trẻ em nhật được tận mắt chứng kiến cảnh tai nạn, được dàn dựng nhưng do chính người thật đảm nhiệm nhằm cảnh báo các em về sự nguy hiểm khi ai đó không tuân thủ các quy tắc an toàn. Đó cũng là nơi các em học cách cúi đầu cám ơn khi có ai đó nhường đường cho mình.
Một số cảnh tai nạn được thực hiện với người nộm. Có thể là cảnh một đứa trẻ sang đường từ góc khuất và bị ôtô đâm trúng, văng xa nhiều mét. Cảnh tượng này cũng diễn ra ngay trước mặt những đứa trẻ mới học tiểu học.
Với trẻ lớn hơn, độ tuổi cấp 2 và 3, các cảnh tai nạn cũng được lên kịch bản và thực hiện phù hợp hơn, như cảnh người đi xe đạp bị ôtô đâm trúng, hay người đi xe đạp suýt bị xe tải chèn lên, thậm chí người đi bộ bị xe tải cuốn vào gầm.
Với khả năng chở người và hàng hóa nhanh chóng từ nơi này tới nơi khác, ôtô khiến cuộc sống trở nên tiện lợi hơn. Nhưng cũng rất nhiều cuộc đời bị tước đi do tai nạn giao thông. Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Hơn 15.000 người thiệt mạng mỗi năm từ 1970. Điều này khiến chính phủ Nhật nỗ lực gấp đôi để giảm số tai nạn, với mục tiêu biến những con đường ở quốc gia này trở nên an toàn nhất trên thế giới, theo website web-japan.org.
Những chiến dịch mới được thực hiện nhằm giảm số tai nạn nghiêm trọng giúp số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông xuống còn 5.000 từ 2009. Và dù số ôtô trên đường vẫn nhiều gấp 5 lần so với năm 1970, thì số tai nạn giao thông chỉ bằng một phần ba.
Bí mật nào ẩn sau câu chuyện thành công này? Một trong những bí quyết của người Nhật là giúp trẻ em dễ dàng học các quy tắc khi đi đường theo một cách thú vị, vì thế các em có thể hiểu rõ tầm quan trọng của an toàn giao thông kể từ khi còn nhỏ.
Một trường dạy lái cho trẻ em ở Nhật. Ảnh: Fukuoka-navi. |
Một trong những cách làm thú vị thu hút đông đảo sự chú ý tại Nhật là các trường dạy lái đặc biệt dành cho trẻ em. Những ngôi trường này cung cấp cho các em thông tin cần thiết để được an toàn trên đường, và chúng nhận "bằng lái" đặc biệt vào cuối mỗi khóa học.
Chương trình được tổ chức tại Công viên lái xe cho trẻ em nằm ở tỉnh Chiba, khởi đầu bằng việc chụp ảnh các học viên nhí để in vào "bằng lái", sau đó đưa chúng tới một lớp học luật giao thông. "Đèn xanh có nghĩa gì?" Đi chăng? Không hoàn toàn, giáo viên giải thích: "Đèn xanh đúng là được đi, nhưng chỉ sau khi các em quan sát cẩn thận để chắc chắn rằng việc đó an toàn". Các giáo viên luôn đưa ra những giải thích thật dễ hiểu cho những biển hiệu như "Đường một chiều" hay "Không được đi vào".
Sau lớp học luật, lũ trẻ tới lớp dạy lái. Trẻ cấp 2 và 3 sử dụng xe go-kart gắn động cơ, trong khi trẻ nhỏ tuổi hơn (từ 3 tuổi trở lên) lái xe go-kart chạy điện. Trong cả hai trường hợp, xe go-kart đều không lăn bánh cho đến khi dây an toàn được thắt. Xe trang bị đèn xi-nhan và gương chiếu hậu có thể điều chỉnh.
Các tín hiệu chỉ đường được làm giống với thực tế, và các tài xế nhỏ tuổi phải thật chú ý khi lái xe. Các giáo viên hướng dẫn học viên phải đi thế nào, có thể là: "Rẽ phải ở ngã tư kế tiếp". Vì ở Nhật, ôtô chạy bên trái đường, nên trước hết trẻ phải ra tín hiệu phù hợp và đảm bảo đèn đang xanh rồi dừng lại. Khi đã thấy rõ rằng không có xe nào chạy tới từ phía ngược chiều, có nghĩa an toàn để rẽ. Sau bài "sát hạch" này, kết quả được công bố và những ai đỗ đều vinh dự nhận phiên bản sao rất giống bằng lái thật.
Ở Nhật còn có đường đua Suzuka từng diễn ra một số giải Formula 1 Grand Prix của Nhật, cũng là nơi giúp trẻ em Nhật học luật giao thông theo cách đặc biệt. Khu vực có tên "New Putti Town" giúp lũ trẻ "thi lấy bằng" đồng thời cho phép các bậc phụ huynh lái xe cùng các con trong vai trò hướng dẫn viên giao thông, tạo cơ hội cả gia đình học an toàn giao thông cùng nhau.
Mỹ Anh
Nguồn video: Facebook
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet