Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) gồm Honda, Yamaha, Piaggio, SYM và Suzuki bán mỗi năm khoảng 2,7 triệu xe, chiếm đến 99% thị phần xe máy. Tốc độ bán hàng có thể chậm lại trong vài năm qua nhưng nhu cầu sử dụng xe máy của người Việt thì chưa giảm.
"Nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe máy tại TPHCM" của nhóm tác giả các Tiến sĩ thuộc đại học Bách khoa TP HCM chỉ ra rằng, TP HCM hiện có khoảng 6,8 triệu xe máy đăng ký, trong khi đó lượng lưu hành thực tế ít hơn, năm 2015 có khoảng 4,9 triệu xe. Số chêch lệch do những xe đăng ký ở đây nhưng sử dụng ở nơi khác hoặc những xe đã cũ không còn lăn bánh.
Tắc đường tại TP HCM. |
Về nhu cầu sử dụng xe máy, mỗi hộ gia đình ở TP HCM hiện sở hữu 2,33 xe máy. Số thành viên trung bình là 4,12 người, trong đó 2,29 người có việc làm. Nếu tính theo cơ cấu lao động người từ 19-60 tuổi chiếm 59,4% dân số, thì mỗi gia đình phải có 2,46 người lao động. Nếu tất cả những người này đều có việc làm, thì nhu cầu xe máy sẽ là 2,46 xe mỗi gia đình.
Mức thực tế 2,33 xe máy/gia đình hiện nay vẫn nhỏ hơn con số tính toán 2,46 xe máy/gia đình khi mọi người đều có việc làm. Do đó, trong tương lai khi xã hội và kinh tế phát triển, người dân sẽ có nhu cầu mua thêm xe máy để di chuyển. Tức là xe máy ở Việt Nam vẫn chưa tới thời điểm bão hòa.
Xe máy trở thành phương tiện di chuyển chính tại Việt Nam vì sự tiện lợi và tính kinh tế trong quá trình sử dụng, bên cạnh đó giá ôtô quá cao, hệ thống phương tiện giao thông công cộng chưa đủ hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu người dân cũng khiến xe máy càng quan trọng.
Văn hóa xe máy dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho xã hội. Nghiên cứu cho biết có tới 94% người sử dụng xe máy sẽ tiếp tục mua xe mới, bên cạnh đó người sử dụng ôtô vẫn tiếp tục dùng xe máy đi lại hàng ngày. Cụ thể, số người sử dụng cả xe máy và ôtô gấp đôi số người chỉ sử dụng ôtô.
Sự phát triển ồ ạt và chồng chéo của các phương tiện khiến giao thông ngày càng phức tạp, tắc đường và tai nạn tăng cao khó kiểm soát. Ở Việt Nam, một ngày có 24 người chết và 60 người bị thương vì TNGT, thiệt hại khoảng 2,5% GDP mỗi năm. Đặc biệt, tình hình tai nạn giao thông ở trẻ em tăng cao, theo số liệu trong "Nghiên cứu về TNGT liên quan đến trẻ em".
Theo đó, TNGT chủ yếu xảy ra với học sinh cấp 3 (chiếm 70%), bởi hầu hết thiếu niên trong độ tuổi này tự điều khiển phương tiện, chưa nắm rõ luật lệ an toàn giao thông. Nguyên nhân trực tiếp thường đến từ việc đi sai làn, chuyển hướng bất ngờ, vượt quá tốc độ hay tránh vượt sai quy định và không đội mũ bảo hiểm.
Trong khi tai nạn gia tăng, trẻ em phạm nhiều lỗi điều khiển phương tiện thì phụ huynh lại chưa thực sự nhận biết rõ và có phần coi nhẹ những mối nguy hiểm. Do đó để khắc phục tình trạng này, nhóm tác giả nghiên cứu đề xuất giải pháp giáo dục quan trọng hàng đầu.
Những biện pháp này được vamm tiến hành trong 2015, tổ chức hơn 446.400 chương trình đào tạo lái xe an toàn, đào tạo hơn 1.100 CSGT, tặng 65.000 mũ bảo hiểm cho khách hàng. Bên cạnh đó hãng đưa luật an toàn giao thông và những hiểu biết về xe máy vào trường học, cho đối tượng học sinh từ mầm non trở lên.
Một hoạt động hướng dẫn lái xe an toàn trong 2015. |
Tăng cường nhận thức an toàn giao thông cho học sinh cấp 2, 3 bằng chỉ dẫn của phụ huynh, giáo viên và bạn bè. Với những trẻ em nhỏ hơn như cấp một và mầm non, cần thay đổi ngay hành vi và thái độ của phụ huynh khi tham gia giao thông, trẻ em sẽ lấy đó làm hình ảnh mẫu để bắt chước. Kết quả có hơn 1,2 triệu học sinh tiểu học và trung học, 56.000 thanh niên, sinh viên tiếp cận với kiến thức ATGT.
Đại diện VAMM cho biết các hãng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này trong 2016, đồng thời tăng số giờ và hình thức, nội dung về atgt trong trường học và tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh sử dụng xe đạp điện.
Bên cạnh đó, các mẫu xe tung ra thị trường tích hợp thêm các công nghệ an toàn ví như ABS mà Piaggio đã làm trên một số xe hay động cơ Blue Core của Yamaha, eSP của Honda, nhằm tiết kiệm nhiên liệu và mang tới khả năng kiểm soát xe tốt hơn cho người lái.
Minh Hy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet