Là cánh cửa ngăn cách ổ khóa với bên ngoài, nắp khóa điện (khóa từ) không chỉ góp phần hạn chế bụi bẩn, nước mưa lọt vào ổ mà còn trở thành vách an toàn, kéo dài thời gian phá khóa của kẻ gian. Thao tác đóng mở nắp thông qua núm xoay gắn trên chìa. Khi được đóng lại, chi tiết đơn giản này vô hiệu hóa gần như tất cả các loại đồ nghề của giới đạo chích thường hay sử dụng: chìa khóa vạn năng, bộ siêu phá khóa, hay vam công.
Tâm lý của trộm là lợi dụng tình huống chủ xe lơ là không chú ý, nhanh tay phá khóa, nổ máy rồi tẩu thoát, chỉ cần một vài giây để thực hiện một phi vụ. Thời gian thực hiện càng dài, khả năng thành công càng thấp, dễ bị bắt. Vì thế những xe có nắp khóa đóng không phải là lựa chọn số một của chúng. Tuy nhiên chi tiết đơn giản này lại thường bị chủ nhân bỏ qua, bởi họ ngại mỗi khi dùng khe lục giác mở lại.
Thực tế việc phá nắp không phải là chuyện quá khó với những tay chuyên nghiệp bởi trên một dòng xe, kích thước núm mở thường giống nhau, xác suất mở lẫn cũng rất lớn. Nên những xe bị bỏ lâu tại các khu vực vắng vẫn có thể mất.
Dùng nhiều ổ khóa
Ở những dòng xe giá trị thấp, nhà sản xuất thường không trang bị nắp đậy chìa vì thế chúng cũng dễ dàng vị đánh cắp hơn. Giải pháp đơn giản nhưng cần một chút đầu tư là lắp thêm một, 2 thậm chí 3 khóa, thêm cản trở đối cho kẻ gian. Về cơ bản đây là các loại khóa cơ khí. Phổ biến hiện nay là khóa càng, khóa chữ U, hoặc khóa bánh... Nhược điểm của những khóa này là tạo ra đôi chút cồng kềnh khi di chuyển.
Khóa phanh đĩa. |
Công tắc bí mật
Nếu không nổ được máy, trộm khó thành công. Từ đặc điểm này, nhiều người có giải pháp chống trộm khá đơn giản là lắp thêm công tắc bí mật đóng mở hệ thống khởi động. Chủ xe chỉ cần bật công tắc ngắt điện vào hệ thống khởi động. Dù kẻ gian có phá khóa trung tâm thì vẫn không thể khởi động được nếu không mở khóa.
Các loại công tắc này thường bố trí ở vị trí bí mật để nâng cao độ an toàn. Một số bố trí dưới yên bởi trộm sẽ tốn thời gian phá thêm chiếc khóa thứ 2. Cách lắp đặt đơn giản, chi phí thấp, dễ sử dụng nên biện pháp này khá phổ biến.
Thiết bị báo động
Bộ thiết bị giá khoảng vài trăm nghìn, gồm: cảm biến rung, bộ điều khiển và loa. Khi hệ thống bật, chỉ cần chạm vào xe và rung nhẹ, bộ điều khiển nhận tín hiệu từ cảm biến, rồi phát cảnh báo động. Trào lưu lắp bộ thiết bị này rộ lên một vài năm trước. Nhưng do phiền phức mà nó mang lại lớn hơn nhiều so với công năng, nên thiết bị này hiện ít được sử dụng. Thực tế, giới đạo chích còn truyền tai nhau thiết bị phát từ trường, có khả năng vô hiệu hóa loa phát tín hiệu cảnh báo.
Bộ khóa chip điện tử
Cũng làm nhiệm vụ đóng ngắt nguồn nuôi hệ thống khởi động, nhưng bộ khóa chip điện tử làm việc tự động, có tính chọn lọc cao vì chỉ làm việc khi tra khóa vào ổ. Khóa gồm hai bộ phần rời nhau, một gắn trên xe làm nhiệm vụ nhận diện thiết bị cầm tay.
Sau vài giây khi tra khóa vào ổ mà không nhận điện đúng mã, hệ thống tự động bật còi thu hút sự chú ý, đồng thời ngắt hệ thống khởi động. Chi phí lắp đặt bộ thiết bị này từ 1 đến vài triệu đồng.
Bảo Sơn
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet