nhập viện, bé uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân nhanh (một tháng sút 4kg).
Là bệnh nhân đái tháo đường, mẹ bé đã sử dụng máy đo đường huyết cá nhân để thử đường máu cho con. Bé đã được đưa ngay đến Bệnh viện Nội tiết T.Ư để điều trị, rất may do đáp ứng tốt với thuốc uống, hiện lượng đường huyết của bé đã về 7mm/l và chỉ số Hba1c ở mức 9%. Tuy nhiên, bé sẽ phải điều trị suốt đời.
Bệnh đái tháo đường tại Việt Nam đang trẻ hóa. (Ảnh minh họa)
Theo TS Hóa, bé T. là một trong số bệnh nhân đái tháo đường type 2 trẻ tuổi ở VN cho đến nay. Nói là một số nhưng trước bé T. chỉ có một bệnh nhân là trẻ em (8 tuổi) được phát hiện mắc đái tháo đường type 2, nhưng ở thể khác với bé T. là thể kháng insulin. Hiện tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư cũng điều trị cho một bệnh nhân đặc biệt, bé P.T.N., sinh năm 2008, ở Hải Phòng. Bé N. nhập viện điều trị một tháng trước đây sau khi có hàng loạt biểu hiện của bệnh nhân đái tháo đường.
Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện chỉ số đường máu của bé là 9,8mm/lít và Hba1c là 8,7%, tuy nhiên điều lạ là chưa xác định được rõ ràng bé N. mắc đái tháo đường type 1 hay type 2, nên mẫu xét nghiệm của bé đang được chuyển đến khoa hóa sinh Bệnh viện Bạch Mai, chờ chuyên gia Mỹ đến VN thăm khám và hỗ trợ.
TS Hóa cho biết trước đây do chưa định lượng được nồng độ insulin và C- peptid, bệnh nhân đái tháo đường dưới 40 tuổi được xem là đái tháo đường type 1, trên 40 tuổi là đái tháo đường type 2. Song hiện nay đã định lượng được hai chỉ số này và việc xác định type bệnh rất dễ dàng. Nhưng có một thực tế là số lượng bệnh nhân đái tháo đường type 2 ở lứa tuổi trẻ đang ngày càng gia tăng rất nhanh.
Phòng bệnh thế nào?
TS Hóa cũng nói thêm khác với những trẻ em ở nhóm có nguy cơ mắc đái tháo đường cao, như có người thân mắc bệnh, trọng lượng sơ sinh trên 4kg, trẻ mập mạp quá mức, thì bé N. có trọng lượng khi sinh chỉ 2,8kg, trước khi nhập viện bé nặng 13kg (sau khi sút 2kg trong một tháng), gia đình bé không ai mắc đái tháo đường. TS Hóa cho rằng còn có những căn nguyên do gen và các yếu tố khác.
Tuy nhiên, TS Hóa khuyến cáo rất nên quản lý thai kỳ, không để thai phát triển quá mức, trọng lượng trẻ sơ sinh từ 3,8-4kg trở lên là nguy cơ cao cả với mẹ và bé. Theo ông Anil Kupur - giám đốc Quỹ Phòng chống đái tháo đường thế giới, chỉ có 6% bệnh nhân đái tháo đường trên thế giới đạt mục tiêu điều trị, do sau khi mắc bệnh họ vẫn chưa tuân thủ điều trị.
Tại VN, TS Hóa cho rằng tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường đến viện muộn, nhất là khi có biến chứng mắt, bàn chân, thận... mới đến bệnh viện rất cao. Quản lý thai kỳ, phòng bệnh sớm bằng lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên... đang được coi là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet