Sự vất là động lực khiến ước mơ xe máy luôn thường trực trong tim. Năm 10 tuổi, gia đình tôi có chiếc Cub Dame 50 để mỗi ngày ba rong ruổi 200 km đi tiếp thị nuôi sống gia đình. Còn hai chị em đội nắng đạp 7 km đi học từ chiếc xe ba để lại. Thỉnh thoảng, ba nói về kế hoạch mua được chiếc ôtô cũ cho bớt phần nặng nhọc. Một cách vô thức, giấc mơ đó truyền sang tôi.
May mắn thay năm tôi 16 tuổi, cơ quan cấp cho ba chiếc Custom 70 phục vụ công việc tiếp thị. Tôi được nhượng quyền sử dụng Cub 50cc. Từ đó mỗi khi đi thăm bà con xa, ba chở mẹ, tôi chở chị, thoải mái hơn xe đò nhiều. Nhưng giấc mơ xe hơi trong tôi không giảm lại mãnh liệt hơn xưa. Tôi dự định theo học ngành cơ khí ôtô nhưng rất khó xin việc nên đành chuyển sang ngành khác.
Xe hơi vẫn là hàng xa xỉ ở Việt Nam. Ảnh: Trọng Nghiệp. |
Năm 2007, tôi ra trường, chị đã đi làm. Các hãng xe cho mua trả góp nên chị sắm Sirius 110, tôi chọn Wave 100. Lúc này ba mẹ đã về hưu, đi thăm bà con xa cũng đỡ vất vả hơn so với Custom 70 và Cub 50. Nhưng vẫn còn phải dầm sương dãi nắng và hít bụi đường.
Cũng năm đó Việt Nam gia nhập WTO. Hy vọng đến 2020 giá ôtô sẽ giảm. Có lúc nghĩ giấc mơ tôi ngày càng gần hiện thực. Nhưng đã 5 năm giá chẳng giảm mà ngày một tăng. Hàng rào thuế quan chưa kịp gỡ mà hàng loạt thông tư, nghị định...nhằm hạn chế xe hơi đã được ban hành (với lý do là giảm nhập siêu, kiềm chế lạm phát).
Tôi biết giấc mơ về ôtô của mình đã thực sự là… giấc mơ. Chúng ta kêu gọi, khuyến khích nhà sản xuất xe hơi đầu tư vào Việt Nam, nhưng lại tìm cách hạn chế xe hơi với lý do là công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Rồi loay hoay với bài toán công nghiệp phụ trợ - công nghiệp cơ khí ôtô, và bài toán cơ sở hạ tầng - giao thông ùn tắc… mà chưa tìm ra được chiến lược phát triển hài hòa.
Một lần, chúng ta chọn hướng phát triển giống Thái Lan là xác định dòng xe chiến lược: xe đa dụng 6-9 chỗ ngồi, dung tích xi-lanh dưới 1.5, đạt chuẩn khí thải Euro II. Việt Nam còn “tam đại đồng đường” nên lựa chọn dòng xe đa dụng là cực kỳ hợp lý. Nhưng dung tích xi lanh dưới 1.5 quả là thách thức. Dòng MPV ở nước ngoài không có loại nào dung tích dưới 1.5. Ngay cả Suzuki APV dung tích là 1.6, Toyota Innova là 2.0.
Chẳng lẽ bây giờ phải buộc nhà sản xuất nghiên cứu và đầu tư dây chuyền riêng một dòng xe MPV 1.5 cho Việt Nam mà không thể xuất khẩu cho các nước khác (vì chẳng ai mua MPV nhỏ hơn 1.5).
Ngày xưa Henry Ford nghiên cứu sản xuất ôtô giá rẻ. Kết quả T-Ford ra đời. Hitler cũng từng ấp ủ sản xuất ôtô với giá dưới 1000 mark (tương đương 250 USD bấy giờ). Kết quả Volkswagen Beetle ra đời. Ấn Độ cũng nghiên cứu sản xuất xe giá dưới 2.000 USD. Kết quả Tata Nano ra đời. Việt Nam nghiên cứu… hạn chế ôtô (để bảo vệ đường sá). Kết quả… hàng loạt phí mới ra đời.
Tôi thiết nghĩ các nhà hoạch định chiến lược nên mạnh dạn dám nghĩ dám làm, ra những quyết định mang tính đột phá chiến lược để đưa ngành công nghiệp ôtô nói riêng và công nghiệp Việt Nam nói chung cùng tiến lên.
Từ đó làm nền tảng cải thiện đời sống để dân ta bớt khổ, hãnh diện với nước bạn, đồng thời tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Hãy biến giấc mơ của đông đảo người dân thành hiện thực.
Chân thành cảm ơn.
Nguyễn Quang
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet