(Menntoday.vn) – Đối với những quý ông hay chú tâm tới chuyện ăn mặc, thời trang là một phạm trù thay đổi liên tục và có ảnh hưởng một phần không nhỏ trong cuộc sống của họ. Một số người dành đam mê thời trang của mình cho những món đồ kinh điển không bao giờ lỗi thời, một số khác lại luôn tìm kiếm những gì mới mẻ và thời thượng.
Chất liệu trang phục đóng một vai trò quan trọng trong việc chúng ta mặc gì và thường có ảnh hưởng lên xu hướng tiêu dùng lớn hơn là cách cắt may hay màu sắc của trang phục. Chúng có thể là những hình thái mới mẻ của những loại chất liệu quen thuộc, hay cũng có thể là loại chất liệu mới hoàn toàn.
Ba chất liệu: Len lông cừu, len cashmere và vải tuýt
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung đề cập tới những chất liệu truyền thống được xem như là xu hướng trong phong cách cá nhân của năm 2014 cùng với đó là những trang phục được sử dụng các chất liệu này…
1. Vải tuýt (Tweed):Loại chất liệu lâu đời này thôi đã gợi lên trong tâm trí chúng ta rất nhiều hình tượng phong phú: mùi âm ẩm của đất hòa lẫn với mùi thuốc lá cũ cùng mùi mưa tươi mới, một kết cấu bằng len bền bỉ trên những ngón tay, hay hình ảnh về những quý ông với bộ ria mép của thời đại Edwardian (triều đại của vua Edward VII của nước Anh) với những khẩu súng trường hiệu Holland & Holland ngự trên vai.
Loại vải nổi tiếng Harris Tweed
Cũng khá là thích hợp khi vải tuýt có nguồn gốc từ vùng đất sản sinh ra tất cả những thứ gì bền bỉ: Scotland. Phát triển vào thế kỷ 18 như một loại chất liệu rất thiết thực và dày dặn để chống chọi lại với khí hậu khắc nghiệt vùng cao nguyên, vải tuýt đã lan sang cả xứ Ireland, nơi mà ở đó có khu vực sản xuất vải tuýt nổi tiếng nhất, hạt Donegal, nơi sản xuất ra loại vải với những vết lốm đốm nhiều màu sắc rất đặc biệt được biết đến với tên gọi Donegal Tweed.
Những trang phục sử dụng vải tweed từ M&S và Banana Republic
Loại vải mà ban đầu được dành cho tầng lớp lao động này nhanh chóng lan tới tầng lớp quý tộc, ở đó nó được xem như một chất liệu lý tưởng cho những loại trang phục mặc ngoài trời trong những bữa tiệc săn bắn xa hoa. Với tính chất bền bỉ, ấm áp và khả năng chống thấm nước tự nhiên – nó thực sự là một loại chất liệu hoàn hảo.
Những trang phục sử dụng vải tweed từ Viyyela, Debenhams Hammond và Massimo Dutti
Sự liên tưởng tới giới thượng lưu Anh khi nhắc tới loại vải này vẫn còn phổ biến trong tâm thức của công chúng ngày nay. Đã từng có một thời hoàng kim rực rỡ từ thế kỷ 19, cho tới những năm 50, vải tuýt đã bị “thất sủng” sau một thời gian gắn liền với hình ảnh của những vị giáo sư với lối sống bảo thủ & cổ lỗ sĩ. Sau đó, nó lại tiếp tục hồi sinh cùng với trào lưu Mod của những năm 60, trước khi một lần nữa lại hứng chịu sự “khủng hoảng” của giai đoạn những năm 80 và 90.
Những trang phục sử dụng vải tweed từ De Fursac, Ovadia & Sons và He by Mango
Một lần nữa, khi chúng ta nhìn lại quá khứ để tìm kiếm cảm hứng trong thiết kế và mong muốn một thời đại tinh tế hơn trong cách ăn mặc, vải tuýt đã trở lại và làm mưa làm gió. Trong mùa này, vải tuýt xuất hiện tràn ngập mọi nơi: jacket, quần, túi xách, mũ hay thậm chí cả giầy dép, tất cả đều sử dụng chất liệu là vải tuýt, và chúng rất dễ dàng để nhận diện.
Lựa chọn vải tuýt là một cách tuyệt vời để thêm chút màu sắc cho những trang phục nam vốn thường sử dụng những gam màu buồn tẻ, đồng thời cũng là chất liệu cách nhiệt cực tốt giúp cho chúng ta có thể thích nghi được với khí hậu khắc nghiệt của mùa đông.
Những trang phục sử dụng vải tweed từ Malatan, Prmark và Todd Snyder
Loại chất liệu này có được những ưu điểm trên nhờ quá trình sản xuất ra nó: miếng vải được dệt khít nhau nhất có thể, thường được làm theo kiểu “dệt chéo” để tăng độ dày của nó.
Loại vải tuýt nổi tiếng nhất, Harris Tweed, có nguồn gốc từ hòn đảo Harris của xứ Scotland, nằm trong khu vực Outer Hebrides. Được biết rộng rãi như một trong những loại vải tuýt với chất lượng cao nhất, quá trình làm nên nó vẫn được làm bằng tay cho tới tận ngày nay.
2. Len cashmereLà một trong những loại len được yêu thích nhất trên thế giới, len cashmere được đánh giá cao bởi kết cấu siêu mềm và khả năng giữ nhiệt tuyệt vời.
Len cashmere
Được lấy từ lông của giống dê cashmere, một giống dê bản địa của vùng Trung Á, loại len này bắt đầu trở nên nổi tiếng ở phương Tây vào cuối thế kỷ 18, khi những chiếc Khăn choàng bằng len cashmere đầu tiên từ Kashmir, Ấn Độ được nhập khẩu vào đây (từ “Cashmere” là cách gọi của người Anh).
Những trang phục sử dụng vải cashmere từ J Lindeberg, Mr Porter và H&M
Len cashmere đã được sử dụng nhiều hơn trong các trang phục hàng ngày như áo len chui đầu hay áo cardigan với sự giản tiện hóa từ phong cách trang phục dạ tiệc, bắt đầu vào những năm 20.
Len cashmere là một mặt hàng đắt tiền, lý do một phần là bởi quá trình chọn lọc và chế biến ra thành phẩm cuối cùng hết sức công phu, và do đó nó được coi như một mặt hàng xa xỉ trên thị trường.
Những trang phục từ len cashmere Reiss, Gant by Micheal Bastian và HE by Mango
Bộ lông tự nhiên của giống dê cashmere được cấu tạo từ những lớp lông mềm mượt bên trong lẫn những lớp lông thô được gọi là “lớp lông bảo vệ”. Để cho ra đời loại len cashmere siêu mềm mà tất cả chúng ta đều đã biết, người ra sẽ phải tinh lọc và chế biến những phần lông có chất lượng tốt nhất.
Quá trình này được thực hiện như sau: người ta sẽ dùng tay để chải hết phần lông của con dê trong mùa thay lông của chúng, việc này có thể tốn tới 2 tuần được thu được những sợi lông cashmere tốt nhất. Một con dê chỉ có thể cho sản lượng là 150gr sợi len mỗi năm, khối lượng này chỉ đủ để tạo ra một chiếc khăn len mà thôi.
Những trang phục len cashmere từ Reiss, Club Monaco và Ami
Mặc dù quy trình sản xuất tiêu tốt nhiều thời gian cũng như chi phí tốn kém, len cashmere vẫn ngày càng trở nên phổ biến trên mọi thị trường tiêu dùng, và nhu cầu dành cho mặt hàng này trong mùa này đang càng trở nên lớn hơn bao giờ hết.
Từ những nhà thiết kế danh tiếng của Paris và Milan cho tới những tên tuổi lớn trong dòng thời trang cao cấp, chất liệu len cashmere đã xuất hiện trong hầu hết mọi BST mùa đông 2013/14 của họ và được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm len sợi, áo choàng và các loại phụ kiện.
Một số thiết kế sử dụng chất liệu len cashmere
Sự sản xuất quy mô lớn đã giúp giá cả hạ xuống đôi chút, với những thương hiệu như Uniqlo cho ra mắt những sản phẩm từ len cashmere với những mức giá rất phải chăng với túi tiền, làm xua tan đi suy nghĩ bấy lâu nay rằng len cashmere chỉ dành riêng cho những người nhiều tiền. Dĩ nhiên, những nhà thiết kế cao cấp vẫn tiếp tục cho ra đời những sản phẩm thượng hạng với mức giá “khóc thét” được làm từ “len cashmere nguyên chất” – để cho ra đời thành phẩm này, người ta còn phải tốn thêm một vài công đoạn để loại bỏ những tạp chất và lông thô.
3. Len lông cừu (Merino Wool)Đứng thứ 2 chỉ sau len cashmere, len lông cừu merino cũng được đánh giá rất cao bởi kết cấu tuyệt đẹp của nó. Là loại mềm mại nhất trong các loại len lông cừu, chất liệu này còn có thêm ưu điểm là không gây kích ứng da khi mặc. Tên của loại len này có nguồn gốc từ loài cừu Merino, được gây giống lần đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ và miền Trung Tây Ban Nha nhằm để lấy bộ lông tuyệt hảo của chúng.
Len lông cừu Merino
Len Merino đã từng là loại mặt hàng rất quý trong thế kỷ 17 tới nỗi bất kỳ ai có ý định xuất khẩu loại len này ra khỏi Tây Ban Nha đều bị xử án tử hình – người Tây Ban Nha đã muốn sở hữu độc quyền loại len rất được ưa chuộng này, điều này khiến cho nó trở thành một trong những loại chất liệu quý giá nhất trong ngành công nghiệp thời trang.
Giờ đây, tuy len lông cừu merino không còn là mặt hàng quốc cấm như xưa nữa nhưng nó vẫn được xem như một loại chất liệu xa xỉ và thượng hạng.
Những thiết kế sử dụng chất liệu len lông cừu từ AllSaint và Zara Man
Australia và New Zealand là 2 quốc gia hàng đầu trên thế giới trong ngành sản xuất len lông cừu Merino ngày nay, với việc nhân giống được những người khai hoang đến từ Anh quốc lần đầu tiên thực hiện vào cuối thế kỷ 18. Thế kỷ 19 chứng kiến sự bùng nổ đầu tiên của ngành sản xuất len lông cừu Merino ở Australia – những không gian mở và rộng rãi vẫn còn bỏ hoang của một châu lục chưa có tên trên bản đồ ở thời điểm đó là đồng cỏ chăn nuôi gia súc lý tưởng cho một giống nòi khỏe mạnh.
Những thiết kế sử dụng chất liệu len lông cừu từ Massimo Dutti và AVVA
Ngày nay, len lông cừu Merino được sử dụng rộng rãi trong các trang phục thể thao và trang phục biểu diễn bởi khả năng giữ ấm mà không làm cho người mặc cảm thấy bức bí. Len lông cừu cũng có khả năng chống thấm và kháng khuẩn nhờ có lớp mỡ trông các sợi lông, cùng với khả năng thấm hút tự nhiên hơi ẩm từ da thịt và thấm hút mồ hôi.
Những thiết kế sử dụng chất liệu len lông cừu từ HE by Mango, Reiss và Sisley
Len lông cừu Merino xuất hiện một cách nổi bật trong các BST gần đây trong rất nhiều loại trang phục, từ áo len chui đầu, áo cardigan, áo polo và đồ dệt kim, những loại này có thể mặc sát vào da mà không gây ngứa hay kích ứng cho người mặc.
Những thiết kế sử dụng chất liệu len lông cừu từ Mac, M&S và Calibre
Chuyên gia người Anh về đồ len sợi, John Smedley đã cho ra mắt một số trang phục sử dụng loại len merino nguyên chất hảo hạng nhất với cách cắt may tỉ mỉ với phong cách cổ điển không bao giờ lỗi thời. Những thương hiệu khác cũng sử dụng chất liệu này bao gồm UNIQLO, AllSaints, chuỗi thương hiệu tốt nhất nước Anh Marks & Spencer, Burberry và Reiss.
Tạm kết:
Chất liệu rõ ràng đóng một vai trò rất quan trọng trog quá trình sáng tạo của thiết kế thời trang. Một số nhà thiết kế đã sáng tạo tất cả các BST của họ dựa vào xung quanh nhân tố này, và bắt đầu phát triển những ý tưởng bằng cách đầu tiên thử nghiệm các chất liệu để gây cảm hứng để tạo nên một ý tưởng, hoặc một khái niệm hoàn toàn mới.
Trong bài viết này, chúng ta đã biết tới một số loại chất liệu truyền thống đã luôn được sử dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp thời trang hàng trăm năm nay. Ở phần 2 tiếp theo của chủ đề này, chúng ta sẽ điểm qua những loại chất liệu ít được biết đến hơn của tương lai, cùng với một vài chỉ dẫn mới mẻ trong việc sử dụng những chất liệu lâu năm.
Trong khi chờ đón phần 2 của bài viết này, hãy chia sẻ quan điểm của bạn về tính hữu ích của bài viết này cùng chúng tôi, tại đây.
Các bạn có thể xem tiếp phần 2 của bài viết này: tại đây.
V.K – mentoday.net
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet