Nhà sản xuất xe điện mỹ tesla đối mặt với vụ kiện tụng không hồi kết tại Trung Quốc, nơi CEO Elon Musk kỳ vọng trở thành thị trường lớn nhất toàn cầu cho hãng xe này trong tương lai.
Tesla cho biết vào tháng 1/2014, vụ tranh chấp thương hiệu với doanh nhân trung quốc tên Zhan Baosheng đã giải quyết xong, nhà sản xuất xe điện bắt đầu bán mẫu sedan Model S cho khách hàng vào tháng 4.
Tesla Model S. |
Nhưng Zhan, người đăng ký nhãn hiệu "Tesla" bằng tiếng Anh trước khi hãng xe Mỹ vào Trung Quốc lại kiện Tesla ra tòa, yêu cầu dừng mọi hoạt động bán hàng và marketing tại thị trường này, đóng cửa đại lý và các trạm sạc điện, bồi thường 3,85 triệu USD.
Tòa án Trung Quốc sẽ xử vụ án vào 5/8 tới, theo thông báo chính thức trên website. Tesla từ chối bình luận và Zhan từ chối phỏng vấn. Đây là một trong những trường hợp oái oăm nhất của các hãng nước ngoài khi vào Trung Quốc vì dính vấn đề bản quyền, trước đây có những ông lớn như Apple hay Unilever.
Tesla thành lập tại Mỹ năm 2003. Kinh doanh ở miền nam Quảng Đông, Zhan đăng ký nhãn hiệu Tesla bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung tại Trung Quốc năm 2006, đến 2009 được cấp phép sử dụng trong 10 năm. Trong quá khứ Zhan từng cố đàm phán bán nhãn hiệu này cho thị trường Mỹ nhưng thất bại.
Vào tháng 1, Veronica Wu, giám đốc Tesla Trung Quốc cho Reuters biết công ty đã giải quyết xong tranh chấp nhưng đến nay Zhan kiện lại. Chưa biết kết quả vụ kiện đi tới đâu, nhưng mục tiêu của Tesla tại Trung Quốc bị trì hoãn lâu và ảnh hưởng đến thương hiệu.
Tháng 4/2014, khi Tesla chuẩn bị giao chiếc xe đầu tiên cho khách thì Zhan lại nộp đơn kiện, buộc hải quan ngừng nhập xe vì lý nho vi phạm quyền sở hữu. Do đó Tesla không giao chiếc Model S giá 170.000 USD đúng hẹn cho khách hàng tên Yu Xin Quan.
Sau đó, cuối tháng 6, Tesla thương lượng để Yu nhận xe đang trưng bày tại đại lý. Anh này đồng ý, tuy nhiên ngay sau khi nhận chìa khóa mấy phút, vị khách quay ra đập vỡ kính chắn gió của xe trước sự chứng kiến của giới truyền thông vì lý do "phản đối thái độ phục vụ của hãng xe Mỹ".
Năm ngoái, Apple mất 60 triệu USD trong một tình huống tương tự để có quyền sử dụng nhãn hiệu iPad tại Trung Quốc. Việc đăng ký bản quyền tại Trung Quốc đang trở thành vấn đề đau đầu cho các hãng nước ngoài ở nhiều lĩnh vực, dù đây là thị trường nổi tiếng làm nhái trắng trợn.
Đức Huy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet