Ngày 1.11 vừa qua, á khôi Thúy Vân, đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Quốc tế ( miss international 2015) đã công bố trang phục dân tộc chính thức mà cô sẽ mặc trong đêm chung kết (5.11). Đây là một thiết kế lấy cảm hứng từ chiếc áo dài của nhà thiết kế Huỳnh Hải Long và Đặng Thế Huy.
Trang phục dân tộc của đại diện Việt Nam thúy vân tại chung kết Miss International 2015 sắp tới
Được biết, công đoạn thực hiện chiếc áo dài này khá cầu kỳ với kỹ thuật thêu tay, dựng vest hiện đại, được thực hiện từ 1.000 tép chỉ Koma Japan. Điểm nhấn của trang phục là hình rồng thêu 3D trên thân áo, có chiều dài tới 1,2 mét. 2.000 viên pha lê cũng đã được sử dụng để đính kết lên chiếc áo dài tông vàng vương giả, để tạo nên hiệu ứng lung linh cho trang phục.
Cũng giống như những trang phục truyền thống từng được mang đi thi quốc tế trước đó, chiếc áo dài này lập tức trở thành tâm điểm chú ý với nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người thích thú và tán thưởng sự kỳ công của trang phục cũng như màu sắc, cách thêu đính mang lại chất quý phái của áo dài.
Bên cạnh đó, cũng có một số luồng ý kiến cho rằng chiếc váy có phần hơi cứng, chưa tôn được vòng 1 của Thúy Vân hay khiến họ liên tưởng đến trang phục trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc. Một số cư dân mạng cũng nghĩ việc áp dụng kỹ thuật cắt, may vest lên áo dài (vốn sử dụng kỹ thuật raglan mềm mại) là không phù hợp, khiến áo bị cứng.
Vừa công bố, chiếc áo dài của Thúy Vân đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều
Trước dư luận đa chiều, chúng tôi đã liên hệ với hai nhà thiết kế trang phục là Huỳnh Hải Long và Đặng Thế Huy để nghe họ chia sẻ về những quyết định của mình khi mang trang phục này ra trường quốc tế:
- Nhiều người khen áo dài của Thúy Vân ở Miss International 2015 đẹp và sang trọng nhưng lại khiến họ liên tưởng đến trang phục Trung Quốc. Anh nghĩ sao về điều này?
NTK Huỳnh Hải Long: Giữa hai quốc gia có những sự tương đồng nhất định và phần nào ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau, vì vậy việc liên tưởng cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, dưới con mắt tinh tế và nhạy cảm, người làm nghệ thuật sẽ cảm nhận được sự khác nhau rõ nét.
Cụ thể, màu vàng dành cho vua chúa, hoàng gia Trung Quốc thì rực rỡ, chói lọi nhưng màu vàng của cung đình Việt Nam thì rất trầm mặc, phảng phất nét man mác của cố đô Huế. Con rồng trên trang phục cũng đã được tôi vẽ lại để tạo sự phóng khoáng, bay bổng khác biệt. Đặc biệt, chiếc mấn xếp bằng lụa kinh điển chính là một phần của văn hóa Việt. Chúng tôi không trang trí nhiều mà chỉ sử dụng trâm thêu vì muốn mang đến hình ảnh đơn giản, tinh tế nhưng sang trọng.
Tôi tin chắc trang phục này sẽ là một “bông hoa” riêng biệt của Việt Nam, không thể trộn lẫn với trang phục của bất cứ quốc gia nào, bởi nó được tạo ra bởi những nhà thiết kế Việt Nam, với tình yêu dành cho văn hóa truyền thống!
Chiếc áo dài của Thúy Vân được thiết kế, lấy cảm hứng từ trang phục của Nam Phương hoàng hậu
- Trang phục dân tộc của các đại diện Việt Nam đi thi hoa hậu quốc tế hầu hết đều dựa trên hình ảnh chiếc áo dài. Vì sao các anh cũng lựa chọn con đường này mà không lấy cảm hứng từ một trang phục cổ truyền khác?
NTK Huỳnh Hải Long: Thế giới đã biết đến Việt Nam và yêu mến hình ảnh áo dài thì tại sao chúng ta không tiếp tục phổ biến để hình ảnh ấy trở thành biểu tượng. Chọn áo dài là một áp lực không nhỏ đối với chúng tôi vì trước chúng tôi, nhiều nhà thiết kế tiền bối rất thành công với áo dài.
Dưới góc nhìn của một nhà thiết kế trẻ, tôi muốn một hình ảnh mới - một chiếc áo dài "hội nhập", cũng giống như kimono của Nhật Bản đã trở thành biểu tượng và nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế lừng danh thế giới...
- Cũng có ý kiến cho rằng chiếc áo dài này hơi cứng và chưa tôn được vòng 1 của Thúy Vân. Các anh nói sao về ý kiến này?
NTK Đặng Thế Huy: Trước khi bộ ảnh được công bố rộng rãi, tôi và ê kip đã lường trước những ý kiến trái chiều. Trên thực tế, công nghệ xử lý ảnh có thể giúp làm cho vòng 1 đầy đặn hơn và mãn nhãn người xem. Tuy nhiên, tôi không làm vậy, tôi muốn mang đến hình ảnh chân thật, gần gũi nhất cho Thúy Vân.
Đây không phải là bộ trang phục sản xuất đại trà mà được may đo rất cẩn thận trên số đo chuẩn của Thúy Vân. Tuy nhiên, trong buổi trình diễn tại lễ kỷ niệm của khách sạn Imperial, vấn đề này sẽ được lưu tâm để giúp cho hình ảnh của Thúy Vân thêm phần hấp dẫn hơn trong mắt khán giả.
Bên cạnh đó, bộ trang phục dân tộc của các quốc gia châu Á không hẳn phải thể hiện vẻ đẹp hình thể nên tôi nghĩ tiêu chí đánh giá của Ban giám khảo với dạng trang phục này có những điểm riêng biệt.
Trong những năm gần đây, nhan sắc châu Á liên tục chiến thắng trong các cuộc thi sắc đẹp. Điều này chứng tỏ rằng nét đẹp tự nhiên của các người đẹp đang dần thu hút và được đánh giá cao, từ sự kín đáo, tinh tế đến sự thông minh, tự tin và vẻ đẹp tâm hồn. Một bộ trang phục không quyết định thứ hạng của người đẹp đó trong kết quả cuối cùng.
Chiếc áo dài được làm từ tông màu vàng, tượng trưng cho sự vương giả, quý phái
- Việc áp dụng kỹ thuật may vest dường như chưa phù hợp lắm với áo dài (thường được may kỹ thuật raglan mềm mại, hợp với bờ vai xuôi của người Việt). Anh có thể giải thích cho lựa chọn mới lạ này của mình?
NTK Đặng Thế Huy: Đây là bộ trang phục chúng tôi lấy cảm hứng từ áo dài kết hợp phom dáng váy châu Âu. Tôi và anh Long muốn mang đến hình ảnh một trang phục truyền thống nhưng mang tính "hội nhập". Nếu mọi người theo dõi những cuộc thi nhan sắc gần đây sẽ thấy trang phục dân tộc đoạt giải của những quốc gia đều mang yếu tố tiên phong, khám phá để mang đến sự mới mẻ. Đây cũng là điều chúng tôi hướng đến!
Ngoài ra, chúng tôi sử dụng kỹ thuật cắt vest để tạo nên hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ , bản lĩnh nhưng vẫn dịu dàng, nữ tính.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet