Việt Nam hiện có 600.000 ôtô các loại. |
Toyota có mặt tại Việt Nam từ 1995. Ba loại xe vừa được hãng giảm giá là Corolla, Zace, và Hiace. Theo đại diện của Toyota Việt Nam, việc làm này chỉ đơn thuần nhằm tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường và sẽ không ảnh hưởng gì đến lợi nhuận của công ty.
Không bỏ qua động thái của đối thủ, nhân kỷ niệm 5 năm nhà máy đi vào hoạt động, Ford Việt Nam cũng công bố một mức giá bán lẻ mới khá hấp dẫn. Theo đó, Ford Laser 1.6 XL và Ford Laser 1.8 Ghia cũng được giảm 2.000 USD, chỉ còn 21.580 và 25.400 USD/chiếc. "Số lượng xe bán ra tính đến tháng 9 năm nay đã tăng 140% so với cùng kỳ năm trước. Ford tiếp tục là một trong những thương hiệu phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Nhờ vào nhịp độ tăng trưởng nhanh này, Ford Việt Nam đã có được lợi thế kinh tế về quy mô sản xuất", ông Jason Liu, Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam, khẳng định như vậy khi đưa ra một trong những lý do giảm giá xe.
Nhìn vào doanh số bán có thể thấy rõ cơ sở cho sự lạc quan của hai vị lãnh đạo của Toyota và Ford. Chín tháng đầu năm nay, Toyota đã bán ra 4.678 xe, tăng 602 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái, và tiếp tục đứng đầu về thị phần trong 11 liên doanh (25,8%). Đứng ở vị trí thứ hai, với doanh số bán 2.448 xe, nhưng Ford lại có mức tăng trưởng ngoạn mục hơn rất nhiều (tăng tới 1.447 xe, chiếm 13,5% thị phần). Tiếp sau là Vidamco (2674 xe), Mercedes (1861), Total VMC (1704), Vinastar (1586), Visuco (1433)...
Một số chuyên gia của Bộ Công nghiệp nhận định, việc hạ giá của các liên doanh sản xuất ôtô trong nước quá chậm so với yêu cầu tất yếu trong xu thế hội nhập. Để bảo hộ cho ngành công nghiệp non trẻ này, gần 10 năm qua, Chính phủ đã áp dụng mức thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao. Nhưng rút cục, hầu hết các liên doanh sản xuất ôtô đã không thực hiện được những cam kết khi xin giấy phép hoạt động như: sau 5 năm đạt 5% tỷ lệ nội địa hóa, sau 10 năm đạt 10%.
Chưa hết, không ít doanh nghiệp coi mức thuế đó như một "cơ sở" để xác định giá bán xe trên thị trường Việt Nam. Vì lẽ đó, với thu nhập bình quân trên đầu người chỉ 400 USD/năm, giá ôtô của Việt Nam vào loại đắt nhất so với các nước trong khu vực. Khoảng cách chênh lệch quá lớn đó sẽ phải được hạ thấp khi Việt Nam thực hiện CEPT/AFTA. Vì vậy theo Bộ Công nghiệp, trong thời gian sắp tới, không chỉ có Toyota và Ford, mà hầu hết các liên doanh còn lại cũng sẽ vào cuộc giảm giá để tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, nhận định trên không đúng với tình hình thực tế. Khá nhiều liên doanh sản xuất ôtô khi được hỏi đều tỏ ra thờ ơ với chiến cuộc. Một số cho rằng, tất cả những loại ôtô hạ giá của Ford và Toyota không phải là những dòng xe đang bán chạy trên thị trường, nếu không muốn nói là các xe 16 chỗ ngồi đang tiêu thụ rất chậm. Vì vậy, xét về mặt cạnh tranh, họ không có gì phải lo ngại. Một số cho rằng, chính sách giảm giá chưa được tính tới vì họ vẫn đang trong tình trạng... lỗ.
Ông Vũ Tấn Công, đại diện tại Hà Nội của Mercedes (nhà sản xuất đứng đầu về dòng xe cao cấp), khẳng định: "Chắc chắn công ty sẽ không giảm giá". Trong chín tháng đầu năm nay, doanh số bán ra của công ty đã bằng cả năm ngoái dù giá cao, vì vậy vấn đề hạ giá không nằm trong chiến lược kinh doanh của công ty. Theo ông Công, sở dĩ xe hiện nay đắt là do thuế nhập khẩu quá cao. Chẳng hạn, một chiếc xe "xịn" miễn thuế bán tại Việt Nam chỉ khoảng 42.000 USD, nhưng nếu chịu thuế, giá lên đến trên 80.000 USD. Cũng theo nhận định của ông Công, thì sở dĩ xe hơi Nhật có xu hướng giảm giá vì các hãng này có nhiều cơ sở sản xuất ở các nước ASEAN. Còn xe của Đức sẽ không giảm, nếu có thì chỉ hạ chút ít nhờ chính sách thuế nhập khẩu thay đổi.
Trao đổi với VnExpress, các hãng Daewoo, Vinastar... cũng cho biết, hiện nay chưa tính tới chuyện giảm giá.
Xuân Thu - Bình Yên
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet