Khi mới ra trường, tôi về công tác ở một bệnh viện ngoại thành và gặp ngay cú va đập đầu tiên với báo chí. Thời đó chưa có Bảo hiểm y tế, một số công ty trích quỹ để đảm bảo việc khám chữa bệnh cho nhân viên như một dạng bảo hiểm nội bộ. Có một công ty mâu thuẫn nội bộ, kiện cáo nhau và lôi cả báo chí vào cuộc. Một trong những vấn đề họ đưa ra đánh nhau là quỹ khám chữa bệnh và thế là bệnh viện tôi bị liên đới bêu lên mặt báo.
Dù chỉ liên đới thôi mà cả cơ quan lo lắng. Giám đốc phờ phạc còn nhân viên rỉ tai nhau hãy thận trọng, cảnh giác với phóng viên. Có một bệnh nhân bị mấy bác sĩ e ngại đùn đẩy nhau. Và đương nhiên, tôi là bác sĩ trẻ nhất nên phải nhận về buồng mình. Hóa ra điều mọi người e ngại vì bệnh nhân ấy là nhà báo H.S khá nổi tiếng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về bệnh nhân đó là một ông già hiền lành, đức độ và hiểu biết. Điều đó giúp tôi yên tâm nhận điều trị. Trong suốt quá trình điều trị, khi rảnh hai bác cháu thường ngồi đàm đạo đủ mọi chuyện và khi bệnh nhân ra viện, mãi sau này chúng tôi vẫn là những người thân thiết.
Duyên nợ thứ hai đối với nhà báo đến qua một dịp khám bệnh từ thiện. Nhờ sự kết nối của nhà báo H.S, tôi làm quen với một nhà báo L.Q.A. Là dân quê ra Hà Nội, đang khó khăn về chỗ ở, tôi được anh cho mượn căn nhà cấp 4 bỏ không ở bãi đê sông Hồng. Và trong căn nhà nằm giữa bãi sông đầy tiếng ếch nhái kêu ấy, tôi đã tập viết những bài báo đầu tiên. Tuy sau này dù khá thân thiết và quý mến một vài nhà báo, tôi thường đùa với họ y giới và báo giới khác nhau như sừng với đuôi.
Trước tiên xét về tư duy. Thầy thuốc luôn có tư duy số lớn. Thực tế chẳng có phương pháp chẩn đoán nào chính xác tuyệt đối, không có biện pháp chữa trị nào đảm bảo thành công 100%. Người thầy thuốc chỉ có thể lựa chọn những biện pháp chẩn đoán, chữa trị có xác xuất đúng, tỷ lệ thành công cao hơn cả. Nghĩa là, việc có một tỷ lệ chẩn đoán không chính xác, chữa trị không thành công là điều không thể tránh khỏi. Các thầy thuốc buộc phải chấp nhận nó như một thực tại khách quan.
Thầy thuốc luôn có tư duy số lớn. Thực tế chẳng có phương pháp chẩn đoán nào chính xác tuyệt đối, không có biện pháp chữa trị nào đảm bảo thành công 100% (ảnh minh họa)
Nhưng với nhiều nhà báo, có vẻ việc một bệnh nhân bị chẩn đoán không chính xác, điều trị không thành công là điều khó chấp nhận. Các nhà báo thường có tư duy quy nạp. Họ quan tâm đến từng số phận, từng nhân vật cụ thể và từ đó khái quát nên thành bức tranh xã hội. Những câu chuyện lạ, những số phận độc đáo, hiện tượng hiếm gặp luôn cuốn hút độc giả hơn là những câu chuyện phổ biến thường ngày. Một câu nói nổi danh về nghề báo là “Bạn sẽ chẳng bao giờ đọc được tin về một chiếc máy bay không rơi”. Người bạn nhà báo H.S thường đùa với tôi: Đừng hy vọng có tin “Bác sĩ đã chữa khỏi mấy ngàn bệnh nhân thông thường” mà sẽ rất dễ gặp tin “Một bệnh nhân tử vong bất thường ...” và điều này cũng thường không hợp với lối tư duy xác xuất của giới thầy thuốc.
Tâm thế khi bước vào nghề của đôi bên cũng rất khác nhau. Với ngành y quá trình đào tạo kéo dài. Thầy thuốc trẻ thường xuyên phải đối mặt với các tình huống bất lực và cả sự áp chế của các đàn anh khiến các bác sĩ trẻ ít khi ảo tưởng về bản thân mình. Trong khi đó, các nhà báo càng trẻ càng hăng say, xông xáo với nhiệt tình “thay đổi thế giới” nên đôi khi đưa tin theo định kiến cá nhân, phán xét quá đà hoặc thậm chí thêm thắt quá sự thật.
Nhà báo Vũ Bằng từng tự mô tả mình lúc mới vào nghề rằng “Thú thực có lắm lúc tôi cũng tưởng là tôi oai, mà nghề tôi là nghề ghê gớm thực”. Thế nên không ít thầy thuốc đã là nạn nhân của cách viết này. Một người bạn của tôi dùng một thuốc kháng sinh chữa viêm phổi cho một bệnh nhân. Đây là loại thuốc kháng sinh phổ rộng diệt được nhiều loại vi khuẩn, trong đó có cả vi khuẩn đường hô hấp và lậu cầu. Nhưng sau khi bị lên báo với tít bài “BS T dùng kháng sinh chữa lậu điều trị bệnh nhân viêm phổi” thì anh đã suy sụp mấy tháng trời, stress tới mức chảy máu dạ dày.
Sau này, tiếp xúc thêm với nhiều phóng viên hiểu biết, đàng hoàng, chứng kiến những phóng viên lăn lộn với nghề. Trải qua bao vụ dịch, kể cả trong những vụ dịch lây lan nguy hiểm vẫn có nhiều phóng viên y tế đã dũng cảm sát cánh với các thầy thuốc nên những dè dặt, ác cảm với nhà báo trong tôi đã được xóa đi.
Dù đó đây còn dị biệt và đôi khi xảy ra những va chạm do y giới và báo giới chưa thể hiểu được nhau, nhưng đối với tôi các bạn phóng viên vẫn luôn là những người bạn đáng mến. (Ảnh minh họa)
Hóa ra, nghề báo và nghề y cũng có rất nhiều điểm chung. Người ngành y thoạt nhìn có vẻ nhàn nhã, làm việc trong phòng mưa không đến mặt, nắng không đến đầu nhưng mỗi khi cấp cứu, mỗi ca mổ phức tạp thì còn vất vả hơn đi cày ngoài đồng. Người nghề báo có vẻ tự do, tự chủ thời gian công việc nhưng lúc chạy đua tin bài thì cũng vội vã chả kém nông dân giữa vụ. Một thầy tướng số đã chia sẻ với tôi rằng lá số tử vi thầy thuốc và nhà báo đôi khi khá giống nhau bởi cùng có những nhóm sao chủ về văn chương và tìm tòi khám phá. Một điều dễ gần gũi nữa là sự đồng cảm trước thân phận con người, trước cuộc đời. Thầy thuốc mong chữa bệnh cho người, nhà báo mong chữa bệnh cho đời như nhà báo Phan Văn Hùm từng mong ước: Người cầm bút phải là một “ông thầy thuốc”.
Dù đó đây còn dị biệt và đôi khi xảy ra những va chạm do y giới và báo giới chưa thể hiểu được nhau, nhưng đối với tôi các bạn phóng viên vẫn luôn là những người bạn đáng mến. Ngoài khám chữa bệnh, bác sĩ có cả nhiệm vụ truyền thông sức khỏe. 10 lời thề Hypocrat thiêng liêng của ngành y có hẳn 1 điều “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi”, và các bạn phóng viên đã giúp chúng tôi rất nhiều trong nhiệm vụ này.
Ngành nghề nào cũng có những “con sâu” và mỗi khi có những sóng gió của ngành, thì những người bạn này đã luôn động viên, thậm chí và đấu tranh với những đồng nghiệp viết chưa đúng để bảo vệ chúng tôi. Mỗi khi có những bệnh nhân nghèo khó khăn, các nhà báo lại sát cánh cùng chúng tôi tìm nguồn tài trợ, huy động đóng góp từ thiện để chúng tôi giúp bệnh nhân trở lại với đời. Và hơn thế nữa, các bạn đã san sẻ sự quảng giao vui tươi, lãng mạn và năng động của nghề báo – thứ mà ngành y già nua của chúng tôi luôn thiếu.
Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet