Gần đây, báo chí thông tin về vụ một em bé Trung Quốc bị viêm ruột hoại tử vì uống sữa được pha nhiều hơn tỷ lệ chỉ dẫn.
"Một gia đình người Trung Quốc đang rất hối hận vì thói quen pha sữa không đúng tỷ lệ đã khiến đứa con chưa đầy 2 tháng tuổi phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Mẹ bé chia sẻ, do bé sinh non, sữa mẹ lại không đủ nên chị quyết định cho bé ăn thêm sữa bột để con phát triển nhanh. Nghĩ rằng nhiều sữa sẽ có nhiều chất dinh dưỡng nên khi pha sữa, bố mẹ bé đều cố cho thêm sữa so với lượng quy định ghi trên hộp.
Một ngày, người mẹ thấy con có những triệu chứng khác lạ khi khóc quấy nhiều hơn. Kiểm tra khắp cơ thể con, chị bất ngờ thấy bụng em bé to như một quả bóng nên đã mang con đến bệnh viện ngay lập tức. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ thông báo em bé đã bị viêm ruột hoại tử. "Các bác sĩ nói rằng em bé đã uống lượng sữa quá nhiều.
"Tôi không thể ngờ thói quen của mình đã hại chính đứa con sau bao năm mong ngóng", người mẹ nói trong nước mắt."
Công thức pha sữa đã ghi sẵn trên hộp, mẹ chớ nên làm theo ý mình.
Đọc bài viết mà thấy thương em quá, cũng vì thương con không đúng cách mà người mẹ đã vô tình gây hại cho con mà không biết. Mình ở cùng với cô em chồng, em ấy mới sinh con được hơn 1 tháng. Do cũng là lần đầu sinh con chưa có kinh nghiệm, và đôi khi quá mệt mỏi do chăm con nhỏ, mình nhiều lần nhắc nhở mà em ấy bỏ ngoài tai những lời khuyên của mình.
Có lần mình thấy em hâm sữa mẹ bằng cách đun nóng lên, mình hoảng hốt bảo em ấy sao lại hâm sữa mẹ bằng cách ấy. Em ấy vắt sữa mẹ ra bình xong cho vào tủ lạnh, khi cho con bú, em cho lên bếp 1 cái nồi để cho nóng xong đổ sữa lấy từ tủ lạnh vào, nó phát ra tiếng "xèo xèo" rồi khi nào sữa sôi lên lấy ra cho con bú. Mình bảo muốn hâm nóng thì cho bình sữa ngâm trong nước nóng, khi nào sữa âm ấm thì cho con bú, hoặc nữa thì dùng máy hâm sữa chứ sao lại hâm bằng cách đun sôi lên? Em trả lời: do con đói quá, khóc la um sùm, nên em hâm sữa bằng cách ấy cho nhanh.
Rồi cũng có lần, mình thấy em ấy trộn sữa mẹ và sữa công thức vào chung với nhau, vấn đề là sữa mẹ cũng đang để trong tủ lạnh, em ấy không có thời gian hâm nóng. Thế là em ấy pha sữa công thức (nóng), xong đổ sữa mẹ (lạnh) vào chung cho con bú. Mình thì cứ sợ con bé bú vào bị tiêu chảy mất thôi, chưa nói đến việc sữa mất chất nữa.
Không nên trộn lẫn sữa lạnh và sữa nóng.
Rồi nhỏ bạn của mình có cô con gái đã hơn 2 tuổi mà còi cọc, thân hình thấp bé, lùn còn hơn cả con mình, trong khi con mình mới chỉ có 1,5 tuổi thôi. Mình hay nghe cô ấy bảo rằng thường xuyên pha sữa công thức với tỉ lệ sữa nhiều hơn nước, vì cho rằng pha như thế thì nhiều chất hơn, cung cấp nhiều dưỡng chất cho con hơn. Theo mình tìm hiểu thì pha sữa công thức quá đặc ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bé, đặc biệt là những bé dưới 2 tháng tuổi.
Những triệu chứng đơn giản bé có thể mắc phải bao gồm khó tiêu, đau bụng... Nếu uống sữa quá đặc trong thời gian dài. bé có thể bị xuất huyết não, co giật, hôn mê, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé bởi trong sữa có chứa natri, nếu dùng quá nhiều sẽ gây ra những áp lực lớn lên thành mạch máu. Đồng thời nếu hàm lượng natri trong máu quá cao, cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi, khiến các bé chậm phát triển thể chất.
Mình có đọc được một chia sẻ của PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia về vấn đề pha sữa đúng cách cho con: "Cần pha sữa chính xác theo tỉ lệ như hướng dẫn mới đảm bảo đúng và đủ dinh dưỡng cho bé. Nếu bạn ước lượng thì có thể sữa pha bị quá đặc, khiến bé táo bón, tiểu ít, nước tiểu vàng và không tốt đối với sức khỏe của bé, đặc biệt là đối với các bé dưới 12 tháng tuổi. Ngược lại, nếu sữa pha quá loãng sẽ không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho bé tăng trưởng bình thường".
Trẻ sơ sinh rất yếu, đòi hỏi bố mẹ phải thật chi tiết khi chăm sóc con.
Do mình sinh mổ và bị nhiễm trùng vết mổ, phải điều trị kháng sinh dài kỳ nên mình mất sữa, bé phải bú sữa ngoài. Biết con thiệt thòi nên mình rất cẩn trọng chuyện sữa của con. Mình luôn nằm lòng những điều cấm kị dưới đây để không làm ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng của sữa và sự an toàn cho bé:
1. Không hâm nóng bình sữa bằng lò vi sóng: Bất kể bình sữa của bé làm bằng chất liệu gì, đừng bao giờ hâm bình sữa trong lò vi sóng. Lò vi sóng không làm nóng sữa đều, chỗ nóng chỗ lạnh khác nhau và có thể gây ra những chỗ cực nóng trong sữa, làm bỏng miệng bé.
2. Không thay đổi công thức pha sữa. Nếu cho quá nhiều nước, em bé có thể sẽ bị thiếu lượng dinh dưỡng cần thiết. Nếu cho quá ít nước, em bé lại có nguy cơ bị mất nước.
3. Không dùng nước khoáng để pha sữa công thức cho bé. Bởi vì dùng nước khoáng (loại nước bão hòa chứa hàm lượng khoáng chất cực kì cao và một số loại nước khoáng còn chứa nhiều muối và canxi, cao hơn lượng chất mà trẻ cần hấp thụ) pha sữa cho con có thể khiến bé bị ngộ độc, hại thận, rất nguy hiểm.
Không dùng nước khoáng để pha sữa cho con.
4. Nước pha sữa không đủ nóng. Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến khích nước pha sữa cần phải nóng đến ít nhất là 70°C để thanh trùng, diệt vi khuẩn trong nước và cả sữa công thức. Nước để pha sữa còn phải là nước không để quá 30 phút sau khi đun sôi.
5. Không cho bé bú quá lâu. Tổ chức WHO khuyến cáo, nếu sau 2 tiếng đồng hồ mà bé không chịu “ti” hết bình thì cần bỏ bình sữa đi. Nếu mẹ mang bình sữa đã pha sẵn đi theo trong khi đi xa, bình sữa cần phải được bỏ đi sau 24 giờ không sử dụng.
6. Không cho bé bú quá nhiều. Bởi vì không phải mẹ, mà chính bé mới là người quyết định chính xác nhất bé cần ăn bao nhiêu là đủ.
7. Không để bé ngủ trong lúc đang bú sữa. Vì nguy cơ bé hóc, nghẹn, nôn trớ khi ngủ gật trong lúc bú sữa là rất cao. Ngoài ra, răng của bé cũng dễ bị sâu nếu ngậm sữa trong một thời gian dài.
8. Không để bé tự bú sữa một mình. Vì để bé tự cầm bình sữa và tu một mình, có thể gây nguy cơ nôn trớ và nghẹt thở cũng rất cao.
9. Không hâm nóng sữa hơn 10 phút. Vì quá 10 phút có thể sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong sữa. Điều này có thể khiến em bé bị tiêu chảy.
Các mẹ nhớ nhé, việc pha sữa đặc hơn so với công thức, có thể bây giờ chưa gây ảnh hưởng nhiều nhưng qua thời gian, em bé còn có khả năng bị béo phì. Việc pha sữa công thức không quá phức tạp, trên mỗi hộp sữa hay bao bì đều có ghi rõ ràng số lượng sữa và nước cần pha. Bố mẹ hãy đọc kỹ trước khi pha sữa cho con để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet