1. Mua đi mua lại một kiểu đồ
Gu thời trang yêu thích khiến mỗi người gắn với một kiểu quần áo, phụ kiện nhất định. Tuy vậy, khi nhận thấy mình lúc nào cũng có những trang phục, phụ kiện na ná nhau, đây là lúc bạn cần chấn chỉnh thói quen mua sắm. Những gì nên làm là xem xét kỹ lưỡng rồi chọn lấy món hoàn hảo nhất. Tất cả đồ thừa còn lại, bạn nên bán, đem đi ủng hộ hoặc cho người khác. Những lần shopping tiếp theo, bạn cũng cần suy nghĩ xem mình đã có món tương tự như vậy ở nhà chưa trước khi quyết định rút ví.
2. Dốc hết tiền sắm đồ khiến bản thân "cháy túi"
Bạn "cắn răng" mua một chiếc túi xách yêu thích để rồi cuối tháng không có tiền trả các khoản phí khác trong cuộc sống? Đây là thói quen cần được loại bỏ lập tức để tránh nguy cơ bị ngập ngụa trong nợ nần. Cách tốt nhất để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của bản thân là dành ra một khoản tiền riêng mỗi tháng. Nhờ đó, bạn vừa có thể sở hữu món đồ mình yêu thích lại không cảm thấy hối hận vào cuối tháng đó.
Sự khác biệt giữa tín đồ thời trang và "kẻ nghiện" mù quáng là thói quen mua sắm ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực tới cuộc sống. Ảnh: Blogspot. |
3. Mua đồ vì thích thương hiệu hơn là vì món đó phù hợp
Thích một hãng thời trang hay một nhà thiết kế không có tội. Nhưng việc chạy theo các thương hiệu mà không biết nó có phù hợp với bản thân và sở thích lại là chuyện cần xem xét.
4. Không có thói quen trả lại những món không phù hợp với mình
Cuộc sống tất bật khiến quỹ thời gian trở nên eo hẹp. Tuy nhiên, đừng vì thế mà hy sinh số tiền "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" mới kiếm được do ngại đi trả món đồ không phù hợp mới mua. Hãy sử dụng số tiền ấy vào những thứ có ích hơn.
5. Mặc đồ hiệu để khoe với mọi người xung quanh
Trước khi mua một món thời trang, bạn nên hỏi bản thân thực sự thích nó hay đơn giản muốn người khác biết rằng mình sở hữu nó. Nếu câu trả lời là phương án thứ hai, bạn nên xem xét lại thói quen shopping của bản thân.
6. Shopping để giống người nổi tiếng
Các sao Hollywood, blogger thời trang hay biên tập viên đều có một êkíp hỗ trợ hùng hậu phía sau. Bạn nên học hỏi cách phối đồ và tìm cho mình những món phù hợp thay vì đâm đầu mù quáng chạy theo những gì họ khoác lên người.
Những món đồ hiệu không tạo nên đẳng cấp của tín đồ thời trang. Ảnh: Woredpress. |
7. Viện cớ để shopping
Bạn cần một bộ đồ thật đẹp cho buổi hẹn hò đầu tiên? Đó là lý do chính đáng. Nhưng nếu viện ra những cớ vô lý như phải sắm đồ thật đẹp để đi chơi với đồng nghiệp, bạn cần chặn ngay ý nghĩ sẽ lao ra cửa hàng quần áo.
8. Không biết mình đang sở hữu những gì
Việc mua sắm quá nhiều khiến bạn không nhớ nổi mình vừa mua gì trong tháng. Nên dành ra khoảng thời gian hợp lý để sắp xếp lại những gì mình có trong tủ đồ. Nhờ vậy, những lần shopping tiếp theo sẽ bớt lãng phí hơn.
9. Luôn dùng thẻ tín dụng để mua đồ
Thay vì vô tư quẹt thẻ tín dụng (credit card) để rồi đến cuối tháng tá hỏa vì phải thanh toán tờ hóa đơn dài dằng dặc, hãy sử dụng thẻ ghi nợ (debit card) để giới hạn mức tiêu dùng của bản thân. Bằng không, bạn nên mua bằng tiền mặt. Như vậy, bạn sẽ biết chính xác mình cần tiêu bao nhiêu và cân nhắc hơn trong việc mua sắm.
Đức Trí
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet