Giám đốc kế hoạch Audi Jürgen Lunemann từng gọi sự có mặt của chiếc A8 thân nhôm tại Triển lãm Geneva 1994 là mở màn một cuộc cách mạng kỹ thuật ôtô cùng với những ý niệm về thân xe nhẹ không chỉ bằng cách sử dụng nhôm mà cả bằng thép dập.
Điểm nổi bật của Audi Space Frame (ASF) chính là sự kết hợp của nhôm đúc, rèn, đùn và tấm với thép tấm để tạo lên cấu khung không gian nhẹ có khả năng chịu lực cao. Cấu trúc thân ASF nhẹ hơn 40% so với loại thân sử dụng thép truyền thống, nhưng cứng vững hơn 60%.
Cấu trúc khung nhôm làm giảm khối lượng và tăng cường độ cứng vững của thân. |
Giảm khối lượng đồng nghĩa với việc cải thiện tính năng vận hành, xe nhẹ có thể tăng giảm tốc độ nhanh. Trọng tâm khung thấp, xe chuyển động ổn định khi cua. Với 100 kg khối lượng cắt giảm được, Audi Space Frame tiết kiệm khoảng 0,3 lít nhiên liệu cho 100 km. Kết cấu nhôm cho phép đầu xe hấp thụ nhiều năng lượng va chạm cùng với cấu trúc ASF tăng độ cứng cabin bảo vệ an toàn cho con người khi xảy ra tai nạn.
Khác với cấu trúc thân R8 với 100% nhôm, A8 là 90%, ASF trên Audi TT chỉ có 69% nhôm, 31% còn lại là thép. Ý tưởng này nhằm tận dụng các chi tiết bằng thép phía sau để tạo ra sự cân bằng khối lượng trước sau. Giống như pin, ăn mòn có thể xuất hiện khi hai kim loại tiếp xúc với nhau trong môi trường ẩm ướt. Để ngăn chặn điều này, Audi sử dụng công nghệ liên kết đa tạp. Một trong những cách đó là sử dụng biện pháp tán. Đinh tán làm băng nhôm hoặc thép không rỉ. Chất kết dính không dẫn điện cũng được sử dụng để tạo liên kết ở những nơi dễ bị ăn mòn.
Audi trở thành hãng ôtô đầu tiên trên thế giới sử dụng khung nhôm cho xe sản xuất hàng loạt. Mẫu đầu tiên là chiếc A2 giới thiệu năm 1999, hơn 176.000 xe đã xuất xưởng trong những năm sau đó. Tới năm 2003, hãng đã đưa ra khoảng 250.000 xe sử dụng khung nhôm.
Thế Hoàng
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet