Bốn đội tranh đấu tại chung kết cuộc thi Viết ứng dụng tương tác thông minh điều khiển bằng giọng nói (S.M.A.C Challenge 2015) đến từ Học viện Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ - ĐHQG HN, Đại học FPT và Đại học cntt - ĐHQG TP.HCM. Bốn ứng dụng của các đội thi là Hỗ trợ nấu ăn (iCook), Học toán, kể chuyện cùng bé (Mom & Kids), Dẫn đường (Street Router), Trợ lý chăm sóc bé (Mimi) đều đã hoàn thiện và được đưa lên kho ứng dụng Google Play, cho tải về miễn phí.
Tối 18.12, cả 4 đội đã tham dự trận đấu cuối cùng tại Nhà thi đấu Đại học Bách Khoa, TP.HCM để tìm ra nhà vô địch S.M.A.C Challenge 2015. Rất nhiều sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM đã tới tham dự sự kiện này.
Tại trận chung kết, các đội thi đã trải qua 2 vòng thi: Ứng dụng và S.M.A.C Game. Tại vòng thi Ứng dụng (50% số điểm), các đội thi đã giới thiệu ý tưởng của mình qua video clip và trình diễn trực tiếp các tính năng. Trong vòng thi S.M.A.C Game (chiếm 30% số điểm), robot của các đội thi thực hiện thao tác mua hàng tại siêu thị sau khi nhận yêu cầu bằng giọng nói của tổ trọng tài. 20% số điểm còn lại tính trực tiếp lượt tải ứng dụng từ những người dùng thực tế của từng đội.
Phần thi dùng giọng nói để lên thực đơn, rồi điều khiển robot đi chợ.
Kết quả, đội Infinity gồm các thành viên đến từ thủ đô Hà Nội đã xuất sắc giành giải nhất trị giá 100 triệu đồng cùng nhiều hiện vật công nghệ (laptop, smartphone,...). Infinity chiến thắng nhờ ứng dụng dạy nấu ăn bằng giọng nói, và đây cũng là ứng dụng từng được giới thiệu.
Giáo sư Xoay với vai trò làm giám khảo, chia sẻ: “Vợ tôi luôn hỏi hôm nay ăn gì. Và ứng dụng của các bạn rất phù hợp. Tôi sẽ cài nó cho vợ tôi".
Đội Infinity ăn mừng chiến thắng.
Theo đánh giá của đại diện ban tổ chức, các bài thi S.M.A.C Challenge 2015 đã đến gần hơn với thực tế. Các ứng dụng đều tập trung giải quyết một số nhu cầu của xã hội như tìm đường đi, chăm sóc, tư vấn sức khỏe trong gia đình… Đặc biệt, công nghệ tương tác với giọng nói đã được các bạn thí sinh phát huy rất tốt trong các bài thi của mình.
Là một trong số các thành viên lọt vào vòng chung kết S.M.A.C Challenge 2015, Lê Công Hậu, trường Đại học Công nghệ - ĐHQG HN cho biết, cuộc thi đã mang lại rất nhiều điều bổ ích cho sinh viên. Hậu chia sẻ: “Tại cuộc thi S.M.A.C Challenge 2015, chúng em đã được tham gia những buổi đào tạo rất bổ ích, được trải nghiệm công nghệ S.M.A.C. Điều đó giúp chúng em hiện thực hóa ý tưởng công nghệ của mình dễ dàng hơn”.
Bạn Đào Hoàng Tiến (nhóm trưởng nhóm Infinity) đến từ Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, S.M.A.C Challenge không chỉ giúp sinh viên nâng cao trình độ công nghệ mà còn bổ túc các kỹ năng làm việc nhóm. “Đây là thứ mà những sinh viên như chúng em luôn rất thiếu. Em tin rằng, những kiến thức và trải nghiệm có được từ S.M.A.C Challenge sẽ giúp cho cơ hội được vào làm ở những công ty công nghệ hàng đầu của chúng em được mở rộng hơn”, Tiến chia sẻ.
Chia sẻ với PV ngay sau khi giành được giải thưởng cao nhất, Tiến nói: "Nhận diện giọng nói sẽ là tương lai của công nghệ, giúp phục vụ con người một cách hiệu quả nhất. Chẳng hạn ý tưởng iCook của nhóm mình là xuất phát từ nhu cầu thực tế trong việc bếp núc của mẹ và chị. Nếu ứng dụng nhận được sự đầu tư từ các nhà tài trợ thì nhóm mình chắc chắn sẽ cải tiến nó tốt hơn nữa".
Với chủ đề “Số hóa giọng nói”, S.M.A.C Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói, do FPT tổ chức. Tổng giá trị giải thưởng là 250 triệu VND ( bao gồm tiền mặt và hiện vật). Ngoài ra, cuộc thi còn mang đến cho các bạn thí sinh nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới - S.M.A.C.
Cơ cấu giải thưởng của S.M.A.C Challenge 2015 gồm: 01 Giải Nhất tổng trị giá 100.000.000VND; 01 Giải Nhì trị giá 20.000.000VND; 02 Giải Ba mỗi giải trị giá 15.000.000VND. Ngoài ra, hàng trăm giải thưởng có giá trị khác như điện thoại di động, gói truyền hình internet… cũng đã được trao trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet