Đâu là sự thật?
Cuộc điều tra tử vong mẹ, tử vong sơ sinh Việt Nam giai đoạn 2006-2007 đã được tiến hành vào tháng 4-5/2009, được công bố vào 25/7/2011 bởi Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế).
Cuộc điều tra này được tiến hành với phụ nữ từ 15-55 tuổi tại tất cả các xã của 30 quận/huyện thuộc 10 tỉnh/thành với tỉ lệ số huyện nông thôn miền núi/nông thôn đồng bằng/thành thị là 16/10/4. Cơ quan này cho biết đây là cỡ mẫu đại diện cho toàn quốc.
Sản phụ tử vong trong thời gian qua phần nhiều được lý giải là do tắc mạch ối – một tai biến sản khoa rất hiếm gặp (Ảnh minh họa: N.A)
Kết quả nghiên cứu cho thấy: 71,5% các tử vong mẹ là do các nguyên nhân trực tiếp và 16,3% là do các nguyên nhân gián tiếp.
Các nguyên nhân tử vong trực tiếp chủ yếu là băng huyết (34,7%), sản giật (18,4%) và nhiễm khuẩn (14,3%), 12% các trường hợp tử vong mẹ không xác định được nguyên nhân.
Điểm đáng chú ý trong nghiên cứu này là chỉ có khoảng 4,1% các trường hợp tử vong mẹ là do tắc ối – tỉ lệ thấp nhất trong số các nguyên nhân gây tử vong mẹ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua (tính từ giữa tháng 4 đến nay), trong số hơn 10 ca tử vong mẹ thì có đến gần 1/2 được xác định là do tắc mạch ối, tắc mạch phổi.
Trả lời về điểm “bất thường” này, Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết tỉ lệ tắc mạch ối trong số tai biến thời gian qua có cao bất bình thường hay không thì phải xem xét trong một khoảng thời gian xác định, trên một cỡ mẫu đủ rộng mới có thể tính được.
Tử vong: Tuyến tỉnh nhiều nhất
Nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách Y tế cũng chỉ ra rằng tai biến sản khoa gây tử vong đại đa số đều xảy ra tại các bệnh viện, trong đó bệnh viện tỉnh là nơi có nhiều tai biến gây tử vong nhất (với tỷ lệ 62,5%), tiếp đến là bệnh viện tuyến huyện (16%) và tại bệnh viện trung ương là 6,5%.
Ngoài vấn đề hạn chế về nhân lực (cả về số lượng lẫn trình độ chuyên môn) thì theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) việc thiếu trang thiết bị hiện đang là bài toán đau đầu cho tuyến dưới và là một trong những nguyên nhân khiến tai biến có nguy cơ xảy ra nhiều hơn.
Theo thông tin từ Cục quản lý khám chữa bệnh, trang thiết bị y tế (trong danh mục Bộ Y tế ban hành) tại các bệnh viện huyện mới đạt từ 30 - 50%, đặc biệt có huyện chỉ đạt 20%, còn thiếu nhiều thiết bị cần thiết phục vụ công tác chẩn đoán, cấp cứu và điều trị như X-quang, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa, huyết học, máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, dụng cụ mổ, đèn mổ...
Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn y tế chưa đủ để khai thác hết công suất trang thiết bị hiện có. Năng lực của cán bộ kỹ thuật trang thiết bị y tế chưa đáp ứng kịp những đổi mới về kỹ thuật và công nghệ. Chất lượng đào tạo, bố trí sử dụng nhân lực chuyên sâu về kỹ thuật thiết.
Theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ cuối năm 2007 về nhân lực TTBYT tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bệnh viện huyện, tỷ lệ cán bộ kỹ thuật đảm nhiệm, phụ trách công tác TTBYT rất thấp: chỉ có 6% là kỹ sư; 35% là kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật; còn lại 59% là các cán bộ khác kiêm nhiệm!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet