1. Chanel
Karl Lagerfeld được coi là người kế thừa sáng giá của Coco chanel trong làng thời trang hiện đại. |
Coco Chanel mở cửa hàng thời trang đầu tiên vào 1913 nhưng công việc kinh doanh của bà nhanh chóng đi vào ngõ cụt sau khi Pháp tuyên chiến với Đức trong Thế chiến hai. Khi cuộc chiến kết thúc, đầu những năm 1950, bà quyết định vực lại thương hiệu Chanel. Những cố gắng của Coco Chanel cũng một phần nào đó giúp hãng mốt dần lấy lại vị trí nhưng không được như thời vàng son.
Coco Chanel qua đời năm 1971, năm 1983, Karl Lagerfeld trở thành nhà thiết kế Haute Couture chính cho hãng. Năm 1984, ông nắm luôn mảng đồ ứng dụng. Từ đó đến nay, với tài năng thiên phú của Karl, nhãn hiệu thời trang Pháp mới thực sự trở lại vị trí hàng đầu và luôn có sức ảnh hưởng lớn trong làng mốt. Tín đồ thời trang khắp thế giới hàng năm đều hồi hộp chờ đón những bộ sưu tập đẳng cấp, những show thời trang độc đáo qua bàn tay biến hóa và óc sáng tạo vô biên của Karl. Tháng 3/2013, trong tuần thời trang Paris, Karl Lagerfeld đã tổ chức kỷ niệm 100 năm thương hiệu kể từ cửa hàng đầu tiên được khai trương ở thị trấn ven biển Normandy, Pháp. Bông hồng nước Anh - Keira Knightley - một trong các nàng thơ của nhà thiết kế người Đức, đã được mời đóng bộ phim đánh dấu 100 năm Chanel mang tên "Once Upon A Time".
2. Louis Vuitton
Marc Jacobs đem lại vinh quang cho louis vuitton suốt 16 năm gắn bó. |
Hoạt động từ 1854, Louis Vuitton ban đầu là một cửa hàng nhỏ nổi tiếng với các mẫu túi du lịch siêu bền tại Paris (Pháp). Khi ấy, các món đồ của hãng từng được giới hoàng gia sử dụng, ví dụ như Hoàng hậu Eugenie, vợ vua Napoleon III. Năm 1896, 4 năm sau khi Louis Vuitton qua đời, con trai ông mới tạo nên logo đặc trưng cho hãng với hai chữ cái LV cùng các họa tiết hoa lá, kim cương và vòng tròn xung quanh. Trong suốt 160 năm, hãng này kinh doanh tốt trong lĩnh vực thời trang nhưng không tạo nên được dấu ấn khác biệt.
Tới tận năm 1997 của thế kỷ 20, nhà thiết kế tài năng người Mỹ Marc Jacobs trở thành giám đốc sáng tạo cho Louis Vuitton và anh đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của hãng thời trang Pháp. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhà mốt này trở thành thế lực hùng mạnh trong ngành công nghiệp. Suốt 16 năm gắn bó, Marc Jacobs cùng Louis Vuitton liên tục tạo nên những cơn bão xu hướng khiến các tín đồ "điên đảo". Sau sự ra đi mới đây của Marc Jacobs, Louis Vuitton đã mời một huyền thoại thiết kế khác là Nicolas Ghesquiere để tiếp quản.
3. Balmain
Christophe Decarnin tạo nên bước đột phá cho balmain trong thời khủng hoảng. |
Vào năm 1949, tên tuổi hãng thời trang Balmain cùng nhà sáng lập Pierre Balmain đại diện cho đẳng cấp thượng lưu của Pháp. Nhưng tới những năm 1960, thương hiệu này dần hết thời và hoàn toàn mất chỗ đứng khi Pierre Balmain mất vào 1982. Erik Mortensen, bạn đời của Pierre Balmain, lúc đó đã cố gắng vực lại thương hiệu thời trang trong vô vọng. Thậm chí, Năm 1992, Oscar de la Renta mua lại thương hiệu này theo lời mời gọi của Erik Mortensen nhưng tình hình kinh doanh vẫn không tiến triển là bao.
Đến 2005, sự xuất hiện của Christophe Decarnin đánh dấu bước ngoặt hoàn toàn mới cho Balmain. Những mẫu quần áo cá tính, hào nhoáng với giá bán "trên trời" khác hẳn với các thiết kế truyền thống của nhà mốt khi xưa khiến anh nhanh chóng trở thành ngôi sao hàng đầu trong làng thời trang. Ngày nay, Balmain vẫn là một trong những nhà mốt yêu thích của các sao nổi tiếng như Beyonce, Miley Cyrus hay Rihanna.
4. Lanvin
Alber Elbaz là người đưa Lanvin trở lại bản đồ thời trang hiện đại. |
Khi mới thành lập hãng thời trang này, Jeanne Lanvin gặt hái không ít thành công cả ở lĩnh vực trang phục lẫn nước hoa, phụ kiện và đồ lót. Tuy vậy, cái chết của bà vào năm 1946 khiến toàn bộ công ty rơi vào khủng hoảng.
Năm 2002, Alber Elbaz được hãng Lanvin tuyển dụng vào đội thiết kế. Bằng tài năng của mình, ông dần đưa tên tuổi của công ty Pháp trở về đúng vị trí trên bản đồ thời trang thế giới. Hiện tại, Lanvin đã trở thành một trong những thương hiệu hạng A được các sao Hollywood yêu thích như Gwyneth Paltrow, Kim Kardashian hay Jennifer Lopez.
5. Balenciaga
"Huyền thoại" của Balenciaga - Nicolas Ghesquiere. |
balenciaga được Cristobal Balenciaga sáng lập vào năm 1918. Các trang phục Haute Couture của ông khi ấy được giới thượng lưu Tây Ban Nha ưa chuộng hết mực. Năm 1972, nhà tạo mẫu qua đời, kéo theo sự sụp đổ của cả đế chế thời trang này. Qua suốt hai đời giám đốc sáng tạo Michel Goma (1987–1991) và Josephus Melchior Thimister (1992–1997), số phận của Balenciaga chỉ dừng lại ở mức "trôi nổi".
Năm 1997, Nicolas Ghesquiere đặt chân đến Balenciaga và mở ra con đường mới cho hãng thời trang này. Tài năng của Nicolas được Cathy Horyn, cựu biên tập viên thời trang khó tính bậc nhất của New York Times, ca ngợi là "ngôi sao đích thực của Paris". Suốt những năm cuối thập niên 1990 và đầu 2000, Balenciaga trở thành thế lực đáng gờm trong làng thời trang. Sau khi Nicolas Ghesquiere rời sang Louis Vuitton, Balenciaga đã cậy nhờ vào một nhà thiết kế nổi tiếng khác là Alexander Wang.
6. Vionnet
Rodolfo Paglialunga (trái) giúp hãng vionnet trỗi dậy mạnh mẽ sau khi gia nhập hãng vào 2009. |
Khi mới thành lập nhà mốt vào năm 1912, Madeline Vionnet đã gặp không biết bao thăng trầm. Thương hiệu thời trang của bà thậm chí phải đóng cửa vào hai năm sau đó vì bị ảnh hưởng bởi thế chiến thứ nhất. Sau chiến tranh, ba mở lại một cửa hàng bán đồ cao cấp ở Paris năm 1923 và làm việc không ngừng nghỉ mong gây dựng vị trí cho thương hiệu của mình. Tuy vậy, mọi cố gắng từ Madeline Vionnet đều bất thành. Năm 1939, bà buộc đóng cửa hàng ngay trước khi chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu. Madeline Vionnet ra đi vào năm 1975 khi chưa kịp thấy "đứa con" của mình được vực dậy.
Năm 2009, nhà thiết kế Rodolfo Paglialunga, từng làm việc cho Prada, lên nắm quyền tại Vionnet. Chính ông là người giúp cho các bộ cánh của thương hiệu này trở lại thảm đỏ Hollywood và được khoác lộng lẫy trên người các sao như Madonna và Carey Mulligan. Hiện tại, vị trí giám đốc sáng tạo của Rodolfo Paglialunga đã được thay thế bởi Goga Ashkenazi. Các thiết kế của Vionnet giờ vẫn được nhiều sao lớn ưa chuộng, ví dụ Zoe Saldana, Natalie Portman và Amy Adams.
7. Kenzo
Carol Lim (trái) và Humberto Leon (phải) lấy lại danh tiếng cho những mẫu trang phục bụi bặm của Kenzo. |
Thương hiệu thời trang của nhà thiết kế kenzo Takada được thành lập vào những năm 1970. Sau khi Kenzo Takada về hưu vào 1999, nhà mốt này đã không còn giữ được bản sắc như xưa khi dưới sự lãnh đạo của giám đốc sáng tạo Antonio Marras. Thay vì tạo nên những bộ trang phục đường phố bụi bặm, Antonio Marra hướng đội thiết kế của hãng nhắm tới quần áo nữ tính.
Năm 2011, việc Humberto Leon và Carol Lim bước chân vào hãng Kenzo đã tạo nên nhiều sự thay đổi lớn cho hãng thời trang này. Những bộ cánh mang âm hưởng đường phố dần trở lại trong các bộ sưu tập, giúp Kenzo nhanh chóng trở lại cuộc đua khắc nghiệt trong ngành công nghiệp thay vì hấp hối với những sản phẩm kém độc đáo như trước.
Thành Trương
Ảnh: Blogspot
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet