Nội dung
Bán cả của hồi môn vì chồng sĩ diện vung tiền mừng tuổi hết 35 triệu

Lên đến Hà Nội, vừa mới đầu năm mà trong túi cả hai vợ chồng sạch nhẵn tiền vì chồng vung phát tiền mừng tuổi. Liên phải mang cái nhẫn vàng, là của hồi môn bố mẹ cho trước khi về nhà chồng đi bán, lấy tiền đóng tiền nhà.

Sắp Tết rồi, nghe chồng hỏi, năm nay cơ quan em hai mấy được nghỉ tết? Để anh thuê cái xe, lái xe đưa cả nhà về quê. Liên xua tay lắc đầu: “Thôi thôi năm nay vợ chồng con cái ở lại Hà Nội ăn tết, không về quê nữa, đi lại vất vả , mà về quê thì tốn kém, năm nay vợ chồng mình khó khăn, cơ quan anh thì chẳng có thưởng, cơ quan em thì được một tháng lương vài triệu, bõ bèn gì”. Nghe Liên nói vậy thì chồng cô giận, vùng vằng bỏ ra ngoài, trước khi đi còn làu bàu thêm câu: “Cả năm mới có mấy ngày tết, đưa con về thăm ông bà nội, em định không về thì còn ra cái thể thống gì nữa”.

Bán cả của hồi môn vì chồng sĩ diện vung tiền mừng tuổi hết 35 triệu
Ảnh minh họa

Chồng cô vô tâm lắm, anh đâu có hiểu cái nỗi khổ của cô. Quê chồng anh em họ hàng thì đông, đi cả xã đâu cũng thấy anh em cô dì chú bác. Cứ nói người ở quê hiền lành chất phát, không tham lam, nhưng riêng quê chồng cô thì thì cô thấy không ai là không tham lam cả.

Riêng anh em ruột thịt của chồng cô có cả thảy 6 người, chồng cô thứ tư, trước còn có ba chị gái, ở dưới còn có hai em trai. Trong 6 anh em thì đúng là chỉ có chồng cô là thông minh học giỏi, nên ra Hà Nội học, ra trường cũng xin được vào làm ở Viện nghiên cứu. Chồng cô cũng chẳng phải là người năng động tháo vát, nên ngoài công việc nghiên cứu chuyên môn có biết làm thêm gì đâu. Lương công chức còm cõi vài triệu, lâu lâu có dự án thì cũng kiếm thêm được chục triệu, bõ bèn gì. Cô thì làm kế toán cho công ty tư nhân, lương cũng chỉ dăm triệu. Vợ chồng lấy nhau với hai bàn tay trắng, chẳng được bên nào trợ giúp. Nhà ngoại thì bố mẹ cũng hiểu hoàn cảnh nên không cho được con cái thì thôi, chứ tuyệt nhiên không đòi hỏi. Thế nhưng nhà chồng Liên thì khác. Anh chị em, bố mẹ chồng Liên cứ mặc định chồng Liên giờ làm quan ở Hà Nội, lương lậu bổng lộc chắc nhiều lắm.

Tết đầu tiên về làm dâu, Liên tròn mắt khi thấy chồng cứ rút 200 nghìn mừng tuổi cho mỗi đứa cháu, các anh chị em trong nhà chồng Liên cũng mừng tuổi mỗi người 500, họ hàng xa xa một tí thì 50-100 ngàn. Nhìn chồng cứ rút tiền mừng tuổi mà Liên như đứt từng khúc ruột. Trong khi đó ở trên Hà Nội, có mua bó rau cô cũng phải cò kè từng nghìn lẻ một. Nhà hai vợ chồng chưa có, vẫn đang phải đi thuê, chắt bóp từng đồng một. Vèo một cái tết, nguyên tiền mừng tuổi, biếu bố mẹ chồng, đã hết đứt hơn 20 triệu. Tiền tiết kiệm nửa năm của Liên coi như là đi tong. 

Nghĩ mình là phận dâu mới, cũng chẳng dám hé răng nửa lời. Ra Hà Nội cô mới nhẹ nhàng bảo chồng, mình còn khó khăn, anh đừng hoang phí như vậy, mừng tuổi hay biếu xén cũng có chừng mực thôi. Thì chồng cô giải thích: “Cả nhà anh chỉ có mỗi anh là thành đạt nhất, chẳng gì anh cũng là niềm tự hào của bố mẹ. Mình đi cả năm có mấy ngày tết về, anh cũng muốn rộng rãi một chút, để bố mẹ nở mày nở mặt. Mình làm cả đời mà, tiết kiệm cả đời mà em”. Nghe chồng nói thế thì Liên còn biết nói gì nữa.

Rút kinh nghiệm Tết sau Liên bảo chồng để cô mừng tuổi mọi người cho. Cô đổi sẵn một xấp tiền mệnh giá 20 nghìn, 50 nghìn. Tết về chỉ có bố mẹ chồng là cô mừng tuổi mỗi người năm trăm nghìn. Còn các cháu nhỏ cô chỉ mừng tuổi 20 nghìn, anh chị lớn thì cô mừng tuổi mỗi người 50 nghìn, gọi là lấy may thôi. Thế mà anh chị chồng làm cô xấu hổ, ngay ngày mùng 1 tết. Lúc chị cả thấy cô rút 20 nghìn mừng tuổi mấy đứa con nhà chị ấy. Chị ấy bèn bĩu môi nói “Ối giời cậu Hoàng lấy vợ vào một cái là biết ngay, mất anh mất em vì vợ là thế, thôi hai mười nghìn mợ cứ giữ lấy mà đi lễ chùa cho có phúc”.  Nghe chị cả nói thế, cô thật vừa xấu hổ vừa tức. Chồng cô bèn nhanh nhảu rút xấp tiền 200 nghìn trong ví ra nói: “À không, đấy là mợ chỉ mừng tuổi dạo đầu lấy may, chứ còn chính vẫn ở trong ví cậu”. Vừa nói chồng Liên vừa rút ra từng 200 nghìn một, lật lượt phát cho 12 đứa cháu. Chưa hết, chồng cô lại tiếp tục rút trong ví một sấp tiền mệnh giá 500 nghìn, lần lượt mừng tuổi cho mỗi anh chị một tờ. Thoắt cái trong chớp mắt xấp tiền 500 nghìn đã đi tong.

Họ hàng người quen đến chúc tết, ai cũng vỗ vai khen chồng Liên giờ làm quan chức thành phố rồi, bố mẹ chồng Liên thật có phúc. Cứ thế mỗi câu khen mỗi câu tâng bốc là chồng Liên lại rút ra một tờ 100 nghìn mừng tuổi. Tết năm thứ hai tính cả tiền đi lại tiền quà cáp, tiền mừng tuổi, vợ chồng Liên hết 35 triệu. Lên đến Hà Nội, vừa mới đầu năm mà trong túi cả hai vợ chồng sạch nhẵn. Liên phải mang cái nhẫn vàng, là của hồi môn bố mẹ cho trước khi về nhà chồng đi bán, lấy tiền đóng tiền nhà.
 
Tết thứ ba, Liên đẻ đứa con đầu lòng, cô muốn ở lại Hà Nội, chồng cô không chịu bắt về. Những tưởng có con thì cũng được vớt vát chút tiền mừng tuổi, ngờ đâu, ai đến cũng chỉ nựng nựng cháu mấy cái rồi đi. Tịnh hề không ai mừng tuổi cho cháu được năm xu một hào, ai cũng nói: “Bố mẹ nó thì thiếu gì tiền, mà phải mừng tuổi”, Nghe những lời nói đó mà Liên tức tới nghẹn họng. Sao mà nhà chồng cô chỉ biết khôn lỏi, chỉ biết nghĩ cho mình, mà không nghĩ cho người khác.

Cho đến bây giờ, con lớn Liên đã 4 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi, nhưng chưa bao giờ đằng nhà chồng liên gọi là biết cho hai cháu nửa đồng quà tấm bánh.  Tất cả họ chỉ mặc định rằng chồng Liên làm viên chức nhà nước, giàu có lắm, chỉ biết vòi vĩnh xin tiền.

Vay mượn mãi, vợ chồng Liên mới mua được căn hộ chung cư cho người thu nhập thất, căn hộ có 700 triệu mà vợ chồng Liên đang nợ tới 500 triệu. Ấy vậy mà mẹ chồng Liên đi khoe với thiên hạ, vợ chồng nó vừa mua cái chung cư 3 tỉ bạc.

Bố chồng chưa gì đã gọi điện ra bảo chồng Liên: “Năm nay con thuê cái xe ô tô riêng mà về, con nhà bác Bác làm ăn được lắm, mới mua cái ô tô một tỉ. Con mang tiếng là hơn nó, chẳng nhẽ lại không có ô tô đi về”. Rồi thì em chồng Liên gọi điện, bảo hai tết này về, có cho vợ chồng em xin mấy triệu để mua cái tủ lạnh.

Chồng Liên từ mấy hôm trước đã lên mạng tìm chỗ thuê xe, rồi thì bảo Liên chuẩn bị sẵn 30 triệu, mang về quê tiêu tết. Liên bảo với chồng hết tiền rồi, vừa dồn tiền trả ngân hàng làm gì có nữa. Chồng Liên cáu: “Thế em không biết mở mồm ra mà đi vay à? Cả năm có mấy ngày tết, em đừng làm anh mất mặt với mọi người”.

Nhưng Liên nghĩ rồi, mất mặt thì cũng kệ chồng cô, cô không thể nào sống cả đời với cái sĩ diện hão đấy được.  Vợ chồng con cái chưa giàu có gì, mà để mang tiền đi rải khắp nơi như thế.

Tết này mẹ con cô ở lại ăn tết, còn chồng cô thích về thì anh ta tự đi mà về. Muốn sĩ diện với bố mẹ với anh em, thì cũng tự đi mà xoay tiền. Cô chẳng bao đồng mãi được nữa.
 Theo Dương Thụy / Trí Thức Trẻ

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Đi xe SH mới là đẳng cấp

"Trên thế giới chẳng còn nước nào quan tâm đến xe hai bánh, nó chỉ được coi là phương tiện 'thể thao nguy hiểm'. Ở ta vẫn quan trọng hóa vấn đề, rằng nó thể hiện đẳng cấp của người đi, thật...

Xem thêm  

10 status ấn tượng trong tuần trên Facebook

'Già rồi hãy sống và làm những điều mình yêu thích, đơn giản vì mình không còn nhiều thời gian', Kỳ Duyên viết. Status số 1 "Người đàn ông mang đến hoa hồng chỉ để vui chứ không nên quá coi trọng....

Xem thêm