BlackBerry từng là một trào lưu phát triển rầm rộ từ Nam ra Bắc. Ảnh: Quốc Huy. |
BlackBerry đến Việt Nam từ khá sớm, nhưng chỉ được biết nhiều sau thời kỳ thoái trào của O2 và trước khi "làn sóng" iPhone đổ bộ. Thời kỳ xâm nhập của BlackBerry là khoảng năm 2005 và cực "thịnh" trong khoảng 3 năm, từ 2007 đến 2009.
Thời điểm đó, các phiên bản từ xách tay đến hàng "dựng" Trung Quốc rầm rộ tiến vào Việt Nam. Giới dùng BlackBerry cũng đa dạng, từ sinh viên với những chiếc 6710, 8700 đến nhân viên văn phòng, doanh nhân với 8800, sau này là Bold 9000, Curve 8900...
Trào lưu BlackBerry rầm rộ từ Nam ra Bắc, gần như đâu đâu cũng bắt gặp những chiếc di động bàn phím QWERTY, thiết kế bè bè, thân lớn. Các cửa hàng chuyên BlackBerry cũng mọc lên như nấm. Topic trao đổi phần mềm, ứng dụng và kinh nghiệm sử dụng điện thoại của RIM xuất hiện trên hầu khắp các diễn đàn di động và luôn đông khách.
Tuy nhiên, khoảng từ cuối 2009 đến nay, trào lưu BlackBerry bắt đầu "hạ nhiệt". Số lượng máy mới về Việt Nam nhiều hơn, nhưng lượng người dùng bắt đầu giảm dần, "những người trụ lại sử dụng dòng di động này chỉ còn là các fan chính gốc", anh Nguyễn Hải Triều (Đống Đa - Hà Nội), một dân chơi BlackBerry tâm sự.
Dòng di động này ngày càng chọn lọc người chơi hơn. Ảnh: Quốc Huy. |
Hiện không hiếm smartphone đa tính năng, thiết kế tương tự BlackBerry và "dễ dùng hơn" xuất hiện trên thị trường, khiến BlackBerry không còn là lựa chọn đầu tiên khi nghĩ tới dòng smartphone có bàn phím QWERTY và giá rẻ.
Ở một góc nhìn khác, anh Hải Long (Tân Phú - TP HCM) cho rằng, cái gì chạy theo phong trào sẽ đến một lúc nào đó hết đi, "rất nhiều bạn bè trước thấy tôi dùng chiếc 8700 cùng dùng theo, nhưng giờ số người tôi biết còn sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay", anh Long chia sẻ.
Hơn nữa, theo anh Long, BlackBerry không còn là dòng di động giá rẻ. Sự có mặt của nhà phân phối Viettel với các model kèm hợp đồng, hay sự xuất hiện của các dòng mới như Bold, Storm, Curve... làm cho BlackBerry ngang tầm với cả HTC, Nokia, Sony Ericsson về mức giá máy bán ra.
Bên cạnh đó, BlackBerry là một hệ điều hành không dễ dùng cho khách hàng ít am hiểu. "Sự rắc rối trong cài đặt, đi vào tính năng, hỗ trợ tiếng Việt và một số nhược điểm khác, làm cho nhiều người mới dùng nản, và quay trở lại với các hệ điều hành thân thiện hơn như Symbian, Android, đặc biệt là iPhone", anh Sơn, chủ một cửa hàng trên đường Bạch Đằng (Tân Bình - TP HCM) cho hay.
Cũng theo anh Sơn, khách hàng mua BlackBerry hiện tại phần lớn là những người đam mê, theo đuổi dòng di động này ngay từ đầu, "họ cảm thấy khó khăn khi thay đổi nền tảng khác và khá trung thành. Đó là những người đam mê BlackBerry thực sự".
BlackBerry dần thay đổi, máy cao cấp về nhiều hơn. Ảnh: Quốc Huy. |
Cũng giống như nhiều năm trước, xu hướng của người dùng BlackBerry trong Nam là chuộng các dòng máy xách tay từ thị trường châu Âu, Mỹ, còn ở miền Bắc là các dòng thấp như 8700, 8800. Ở miền Bắc thì dễ "dính" hàng "dựng" hơn do nguồn hàng từ Trung Quốc tuồn về. Tuy nhiên, sự phân biệt này được nhiều dân chơi cho là không rạch ròi, bởi nhiều người ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... vẫn chơi BlackBerry dòng cao.
Những model 61xx giờ hiếm gặp trên thị trường, thay vào đó là 8700, 8800, 8100 - những model giá thấp được giới sinh viên chọn mua nhiều hơn. Mức giá các sản phẩm này nằm từ trên một triệu đến 3 triệu đồng. Tại thị trường TP HCM, các mẫu như Curve 8900, Bold (9000 và 9700) bán tốt, Storm cảm ứng của hãng bán chậm hơn, nhất là khi có thông tin model này không hỗ trợ hệ điều hành BlackBerry OS 6.
Bản thân BlackBerry cũng đang thay đổi, từ dòng điện thoại QWERTY dành cho doanh nhân, đến nay, RIM đã tung ra các bản cảm ứng, hướng tới tính năng giải trí. Chiếc Torch 9800 vừa ra mắt và cũng đã xuất hiện tại Việt Nam (với giá 17,5 triệu), nằm trong nhóm các model hướng tới khả năng chia sẻ kết nối mạng xã hội, xem phim, chơi nhạc nhiều hơn.
Huy Nguyễn
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet