Cách đây 10 năm, những chiếc túi hiệu Balenciaga, được những gương mặt hàng đầu như kate moss , sienna miller và chị em nhà Olsen quảng cáo, chỉ có giá dưới 1.000 USD. Một thập kỷ sau, chúng tăng lên mức khoảng 1.500 USD. Đó là một ví dụ cho thấy, giá phụ kiện thời trang tăng nhanh như tên lửa - một thực tế đã được báo chí phản ánh khá đầy đủ.
Tuy nhiên, nếu so với trang phục, sự lên giá của phụ kiện vẫn chưa thấm tháp gì. Theo phân tích của Style, có hai nguyên nhân khiến cho các hãng đua nhau nâng mức giá váy áo ready to wear lên con số hàng chục nghìn USD.
Những thiết kế ứng dụng giá hàng chục nghìn USD. |
Thứ nhất, giá tăng do hiệu ứng từ cơn sốt thương hiệu. Net-a-Porter - một trang mua bán trực tuyến, xưa nay vẫn bán váy áo kaufman franco , valentino và Azzaro với giá 5 USD, 50 USD, cao hơn nữa là 815 USD - thì gần đây thường xuyên xuất hiện những thiết kế hàng chục nghìn USD.
Holli Rogers, người quản lý website về thời trang này chia sẻ, sự thay đổi lớn về giá cả của Net-a-Porter có lẽ bắt đầu từ 2010, thời điểm gắn liền với sự ra mắt bộ sưu tập Thu 2010 của Alexander McQueen's Fall 2010 - những thiết kế cuối cùng trước khi nhà thiết kế nổi tiếng treo cổ tự tử tại nhà riêng. Cái chết bí ẩn của McQueen khiến cho những sản phẩm vừa ra mắt của ông được người ta săn lùng ráo riết.
"Cho tới lúc đó, chúng tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện bày bán những sản phẩm hàng chục nghìn USD. Nhưng chúng tôi đã suy nghĩ khác đi, khi những chiếc váy McQueen giá cao ngất ngưởng mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người mua”, Rogers kể.
Hồi tháng 5, một chiếc váy của Sarah Burton (nhà thiết kế của hãng Alexander McQueen) được rao bán với giá 28.950 USD (gần 600 triệu đồng) trên chính Net-a-Porter. Trong trường hợp này, rõ ràng người mua không phải trả tiền cho một chiếc váy vì nhà thiết kế vừa chết của nó. Thay vào đó, họ trả nhiều tiền bởi chất liệu, sự tinh tế của sản phẩm, các chi tiết làm bằng tay và chi phí lao động. “Phần lớn sản phẩm của các thương hiệu cao cấp được sản xuất ở châu Âu - nơi chi phí lao động là rất cao. Cao đến mức giá một chiếc váy khiến người ta có thể nhầm với giá một chiếc xe hơi tầm trung”, Holli Rogers phân tích.
Nhà McQueen không phải là thành viên duy nhất của "câu lạc bộ bán váy chục nghìn USD". Theo Rogers, Balmain và Marchesa cũng là những thương hiệu tương tự. Alain Hivelin - giám đốc điều hành của Balmain - giải thích cho mức giá trên trời của những sản phẩm ready to wear: “Công chúng đã quen thuộc với suy nghĩ Balmain là một thương hiệu chỉ gắn liền với thời trang cao cấp. Vì vậy, chúng tôi muốn đầu tư hơn cho những sản phẩm ready to wear. Nhưng các thiết kế ứng dụng đó sẽ được thổi linh hồn của thời trang cao cấp”.
Hiện tại, Balmain vẫn bán những chiếc áo jacket chỉ khoảng 1.500 USD, nhưng bên cạnh đó, có những chiếc váy giá tới 30.000 USD (617 triệu đồng). “Vấn đề không chỉ là lợi nhuận mà chúng là gương mặt của chúng tôi. Những chiếc váy đó như là DNA của thương hiệu Balmain vậy”, Hivelin nói, rõ ràng muốn nhắc đến “giá của thương hiệu” nằm trong giá thành chung của các thiết kế, bất kể là chúng thuộc dòng sản phẩm nào.
Biểu đồ tăng giá chung 10 năm qua (2002 - 2012). Trong khi thực phẩm (Big Mac) tăng 68,7%; hàng mỹ phẩm làm đẹp tăng 66,7%; Cocaine giảm 16% thì trang phục (váy Michael Kors) tăng 200,4%. |
Nguyên nhân thứ hai chi phối đến giá cả nằm ở chính người mua. Khách hàng bây giờ không thích mua đồ rẻ. Cameron Silver - một chủ cửa hàng của dòng sản phẩm vintage couture ở Los Angeles - nhận định, tâm lý khách mua ngày nay là thích sắm đồ đắt tiền. Tại cửa hàng đã có 10 năm tuổi của mình, anh thường xuyên chứng kiến những cảnh như: “Một vị khách tiến vào, nhìn mác chiếc váy rồi thì thầm: ‘Ôi trời, có 400 USD thôi à, váy này rẻ tiền quá”. Rõ ràng, người ta luôn quan niệm, hàng đắt tiền tất nhiên chất lượng phải tốt hơn. Và đó là cơ hội để váy áo tăng giá.
Điều này đặc biệt phát huy lợi thế trong thời đại mua bán trên mạng đang trở thành xu hướng thời thượng như hiện nay. Ông chủ Hivelin của Balmain cho biết: “Chúng tôi muốn khách hàng trực tiếp sờ tận tay, nhìn tận mắt sản phẩm rồi mới quyết định mua chúng hay không”. Tuy nhiên, khi mua bán qua mạng, khách chỉ có thể tin vào thương hiệu, vào uy tín của cửa hàng, hoặc vào quan niệm: hàng đắt là hàng tốt.
Các nhà bán hàng hàng qua mạng cũng rất khôn khéo. Họ sẽ lựa chọn một số lượng nhất định người mua để đưa vào danh sách khách VIP. Khách VIP sẽ được thông báo riêng khi có một sản phẩm nào đó đẹp, độc đáo ra mắt. Đó là một vũ khí đánh vào tâm lý những kẻ nghiện mua sắm. Họ sẽ quyết ngay mà không cần lưu ý lắm đến giá cả vì “mình không mua kẻ khác sẽ mua mất”. Chẳng ai muốn nhìn thấy người khác mặc chiếc váy mà mình thích.
Monique Lhuillier là thương hiệu đã bán váy chục nghìn đô từ nhiều năm nay và sẽ tiếp tục làm như vậy. “Ready to wear chỉ là một phần nhỏ trong công việc kinh doanh của tôi nhưng nó đủ quan trọng đến độ mùa nào tôi cũng phải có bộ sưu tập cho nó. Khách thường đặt hàng từ 3 đến 4 tháng trước. Nhưng phụ nữ rất lạ, có những người đến tìm tôi vào thứ hai để yêu cầu một chiếc váy ngay cho bữa tiệc vào dịp cuối tuần đó”, nhà thiết kế Monique Lhuillier nói.
Cùng với việc phân tích các nguyên nhân tăng giá trang phục, Style đưa ra bảng thống kê sự lên giá chung trong một thập kỷ qua. Theo đó, giá tăng ở mọi lĩnh vực, nhưng không mặt hàng nào có mức tăng vùn vụt như trang phục (thông qua khảo sát với váy áo của hãng Michael Kors).
Huyền Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet