người mẫu Minh Triệu trong một bức ảnh bán nude chụp trên tạp chí của Pháp
Trong những ngày qua, thông tư 01/2016 mới ban hành được áp dụng ngày 15/5 tới đây của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gây xôn xao trong dư luận.
Cụ thể, điều thứ 3, khoản 1, điểm a của thông tư nêu ra quy định cấm người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đoạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu “chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông".
Thông tư vừa được ban hành đã lập tức trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trong giới thời trang và đặc biệt là các người mẫu, hoa hậu – những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi quy định cấm chụp nude này. Hầu hết đều cho rằng, việc cấm ghi lại hình ảnh khỏa thân mà không xác định rõ ranh giới giữa nghệ thuật và phản cảm có phần đi ngược lại dòng chảy chung của nghệ thuật thế giới.
Quả thật, nếu như ở Việt Nam, ảnh nude hay bán nude còn là một lĩnh vực mà nhiều người ái ngại khi bước vào thì ở nhiều quốc gia phương Tây hiện nay, nude đã được công nhận là một nghệ thuật. Dù vậy, điều này không có nghĩa là chỗ đứng của nó đã thực sự vững chắc. Ảnh nude trên thế giới cũng từng trải qua một chặng đường vô cùng chông gai và đối mặt vô vàn ý kiến trái chiều.
2 thế kỷ tranh cãi về ảnh nude
Ngay từ thời điểm mới ra đời ở thế kỷ 19, ảnh nude đã lập tức vấp phải vô vàn rào cản. Trước đó, hình ảnh người khỏa thân thường chỉ được đưa lên tranh ảnh và ngay cả ở thời điểm thế kỷ 19, ảnh nude nam và nữ vẫn cố gắng không hướng tới hiện thực mà mô phỏng hình ảnh các thần, thánh trong truyền thuyết cổ xưa.
Madonna là một trong những nữ nghệ sĩ đi tiên phong cho trào lưu chụp nude trên thế giới
Các nhiếp ảnh gia theo đuổi nghệ thuật nude thời kỳ này luôn phải “đau đầu” tính toán từ cách tạo dáng, ánh sáng… bằng những kỹ thuật dù còn khá thô sơ để ảnh nude mang tính nghệ thuật cao nhất, tránh sự dung tục. Dù vậy, họ vẫn vướng phải rất nhiều ý kiến phản đối từ dư luận. Hầu hết đều cho rằng những bức ảnh truyền tải quá thực, khác với tranh khỏa thân thể hiện được nhiều hơn kỹ thuật của người nghệ sĩ.
Bắt đầu từ thế kỷ 20, ảnh nude bắt đầu được sử dụng cho thời trang và marketing. Thay vì chỉ nằm trong các phòng tranh, những hình ảnh khỏa thân bắt đầu được sử dụng cho truyền thông. Người mẫu cũng dần nhìn thẳng vào ống kính thay vì chỉ nhìn đi xa xăm như trước kia.
Tuy nhiên, ngay cả khi truyền thông và marketing đã phát triển hơn trước rất nhiều, ảnh nude vẫn là đề tài tranh cãi kịch liệt trong giới. Năm 1991, Demi Moore và nhiếp ảnh gia Avedon “bắn” một phát súng giữa trời quang khi tung ra bức ảnh nude của cô đào này khi đang mang bầu. Những trận khẩu chiến lập tức nổ ra không dứt. Dù vậy, không thể phủ nhận, bức ảnh của Demi Moore thực sự đẹp và đã dấy lên một trào lưu chụp nude bầu cho tới tận bây giờ.
Mỹ nhân quốc tế cũng từng “điêu đứng” vì ảnh nude
Không chỉ Demi Moore mà trong chiều dài lịch sử làng giải trí quốc tế, từng có kha khá người đẹp khổ sở vì ảnh nude. Ở thời điểm mới bước vào làng mẫu, loạt ảnh bán nude của Kate Moss chụp cho thương hiệu thời trang Calvin Klein cũng vấp phải vô vàn ý kiến phản đối.
Người ta chỉ trích một Kate Moss còn quá non trẻ đã dám cởi đồ lên ảnh. Số khác cho rằng, thương hiệu đang mang hình ảnh khỏa thân ra để PR một cách rẻ tiền.
Kate Moss từng bị chỉ trích vì bán nude trong quảng cáo của Calvin Klein
Không chỉ người mẫu, diễn viên trở thành tâm điểm “ném đá” của dư luận mà cả các hoa hậu cũng không ít lần gặp rắc rối vì dám cởi đồ lên hình. Nếu như các người đẹp tham dự Hoa hậu Hoàn vũ được thoải mái chụp ảnh sexy, ảnh nude, thậm chí còn từng được tỷ phú Donald Trump khuyến khích thì ở các đấu trường Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế… ảnh nude không được chào đón.
Năm 1979, Tatiana Capote bị đuổi về nước vì để lộ ngực trong bộ áo tắm táo bạo tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Trong chung kết Hoa hậu Thế giới 2015, Tess Alexander bị cho là tuột mất vương miện một phần do từng lộ ảnh khỏa thân trước đó.
Trong vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Philippines (Binibining Pilipinas 2016) đang diễn ra, Kim Ross Delos Santos và Janelle Olafson – hai ứng viên sáng giá cho vương miện hoa hậu cũng bị Ban tổ chức loại thẳng tay vì có ảnh khỏa thân trước đó. Ngay cả khi các fan của họ phản đối và cho rằng những bộ ảnh này đều có ý nghĩa nghệ thuật hay từ thiện, những người đứng đầu cuộc thi vẫn không hề thay đổi quyết định của họ.
Thí sinh Kim Ross bị loại khỏi Hoa hậu Philippines 2016 vì từng chụp nude nghệ thuật
Đại diện Australia Tess Alexander bị tuột mất vương miện Hoa hậu Thế giới 2015. Nhiều người cho rằng, đó là do cô từng có ảnh khỏa thân
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet