Do khí huyết trong cơ thể vận động theo một quy luật nhất định nên uống thuốc đúng lúc mới phát huy hết hiệu quả. Mặt khác, sự tương tác giữa các thuốc với nhau hoặc đôi lúc giữa thuốc và thức ăn cũng có thể nâng cao hoặc làm giảm tác dụng của thuốc, gây nên những hậu quả có khi rất nghiêm trọng. Dưới đây là một số lưu ý (có tính khái quát) về thời điểm uống thuốc nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Các thuốc uống trước khi ăn
Những loại thuốc cầm tiêu chảy: Uống trước bữa ăn sẽ giúp rút ngắn thời gian thuốc đi vào ruột và duy trì nồng độ cao của thuốc.
Thuốc chống loãng xương: Phần lớn các thuốc này được bác sĩ khuyến khích uống vào buổi sáng, trước khi ăn.
Các loại thuốc được bác sĩ kê toa uống 1 lần hằng tuần: Sẽ phát huy tác dụng tối ưu khi dùng trước bữa ăn sáng.
Loại thuốc chữa chứng axít trào ngược và ợ nóng: Để các loại thuốc này phát huy tối đa hiệu quả và giúp dạ dày dễ chịu, nên uống trước khi ăn 20-30 phút.
Thuốc paracetamol, thuốc trợ tim digoxin: Nên uống trước khi ăn bởi nếu uống sau, chất xơ trong thức ăn sẽ hạn chế khả năng hấp thụ những loại thuốc này.
Uống thuốc giảm đau vào lúc 11-12 giờ là tốt nhất. Ảnh: Hoàng Triều
Các thuốc uống sau bữa ăn
Đó là các loại thuốc có tính chất gây kích ứng đường tiêu hóa như aspirin, chống viêm, giảm đau, sắt sunfat... Sau khi bị thức ăn pha loãng ra, sự kích thích của những loại thuốc này với niêm mạc dạ dày sẽ giảm bớt.
Thuốc hỗ trợ tiêu hóa như pepsin, amylase... khi được hòa trộn vào thức ăn sẽ phát huy hiệu quả điều trị lớn nhất.
Uống sau bữa ăn tối
Thuốc hạ cholesterol cần uống thời điểm này vì gan sản xuất phần lớn các cholesterol trong khi ngủ vào ban đêm. Vì vậy, nếu dùng thuốc điều chỉnh cholesterol sau khi ăn tối sẽ giúp gan điều tiết và duy trì nồng độ cholesterol phù hợp trong máu.
Các nhà khoa học cho biết nhiều loại thuốc cần phải được uống 2 lần/ngày, đặc biệt là khi tự mua tại các tiệm thuốc tây. Liều thứ nhất có thể uống thời điểm bất kỳ vào bữa sáng hoặc trưa nhưng liều thứ hai (còn được gọi là liều bổ sung) chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất khi uống sau bữa ăn tối.
Một số thuốc khác
Thuốc kháng histamine: Uống vào buổi sáng. Thực nghiệm đã chứng minh rằng cùng một lượng thuốc, nếu uống lúc 7 giờ thì kết quả điều trị sẽ kéo dài trong 15-17 giờ, nếu uống lúc 19 giờ thì hiệu quả điều trị chỉ duy trì được 6-8 giờ.
Thuốc nội tiết tố cũng nên uống 1 lần vào buổi sáng, tốt nhất là lúc 6-8 giờ. Đối với những người cần uống nội tiết tố dài ngày, dùng thuốc 1 lần lúc sáng sớm sẽ khiến tác dụng phụ (nếu có) nhẹ đi rất nhiều so với uống 2-3 lần trong ngày. Bởi lẽ, trong khoảng 6-8 giờ, tuyến thượng thận tiết ra nhiều nội tiết tố nhất trong ngày (22 giờ là thời điểm nội tiết tố giảm tiết dần).
Thuốc giảm đau: Uống lúc 11-12 giờ là tốt nhất. Đây là thời điểm cơ thể nhạy với cảm giác đau nhất trong ngày.
Các thuốc hạ áp: Nên uống vào sáng sớm vì đây là lúc huyết áp có trị số thấp nhất trong ngày. Thời điểm này chỉ nên dùng một lượng nhỏ thuốc hạ áp để tránh tình trạng tụt nhanh huyết áp. Sau bữa cơm tối (trước và sau 19 giờ), huyết áp có trị số cao nhất trong ngày. Đây là thời điểm cần uống thuốc hạ áp nhất.
Thuốc chống hen: Tốt nhất là uống trước khi đi ngủ vì từ 0 giờ đến 2 giờ là khoảng thời gian người bệnh hen dễ mẫn cảm nhất với những phản ứng của acetyl choline và histamine, dẫn tới co thắt phế quản. Việc uống thuốc chống hen trước khi đi ngủ sẽ giúp đề phòng và giảm nhẹ cơn hen xảy ra.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet