Cách giải quyết bài toán chất lượng của Geely, hãng xe tư nhân hàng đầu, là bỏ tiền ra mua những công nghệ mà mình không có. Từ chối đầu cơ mua Volvo của Ford hay Saab của GM, hãng này đi thôn tính nhà sản xuất hệ thống thải nhiên liệu Drivetrain Systems International của Australia với 40 triệu USD. Thành viên ban lãnh đạo Geely, ông Jie Zhao, giải thích việc này giúp dòng xe cỡ lớn của hãng được trang bị hệ thống thải khí tự động, điều họ đang thiếu.
Hệ quả là tính cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc ngày càng gay gắt, gây ra áp lực lên giá và lợi nhuận của các hãng. Điều này đặc biệt đúng với phân khúc xe cỡ nhỏ. Jae Man Noh, Tổng giám đốc Hyundai Trung Quốc ước tính biên lợi nhuận kinh doanh sẽ giảm từ hai con số của 2002-2003 xuống còn 5% đến 6% trong năm nay, mặc dù doanh số đã tăng thêm 49%.
Chính sách hợp nhất ngành ôtô của nhà nước
Giờ đây, các nhà sản xuất tên tuổi không còn dám coi thường người Trung Quốc, đặc biệt là về dài hạn. "Thật đáng ngạc nhiên vì tốc độ phát triển của những nhà sản xuất nội địa", CEO của Mercedes Trung Quốc thừa nhận. "Đầu tiên là việc xâm chiếm phân khúc thấp, rồi chúng ta sẽ thấy một hoặc hai hãng trở thành đối thủ xứng tầm".
E6, mẫu hybrid đầu tiên của nhà sản xuất nội địa BYD. Ảnh: Gasgoo. |
Từ hai thập kỷ, Trung Quốc liên doanh với nhiều tập đoàn ôtô nước ngoài nhằm thực hiện những kế hoạch lớn. Các đối tác ngoại cho họ cơ hội tiếp cận công nghệ, kiến thức và thiết kế mang tính toàn cầu. Và bây giờ, họ bắt đầu chú trọng phát triển những sản phẩm của riêng mình bên ngoài dự án hợp tác.
Lấy ví dụ như Thượng Hải Auto (Shanghai Automotive Industry). Hãng này hợp tác với GM để lắp ráp và phân phối sản phẩm gắn mác Chevrolet, Buick, Cadillac. Họ cũng hợp tác với Volkswagen trong dây chuyền sản xuất Santana. Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán Shanghai Automotive sẽ tăng doanh số xe của riêng mình lên 300.000 chiếc trong 5 năm tới.
Rất nhiều trong số các sản phẩm đó sẽ quay trở lại ganh đua với Volkswagen và GM. Ví dụ chiếc Roewe, dựa trên nền công nghệ của hãng xe Anh Rover. Tại triển lãm Thượng Hải, Thượng Hải Auto cho ra mắt phiên bản thể thao Roewe 550 với động cơ 1.8 tăng áp turbin. Xe được chính thức phân phối vào 2010-2012 và có cả phiên bản tiết kiệm xăng hybrid.
Tổng giám đốc Honda Trung Quốc, ông Hyogo, phát biểu: "Chúng ta phải luôn tiến lên. Nếu chúng ta tụt lại phía sau, các đối tác Trung Quốc sẽ không cần nữa".
Tương lai của thị trường ôtô nội địa còn phụ thuộc nhiều vào chính sách. Vào tháng 3, chính phủ tuyên bố một kế hoạch khuyến khích hợp nhất ngành ôtô. Bắc Kinh muốn tạo ra hai hoặc ba tập đoàn ôtô cỡ lớn, sản xuất khoảng 2 triệu xe một năm.
Cơ sở hạ tầng cho xe sạch
Chi tiết về kế hoạch cải tổ ngày càng trở nên rõ ràng. Nếu khả thi, các hãng nhỏ sẽ được chú ý nhiều hơn. Một vài nhà phân tích còn cho rằng trong trường hợp bước đi này có thật thì các hãng nước ngoài có thể phải lùi về vị trí thứ hai, sau khi người Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn.
Roewe 550, mẫu xe cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ nước ngoài như General Motors hay Volkswagen. Ảnh: Autoblog. |
Khó có thể dự đoán được chính sách của chính phủ sẽ ra sao về trung và dài hạn, nhưng trong hiện tại, kế hoạch phát triển xe thân thiện với môi trường của Bắc Kinh sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến tương quan ngành ôtô. Vào đầu năm nay, chính phủ tuyên bố đầu tư 1,5 tỷ USD trong ba năm vào việc phát triển xe hybrid và xe điện. Mục tiêu của bước đi này là tăng cung xe sạch của các hãng Trung Quốc lên 500.000 chiếc mỗi năm.
Đồng thời, chính phủ cũng có phương án kích cầu xe sạch. Các trạm sạc năng lượng cho xe điện sẽ được lắp đặt tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân. Chính phủ cũng trợ giá cho các nhà kinh doanh taxi và cơ quan nhà nước khi mua xe điện hoặc hybrid. Mức trợ giá có thể tới 8.700 USD cho một chiếc xe điện. Thứ trưởng Bộ tài chính, Zhang Shaochun, phát biểu trong diễn đàn công nghiệp Bắc Kinh hồi tháng 4: "Trợ giá sẽ khiến giá xe điện và hybrid ngang ngửa xe thông thường".
Các nhà sản xuất trong nước đang chờ đợi để hưởng lợi từ các chính sách của nhà nước mình. Tại triển lãm Thượng Hải, hầu hết các hãng nội địa đều giới thiệu xe điện hoặc hybrid. BYD có E6 chạy được 250 dặm sau một lần sạc, chính thức ra mắt vào năm sau. Geely sẽ bán chiếc xe điện đầu tiên của mình, EK1, trong năm nay và mẫu thứ hai vào 2011.
Rõ ràng cuộc chạy đua tại thị trường ôtô Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng, hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Các nhà sản xuất nước ngoài vẫn chiếm ưu thế về thị phần và lợi nhuận. Nhưng cuộc chiến của họ sẽ không dễ dàng khi đối thủ là người Trung Quốc đầy tham vọng.
Phần 1
Quang Cương (theo Businessweek)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet