Trong một bức thư gửi cho các lãnh đạo cấp cao của Toyota Bắc Mỹ, Edolphus Towns, Chủ tịch Ủy ban Cải cách Chính phủ và Giám sát Hạ viện Mỹ buộc tội hãng xe lớn nhất thế giới che giấu dữ liệu kiểm tra đối với những trục trặc liên quan tới hệ thống điện trên xe Toyota. Ông Towns viết, Toyota chọn cách dàn xếp đầy khó khăn với các nguyên đơn nhằm tránh để lộ các dữ liệu kia.
Theo hãng tin AP, những hồ sơ của Toyota "cho thấy sự coi thường có hệ thống đối với luật pháp và vi phạm lệnh tòa án trong vụ kiện", Towns viết cho Yoshimi Inaba, Tổng giám đốc Toyota Bắc Mỹ.
Đáp lại, Toyota chỉ rõ trong một bản tuyên bố rằng họ tin mình đã hành động rất thích hợp trong nghĩa vụ pháp lý có liên quan tới các sản phẩm của hãng. Hãng xe Nhật Bản cho rằng không có gì lạ khi họ phản đối những đòi hỏi về tài liệu trong vụ kiện.
Dãy xe Camry 2010 chưa bán được tại đại lý Toyota ở Centennial (Colorado, Mỹ). Ảnh: AP. |
Inaba và Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota Motor, đã xuất hiện trước phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 24/2, là phiên điều trần thứ hai diễn ra trong tuần qua sau khi Toyota cho triệu hồi (recall) 8,5 triệu xe do các vấn đề về an toàn. Hãng này đã phải lục tung hàng nghìn bộ hồ sơ nội bộ trước khi tới điều trần. Phiên thứ ba sẽ diễn ra vào tuần này tại Ủy ban Thượng viện về Thương mại, Khoa học và Vận tải.
Những người làm luật tại Mỹ buộc tội Toyota giấu các vấn đề về an toàn trong các trường hợp tăng tốc đột ngột liên quan đến chân ga. Hãng này đã phải cam kết có trách nhiệm hơn nữa đối với những lời than phiền của khách hàng cũng như các cảnh báo về hệ thống an toàn.
Trước đó, Ủy ban Cải cách Chính phủ và Giám sát Hạ viện Mỹ từng nhận được bản cáo buộc từ Dimitrios Biller, từng làm luật sư của Toyota. Biller, làm việc tại Toyota từ năm 2003-2007, kiện lại chính công ty cũ về những vụ tai nạn xe hơi có liên quan.
Vào tháng 7/2009, đơn kiện được gửi tới tòa án Los Angeles khi Biller buộc tội Toyota âm mưu che giấu chứng cứ về các vụ tai nạn đồng thời buộc ông phải từ chức khi nói rằng hãng này phải có trách nhiệm pháp lý trong việc đưa ra chứng cứ trước các luật sư bên nguyên.
Vụ kiện cho thấy, Biller đã bị Toyota làm cho lụn bại và bị "suy nhược hoàn toàn về tinh thần cũng như thể chất". Cuối cùng, Biller chịu thỏa thuận và đồng ý nhận 3,7 triệu USD.
Theo bản ghi điều khoản thỏa thuận mà Biller đưa ra, Toyota có một cơ sở dữ liệu về lỗi thiết kế và "các biện pháp đối phó" mà họ đã triển khai để giải quyết các rắc rối. Bí mật chết người đó do trung tâm kỹ thuật của Toyota cất giữ. Biller cho biết, ông khám phá ra dữ liệu đó trong thời gian tham gia vụ kiện tụng.
Ngoài ra, Biller còn viết trong một e-mail rằng ông đồng ý dàn xếp với 1,5 triệu USD vào năm 2006 để tránh vụ việc bị vạch trần. Biller đã cảnh báo rằng Toyota cần phải theo dõi sít sao những trường hợp tăng tốc ngoài ý muốn.
Trong một bản tuyên bố vào tháng 10/2009, Toyota cho rằng hành động của Biller bắt nguồn từ động cơ tài chính cá nhân và phủ nhận vị cựu luật sư đã phải từ chức.
Một đại lý Toyota ở Oakland (California) đang thỏa thuận với khách hàng về việc triệu hồi xe. Ảnh: New York Times. |
Trong khi đó, ngày 26/2, chính phủ Canada đã cho mở cuộc điều tra về vụ triệu hồi 270.000 xe Toyota tại đất nước này. Đồng thời, một thành viên đảng Bảo thủ đã yêu cầu những người đứng đầu hãng xe Nhật Bản xuất hiện trước quốc hội Canada.
Cùng ngày, Toyota cho biết sẽ mở thêm các trạm sửa chữa xe triệu hồi tại Mỹ, ngoài những trạm tại New York. Các trạm này sẽ đáp ứng những nhu cầu của khách hàng và có thể bao gồm cả các hạng mục sửa chữa nhanh, khắc phục lỗi và trả lại xe về đại lý, đưa khách hàng đi làm hoặc các dịch vụ vận chuyển luân phiên như cho mượn hoặc cho thuê xe.
Những dịch vụ này dành cho tất cả chủ xe Toyota và Lexus tại Mỹ, những người có xe bị lỗi dính chân ga, tấm lót sàn xê dịch, chống bó cứng phanh... thuộc diện triệu hồi.
Các đại lý và chủ xe sẽ được hoàn trả các phí tổn khi triệu hồi xe với ước tính từ 7.000-75.000 USD.
Mỹ Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet