Nội dung
Có bệnh nhân suốt 2 năm ròng vật vã đi “tìm” bệnh vì luôn thấy “khó ở” trong người. Tuy nhiên, nguồn cơn bất ngờ lại từ chính căn bệnh rối loạn lo âu...

Vật vã tìm bệnh vì khó ở là bệnh gì

Do stress, không ít trường hợp bị ám ảnh bởi bệnh tật (Ảnh minh họa)

Ăn vào lại ói ra vì ám ảnh

Nhập viện trong tình trạng chán ăn, cơ thể suy nhược nặng và cứ ăn vào là nôn ói ra hết, bệnh nhân N.V.T. (Lâm Đồng) một mực khẳng định với bác sĩ mình bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, nhiều lần khám trước đó ở các bệnh viện khác nhau đều không tìm ra bệnh. Tại BV Trưng Vương (TP HCM), các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân T. làm các xét nghiệm, nội soi loại trừ bệnh dạ dày. Và kết quả cho thấy, không phát hiện vi khuẩn HP, đây vốn là là nguyên nhân chủ yếu gây đau dạ dày và tình trạng dạ dày của bệnh nhân hoàn toàn bình thường.

Qua khai thác bệnh sử của bệnh nhân, bác sĩ điều trị đã ghi nhận thông tin, cách đây không lâu, ông T. có một người trợ lý trẻ tuổi gắn bó nhiều năm chết vì bệnh ung thư dạ dày sau những trận nôn ra máu. Từ ngày người trợ lý trẻ đó mất, ông T. trở nên chán ăn, ăn vào ói ra. Ông T. luôn cho rằng mình mắc bệnh nên đi khắp các bệnh viện trong và ngoài nước để chữa trị. Theo BS. Trần Minh Thiệu, Khoa Nội soi, BV Trưng Vương, bệnh nhân này sau đó được giới thiệu sang bác sĩ tâm thần và kết quả cải thiện tốt sau 6 tháng điều trị.

Theo BS Thiệu, trường hợp ám ảnh bệnh tật như ông T. không phải cá biệt. Mới đây, BV Trưng Vương đã tiếp nhận một người bệnh gần 60 tuổi đến BV chụp xương sườn do cảm thấy đau ngực. Kết quả cho thấy ông này có phần xương sườn hơi nhô lên và đây là nguyên nhân gây đau. Phần xương sườn nhô lên này là vết tích do trước đó ông bị tai nạn. Ngoài ra, kết quả chụp tim, mạch vành đều bình thường. Tuy nhiên, ông khẳng định mình bị đau tim. Qua thăm hỏi, BS. cũng được biết ông này vừa có bạn ra đi vì đau tim. Phải mất 4 tháng, BS. Thiệu mới khuyên được ông qua một phòng khám có bác sĩ tâm thần kinh tư vấn kết hợp trị liệu.

Không chỉ người lớn mới bị ám ảnh bệnh tật mà trẻ em cũng mắc phải. Đó là trường hợp một bé gái 8 tuổi, sống ở Bình Phước được cha mẹ đưa đi khám nhiều nơi do không tìm ra nguyên nhân đau chân. Tại BV Trưng Vương, bé cũng được làm xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh loại trừ cho thấy sức khỏe bình thường. “Đối với những bệnh nhân này, bác sĩ phải mất rất nhiều thời gian để hỏi cặn kẽ các triệu chứng bệnh và làm các xét nghiệm loại trừ. Thông thường, người bệnh rất am hiểu và tìm hiểu kỹ các bệnh mình nghĩ là mắc phải nên đòi hỏi bác sĩ phải tư vấn kỹ sao cho thuyết phục họ. Bác sĩ chưa có kinh nghiệm sẽ dễ bỏ qua và cho rằng họ không có bệnh càng làm họ thêm lo lắng. Nếu điều trị triệu chứng không cải thiện phải khéo léo giới thiệu bệnh nhân đi điều trị chuyên khoa tâm thần kinh càng sớm càng tốt. Nếu kéo dài thời gian điều trị, họ sẽ càng mất thời gian tiền bạc đi tìm bác sĩ và diễn biến tâm lý ngày càng nặng nề”, BS. Thiệu chia sẻ.

Đau đầu tìm bệnh

BS. Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn cho biết, thường xuyên đau đầu khi tìm không ra bệnh cho những bệnh nhân rất mong muốn có bệnh hoặc khám không ra bệnh như họ nghĩ. Theo BS. Vui, trong số những đối tượng này hầu hết đều có những vấn đề trong cuộc sống hay gặp lo lắng, căng thẳng quá mức trong công việc. Khi đi khám, có thể bác sĩ giải thích chưa thỏa mãn hoặc bảo họ không có bệnh nên họ tiếp tục tìm đến nơi khác.

Theo BS CK2 Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh và trị liệu tâm lý, giám định viên pháp y tâm thần không ít bệnh nhân đi “lạc” chuyên khoa nên chỉ điều trị triệu chứng, không giải quyết được gốc bệnh. “Có người đã đi 10 bác sĩ và 2 năm trời không hết các triệu chứng nên tuyệt vọng, nghĩ mình mắc bệnh nan y, không thể chữa khỏi. Có người thì lo sợ nhiễm HIV, không dám cầm nắm tay cửa chỗ đông người, đi đường hay nhìn xuống đất sợ đạp kim tiêm. Khi xét nghiệm không có bệnh vẫn không tin và phải dăm bữa nửa tháng phải đi xét nghiệm lại”, BS. Khuyên nói.

Theo BS. Khuyên, những trường hợp trên đều bị stress dẫn đến hội chứng rối loạn lo âu lan tỏa hay các bệnh lý về tâm thần khác như rối loạn ám ảnh sợ. Hội chứng này thường đi kèm với rối loạn cảm xúc, cụ thể là hội chứng trầm cảm gây tác động lên tim, dạ dày, giấc ngủ gây nên hồi hộp, rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ... Khi điều trị không hết, người bệnh càng lo âu, nghĩ là mình mắc bệnh gì rất khó chữa, lâu dần dễ dẫn đến trầm cảm. Những trường hợp này cần phải được bác sĩ chuyên khoa tâm thần theo dõi điều trị bằng hóa dược kết hợp tư vấn, rèn luyện tâm lý, tăng cường tập thể thao, thay đổi lối sống lành mạnh. BS. Khuyên cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh, có thể do tuýp thần kinh của mỗi người, cách sống, môi trường sống xung quanh... Chẳng hạn, người có thần kinh yếu khi gặp đổ vỡ tình cảm, thất nghiệp sẽ dễ suy sụp đưa đến bệnh hơn người có thần kinh mạnh; người có lối sống được bao bọc nuông chiều từ nhỏ nên khi gặp va vấp ngoài xã hội không biết cách xử lý để vượt qua được; sống chung với người mắc bệnh nan y hoặc chứng kiến cái chết đột ngột của người thân do bệnh tật.

Vật vã tìm bệnh vì khó ở là bệnh gì
Chuyên gia tâm lý gợi ý 6 cách đơn giản giúp giảm stress

Nhà tâm lý học Emma Kenny nói rằng biết cách thư giãn cũng là cách để giảm căng thẳng.

Bấm xem >>

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Cách dùng chất béo với bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là một trong số những bệnh hay gặp của “thời hiện đại” và cuộc sống đô thị hóa.  Căn bệnh đó cũng liên quan rất mật thiết với chế độ ăn uống. Chất béo trong khẩu phần ăn đóng một vai trò đặc biệt.

Xem thêm  

Trúc Diễm khoe da trắng mịn màng

Chiều qua (10/11/2013) người đẹp Trúc Diễm đã góp mặt trong buổi tọa đàm về trò chơi giải trí trên thiết bị di động được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trúc Diễm lựa chọn mẫu trang phục...

Xem thêm  

Cách lựa chọn thực phẩm khôn ngoan

Để đảm bảo sức khoẻ, mỗi người cần phải biết chọn cho mình thức ăn phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khoẻ, điều kiện kinh tế, sở thích. Lựa chọn phù hợp Phù hợp với...

Xem thêm