Với khát khao được sở hữu làn da trắng mịn như Ngọc Trinh, nhiều chị em đã tìm tới các phương pháp thẩm mỹ cải thiện làn da, mà đặc biệt được ưu ái hơn cả là phương pháp lăn kim.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thẩm mỹ, chị em phụ nữ thường tìm đến những phương pháp cải thiện làn da với hiệu quả nhanh chóng, thay vì trông chờ từng ngày vào việc chăm sóc da bằng các nguyên liệu tự nhiên. Và lăn kim là một trong số những phương pháp thẩm mỹ cải thiện làn da được rất nhiều chị em tin tưởng lựa chọn.
Lăn kim là phương pháp thẩm mỹ cải thiện làn da đang dần trở nên phổ biến với các chị em.
Tuy nhiên, bên cạnh những nàng vô cùng may mắn khi đạt được hiệu quả làn da đẹp như mơ, cũng có những nàng đen đủi khi chi cả đống tiền đi lăn kim, nhưng kết quả nhận lại thì… thật đáng buồn! Nói có sách mách có chứng, câu chuyện của cô gái dưới đây chính là ví dụ điển hình cho một màn lăn kim thất bại thảm hại.
Cụ thể, hình ảnh một cô gái với khuôn mặt nổi chít mụn mảng mới xuất hiện trên internet mấy ngày gần đây đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía cư dân mạng. Được biết, nạn nhân trong hình là một nữ sinh 19 tuổi đến từ Hải Phòng. Vốn bị mụn trứng cá, cô gái được mẹ đưa đến một spa nhằm lăn kim trị mụn. Tháng đầu tiên sau lăn kim, làn da cô gái đúng thật đã đẹp lên nhanh chóng. Tuy nhiên sau đó, làn da bỗng bùng phát các đợt trứng cá dữ dội, dẫn tới tình trạng trên. Có thể thấy, khuôn mặt cô gái bị phủ kín bởi những nốt mụn mủ, dày đặc nhất là hai bên má. Các nốt mụn đỏ mọc chi chít, tạo thành những mảng da sần sùi trông vô cùng đáng sợ.
Nữ sinh 19 tuổi sau khi lăn kim đã gặp phải tình trạng làn da xuất hiện mụn đỏ dày đặc, đóng thành từng mảng vô cùng đáng sợ.
Rõ ràng, đây không phải cô gái kém may mắn duy nhất từng gặp phải tình trạng làn da trở nên ngày một tồi tệ sau khi tin tưởng, đầu tư vào thực hiện phương pháp lăn kim. Trước đó, trên mạng xã hội, một bài đăng với hình ảnh cô gái gặp biến chứng sau lăn kim từng khiến dân tình không khỏi hoang mang về phương pháp làm đẹp này.
Một nạn nhân khác của phương pháp lăn kim từng chia sẻ câu chuyện làm đẹp của bản thân lên mạng xã hội.
Theo chia sẻ của cô gái, sau 3 ngày lăn kim, làn da của cô bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất thường. Được biết, da có hiện tượng sưng đỏ do tác dụng của lăn kim là chuyện bình thường. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là làn da của cô gái này còn xảy ra tình tượng bong tróc, đóng vẩy thành từng mảng, trông vô cùng mất thẩm mỹ và hơn nữa còn khá đáng sợ.
Khuôn mặt cô gái sau khi lăn kim đã xuất hiện tình trạng bong tróc, đóng vẩy thành từng mảng.
Chẳng nói cũng biết, cô gái trong trường hợp này phải tự ti thế nào với khuôn mặt chuẩn "lợn lành thành lợn què" sau khi lăn kim.
Ngoài ra, câu chuyện một cô gái từng chi ra hơn 20 triệu đi lăn kim để rồi nhận lại một khuôn mặt nhiễm trùng cũng từng trở thành chủ đề khiến dân tình cứ mãi bàn ra tán vào.
Cô gái từng bộc bạch trên mạng xã hội: “Da mình trước đây chỉ khi đến ngày (kỳ kinh nguyệt) mới có vài chiếc mụn, hết ngày là lại bình thường chỉ có lỗ chân lông ở mũi hơi to nên muốn đi lăn kim để se lại... Nào ngờ lăn xong mặt lên chi chít mụn lại còn sưng và đau vô cùng, mình sợ quá và dừng lại ngay sau 3 lần lăn. Tính đến bây giờ mình dừng lăn là 1 tháng rồi mà vết thâm vẫn còn nguyên, mụn ẩn chi chít dưới da sờ vào sần sật như vỏ mít ấy sợ quá ạ. Có những ngày mình stress nặng chỉ ôm cái gương mà khóc thôi vì trước nay mặt không có tí mụn nào.”
Một cô gái kém may mắn khác bị phương pháp lăn kim "hành" cho tơi bời.
Sau khi lăn kim, khuôn mặt cô gái xuất hiện nhiều mụn đỏ hơn, thậm chí các nốt mụn còn sưng to, gây đau đớn.
Có thể thấy, không bàn tới hiệu quả thực tế mà phương pháp lăn kim đem tới cho làn da, thế nhưng việc rất nhiều cô gái rơi vào tình huống tiền mất tật mang sau khi thực hiện phương pháp làm đẹp này đã khiến nhiều người cảm thấy nghi ngờ và e dè mỗi khi nghe tới cụm từ “lăn kim”.
Trước sự việc này, chuyên mục Làm đẹp Eva đã có một cuộc trao đổi ngắn với Bác sĩ Bàn Nguyễn Thị Hằng và Bác sĩ Nguyễn Thị Đông, chuyên về Laser thẩm mỹ, Bệnh Trung ương Quân đội 108 (TWQĐ 108) xoay quanh những vấn đề liên quan tới phương pháp lăn kim.
Trước tiên, theo các bác sĩ, lăn kim hay còn gọi phi kim vi điểm là một biện pháp trị liệu. Kim lăn điều trị chứa gần 500 kim nhỏ, kích thước từ 0,1mm- 1,5mm. Những vi vết thương siêu nhỏ này là tổn thương mới trên da. Nó có tác dụng làm các tế bào da bị tổn thương phát ra tín hiệu để hệ thần kinh bắt đầu khởi động quá trình làm lành vết thương ở các vùng được lăn kim. Các tế bào da trong phạm vi 1–2mm xung quanh khu vực châm kim sẽ phóng những tín hiệu tăng trưởng đến các tế bào đồng nhất. Những tín hiệu này quay trở lại kích thích sự tăng sinh tế bào mới, nguyên bào sợi chuyển thành sợi collagen và elastin. Nhiệm vụ của nguyên bào sợi là di chuyển đến điểm tổn thương thực thể và chữa lành vết thương. Chu trình tăng sinh này kéo dài và kết thúc trong khoảng sáu đến tám tuần. Và bạn sẽ thấy làn da có sự thay đổi rõ ràng nhất sau bốn tuần điều trị.
Đồng thời, phương pháp này kết hợp đưa các sản phẩm có khả năng tái tạo, phục hồi và trẻ hóa theo những thương tổn thấm sâu vào da giúp da tươi mới, căng mọng.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ bệnh viện TWQĐ 108, công nghệ lăn vi kim cũng có rất nhiều những nhược điểm khi thực hiện tại các cơ sở spa không uy tín, không có bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị. Trong đó, điển hình có thể kể tới như việc thực hiện không đúng kỹ thuật gây tổn thương quá mức cho da, sử dụng không đúng sản phẩm y tế cho lăn kim, sử dụng kích cỡ kim lăn không phù hợp, quy trình không đảm bảo vô khuẩn, gây nhiễm trùng chéo hoặc bùng phát nhiễm trùng cơ hội hay như việc sử dụng chung đầu kim lăn hoặc tái sử dụng gây nguy cơ lây nhiễm chéo viêm gan B, C, HIV… Nói tóm lại, các cô gái nên đặc biệt cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định lăn kim tại các cơ sở spa thiếu uy tín hay chắc chắn hơn, hãy tìm tới những địa chỉ thẩm mỹ chất lượng để đảm bảo sức khoẻ và nhan sắc của bản thân.
Với trường hợp của cô gái 19 tuổi gặp tình trạng mụn, mụn mủ bùng phát dữ dội sau lăn kim, các bác sĩ thuộc khu Laser thẩm mỹ, Bệnh viện TWQĐ 108 đã phỏng đoán với một số nguyên nhân dưới đây:
Thứ nhất: do tình trạng mụn đang ở đợt cấp, có nhiều mụn mủ và viêm chứa nhiều vi khuẩn P.acnes, một trong những nguyên nhân gây ra mụn. Khi tiến hành lăn kim sẽ làm cho da tổn thương, vi khuẩn P.acnes cùng các vi khuẩn khác trên da lan tràn, dẫn tới tình trạng mụn mủ và làm bùng phát tình trạng nhiễm trùng.
Thứ hai: có thể do thao tác vô khuẩn khi lăn kim không được đảm bảo cũng như việc thực hiện sai kỹ thuật làm tổn thương da quá mức, gây nên nhiễm khuẩn, tạo nhiều mụn mủ. Trên da của con người có hàng loạt các loại vi khuẩn khác nhau tùy theo từng loại da như da khô, da ẩm hay da dầu. Sự rối loạn cân bằng vi khuẩn trên da có thể dẫn đến một số loại vi khuẩn trên da vốn dĩ không thể gây bệnh với một làn da khỏe mạnh thì nay đã góp phần làm tăng nguy có nhiễm trùng. Trong đó, một số bệnh lý có thể gặp phải như viêm da do liên cầu, viêm da do tụ cầu…trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết…
Thứ ba: Về mặt y tế khi tái sử dụng kim, kim phải được khử trùng để tránh lây nhiễm chéo (viêm gan B, C hay HIV) và không gây nhiễm trùng. Đồng thời, đối với kỹ thuật lăn kim đòi hỏi tạo ra vết thương tối thiểu nên kim lăn cần phải đủ nhỏ và đủ sắc, do vậy khi tái sử dụng kim, lại thêm kim kém chất lượng sẽ càng ẩn chứa trong đó nhiều nguy cơ gây tổn hại làn da. Chưa kể đến, việc tái sử dụng các lại kim lăn kém chất lượng với điều kiện môi trường không đảm bảo vệ sinh, sẽ làm gia tăng nguy cơ tổn thương và viêm nhiễm da, dẫn đến sưng tấy kéo dài. Ngoài ra, người làm đẹp có thể bị nhiễm HIV/AIDS nếu kim không được vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn y tế. Riêng loại kim trôi nổi, đầu kim không đủ nhỏ và sắc, khi thực hiện trị liệu sẽ làm rách mô liên kết, thủng mạch và mao mạch máu dẫn đến hình thành các ổ tụ huyết dưới da làm da xạm đen sau khi lăn.
Thứ tư: Khi thực hiện không đúng kỹ thuật, không đúng chỉ định kèm theo việc sử dụng các loại hóa chất trôi nổi sẽ làm tổn thương làn da một cách lâu dài, điển hình như tình trạng tăng sắc tố quá mức (mặt sạm đen thành mảng), da khô bong tróc vẩy, cân bằng da rối loạn dẫn đến dễ xuất hiện mụn, mụn viêm hoặc các loại sẹo quá phát, sẹo lồi…
Trong trường hợp gặp phải tình trạng như cô gái này, các bác sĩ khuyên chị em nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn cách chăm sóc vết thương và phục hồi làn da bằng các sản phẩm thuốc an toàn. Cũng được biết, phương pháp lăn kim cần thực hiện tại các cơ sở y tế được kiểm soát và thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa Da liễu có chuyên môn sâu để tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Thế nên, lời khuyên dành cho các cô gái là tìm tới những địa chỉ thẩm mỹ đáng tin cậy để có được hiệu quả làm đẹp tốt nhất.
Với những thông tin trên đây, hy vọng các cô gái đã có được cho mình kiến thức cơ bản về lăn kim trước khi quyết định lựa chọn phương pháp làm đẹp này để cải thiện làn da.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet