Chỉ cách Bangkok khoảng 170km với gần 3 tiếng đi xe, Khao Yai không phải là điểm đến được ưa chuộng của du khách nước ngoài nhưng lại là chốn nghỉ dưỡng tuyệt vời của giới nhà giàu ở Bangkok vào những ngày cuối tuần.
Khao Yai còn được mệnh danh là lá phổi xanh của Bangkok và Thái Lan bởi khu vực này như một bình nguyên xanh mướt, với không khí trong lành, người dân chất phác và thân thiện, cùng nhiều điểm đến để khám phá.
Đến Khao Yai vào những ngày cuối tháng 6, thời tiết đẹp và mát dịu đã đón đoàn farm trip chúng tôi.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình đến Khao Yai là vườn nho PB Valley Khao Yai, quận Pak Chong, Nakhon Ratchasima. Thời tiết ở đây vô cùng dễ chịu, còn cảnh quan thì thật tuyệt.
Khai Yai không chỉ là vựa lúa lớn của Thái Lan và thế giới, mà còn là vùng đất số 1 để trồng nho, vì nho trồng trên vùng đất này cho hiệu suất và năng suất cao nhất. Có khoảng 400 nhà máy sản xuất rượu từ nho trong vùng này. Và PB Valley Khao Yai là nhà máy sản xuất lớn thứ 2 trong vùng. Nhà máy và vườn trồng nho đã có tuổi đời hơn 25 năm.
Ở đây, nho được trồng trong nhà kính được dùng trong sản xuất rượu, còn nho trồng “lộ thiên” mà chúng tôi thấy dọc đường tham quan là loại nho ăn trái, được trồng quanh năm, và được trang bị hệ thống tưới nước hiện đại.
Đáng tiếc khi chúng tôi đến, vườn nho trong nhà kính dù đã trĩu quả và tím mọng, thế nhưng, chủ trang trại nói rằng “trông vậy thôi chứ nho còn xanh lắm”, chỉ cần hái 1 trái thôi, vi khuẩn sẽ xâm nhập và hư hại cả dàn. Thế nên, chúng tôi chỉ có thể ngắm nghía và chụp hình thích thú trong vườn nho, như một kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi farm trip lần này cùng TST Tourist.
|
Nho ăn trái được trồng "lộ thiên" quanh năm |
|
Nho được trồng trong nhà kính dùng trong sản xuất rượu vang |
Người Thái Lan quả biết cách làm du lịch và “say mê” làm du lịch. Ngay trong PB Valley Khao Yai, chủ trang trại tổ chức tour cho du khách ngay tại thung lũng trồng nho này. Chỉ khoảng 1,5 tiếng, du khách được đi thăm vườn nho, và nhà máy sản xuất rượu vang cùng quy trình sản xuất khép kín cùng những sản phẩm được làm từ nho.
Dù đây chỉ là nhà máy lớn thứ 2 trong vùng, nhưng trang thiết bị thuộc loại tối tân nhất nhập từ châu Âu. Và tất nhiên, trong quy trình chúng tôi được “tận mắt sở thị” nhà máy sản xuất rượu vang, bắt đầu từ khâu ép nước, lọc, ủ vi khuẩn tạo men và tinh chế,… và tất nhiên, thành phẩm sẽ bao gồm vang trắng, đỏ và vang hồng. Điều đặc biệt, vang trắng ở Khao Yai có màu trong hơn vang trắng của châu Âu bởi giống nho trồng ở Khao Yai được tiếp xúc nhiều ánh nắng mặt trời hơn.
|
Những thùng gỗ ủ rượu vang |
Tại PB Valley, người ta không chỉ trồng nho, chúng tôi vẫn thấy những khu vườn trồng chanh dây hoặc cây ăn trái. Người chủ chia sẻ rằng, chanh dây ở đây được trồng bằng phương pháp organic, tuyệt nhiên không sử dụng hóa chất. Còn những thửa đất đang được xới lên là đất đã 20 năm trồng nho, và người ta xới lên, sau 5 năm nữa mới tái sử dụng lại để trồng nho, như vậy giống nho mới được ngon và đạt năng suất cao.
Điểm đến thứ 2 ấn tượng nhất trong hành trình chính là Vườn quốc gia Khao Yai National Park. Có lẽ công viên này là điểm đến mà ai cũng thích thú, còn gì bằng khi được tận hưởng cảm giác hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành, lắng nghe cây lá rì rào và tiếng hót líu lo của chim rừng … tất cả như món quà thiên nhiên ban tặng cho con người, mà lâu lắm rồi, tôi mới có cơ hội để tận hưởng.
Vườn quốc gia Khao Yai (Khao Yai National Park) được mở cửa từ 6g sáng đến 6g tối. Sở dĩ người ta đóng cửa rừng sớm bởi buổi tối sợ voi ra tìm thức ăn. Chúng tôi đi xe Song thẻo (loại xe bán tải có 2 hàng ghế ở sau phổ biến ở Thái Lan) dọc theo các con đường mòn để lên núi, đến điểm cao nhất để ngắm núi rừng. Đi lên núi, đường xá quá đẹp và thuận tiện khiến tôi cảm giác như đi trên đường đồng bằng. Dọc đường, thỉnh thoảng có những hòn đất nhỏ, cô kiểm lâm người Thái, đồng thời là hướng dẫn cho chúng tôi cho hay đó chính là những viên đất có vitamin mà người ta để sẵn cho voi rừng ăn. Thêm nữa, quy định ở đây là tuyệt đối không cho khỉ ăn, vì như thế, sẽ tạo thói quen xấu cho loài động vật gần gũi với con người.
|
Cầu treo trong rừng - Ảnh: Internet |
Mặc dù Vườn quốc gia Khao Yai được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, họ vẫn rất sẵn lòng mở cửa chào đón du khách đến tham quan, và tất nhiên, giá vé vào cổng cũng rất “đặc biệt”, nếu là người Thái Lan thì chỉ 40 bath, nhưng du khách nước ngoài sẽ đắt gấp 10 lần, 400 bath. Chúng tôi thắc mắc điều này và nhận được câu trả lời thỏa đáng từ một thành viên của gia đình TST Tourist, chị Đỗ Thụy Nhã Đoan, trước đây từng làm Bộ ngoại giao Thái Lan rằng sở dĩ có mức giá chênh lệch như vậy, vì Vườn quốc gia Khao Yai là tài sản quốc gia, hơn nữa người dân Thái đã đóng thuế cho chính phủ nên họ có quyền được tận hưởng với mức giá rẻ như vậy. Đó cũng là một quan điểm rõ ràng và hay. Điều này cũng giống như đền Angkor Wat ở Campuchia, người dân của họ cũng được vào tham quan miễn phí, còn du khách từ nơi khác đến thì phải trả tiên, cũng với một quan điểm như trên.
|
Đường đi vào rừng rất thuận tiện, với không khí trong lành |
|
Từ điểm cao nhất của Vường quốc gia Khao Yai |
18 km đường rừng, chúng tôi tận hưởng cảm giác đắm mình trong làn gió mát và không khí trong lành của thiên nhiên. Tiếng ve kêu, chim hót, tiết thú rừng như những bản hòa nhạc vui tai, một thứ đặc sản riêng của núi rừng. Rồi chúng tôi có mặt ở điểm cao nhất, và phải đi bộ vài trăm mét để đến điểm đẹp nhất có thể ngắm toàn cảnh núi rừng Khao Yai.
Thành viên trong đoàn còn có bà nhưng đến người già vẫn có thể đi được bởi đường đi làm cầu thang gỗ, đi rất thuận tiện, ngay cả các thành viên trong đoàn thuộc thế hệ U60, 70 như bà Nguyễn Thị Thảo, bà Nguyễn Thị Lập Quốc hay bà Đổng Thị Kim Vui - những nguyên Giám đốc Sở Du lịch TP HCM qua các thời kỳ cũng rất hào hứng.
|
Những bậc thang gỗ giúp cho việc di chuyển trong rừng được thuận tiện |
Điều này làm tôi nghĩ đến một điều, Khao Yai không chỉ có người giàu Bang Kok, những du khách trẻ mà ngay cả những người lớn tuổi cũng rất phù hợp để du lịch đến vùng đất này. Khao Yai quả là nơi để ta sống chậm cũng không ngoa. Dường như chỉ có con người hòa mình giữa thiên nhiên, tách biệt hẳn với phố thị ồn ào và cuộc sống đầy lo toan của thường ngày.
Nguyễn Hằng
(Còn tiếp)