"Siêu xe" là một thuật ngữ hiện đại, tuy nhiên, những loại xe thuộc đẳng cấp này đã xuất hiện từ thời kỳ bình minh của ngành công nghiệp ôtô. Bằng chứng là Bugatti Type 57C, sản xuất từ những năm 1930 là một siêu xe, cũng giống như Bugatti EB110 xuất hiện sau đó khoảng 60 năm.
Khi xe có động cơ xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, mục tiêu của phần lớn công chúng là cố gắng sở hữu một chiếc. Nhưng theo thời gian, việc sản xuất xe hàng loạt khiến chúng trở nên phổ biến và nhàm chán. Những người giàu có giờ lại muốn những chiếc xe nhanh nhất, đắt nhất và quyến rũ nhất mà tiền có thể mua được. Từ đó sinh ra siêu xe.
Dựa trên thực tế rằng siêu xe, đầu tiên và quan trọng nhất, là những cỗ máy công suất cao, nên định nghĩa về siêu xe cũng xuất phát từ sức mạnh của xe. Ngoài ra, đó là những chiếc xe thể thao có thiết kế đặc biệt, tính năng cao cấp. Khái niệm này gây ra nhiều tranh cãi nhất trong giới chơi xe bởi ranh giới giữa nó và xe hạng sang, xe cơ bắp rất mong manh.
Bugatti Veyron là ví dụ điển hình của siêu xe ngày nay. |
Để được gọi là siêu xe lại còn phụ thuộc vào quan niệm của từng thời kỳ. Đầu tiên, nó được hiểu như những mẫu đặc biệt và có phần "hoang tưởng". Sau đó người ta chuyển sang ám chỉ "xe khác người", xuất phát từ cách gọi của cánh nhà báo ôtô.
Một cách tổng quát, để nhận dạng một chiếc siêu xe, cần dựa vào các đặc điểm như tính năng, thiết kế, giá cả, độ phức tạp khi cầm lái. Một số nhà sản xuất một cách tự nhiên được liệt vào phân khúc siêu xe như Lamborghini, Ferrari, Bugatti, Aston Martin. Không ai gọi Mercedes hay Audi là "hãng siêu xe" cho dù các thương hiệu này thỉnh thoảng có các mẫu nằm trong danh sách như SLS AMG hay R8.
Tính năng của một chiếc xe dựa trên giá trị của tỷ lệ trọng lượng -công suất, độ tăng tốc, thời gian hãm và vận tốc tối đa có thể đạt được. Đây là đặc điểm quan trọng để xác định một mẫu xe có xứng đáng gọi là siêu xe hay không. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào đây, người ta dễ nhầm chúng với xe thiết kế đặc biệt, xe thể thao dân dụng hay xe cải tiến.
Hộp số trên chiếc Ferrari 458 Italia. Chỉ có các chế độ Auto, R nên rất khó để ai đó biết cách cho siêu xe này chạy. |
Do sức mạnh và khả năng vận hành cao nên trước khi "cầm cương", tài xế phải "học". Điều này không có ý chê bai những người có kinh nghiệm, tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ giữa các siêu xe thường có cấu trúc và cách vận hành khác. Vì vậy, "đào tạo" trước là cách duy nhất để giảm thiểu rủi ro cho người lái.
Tỷ số trọng lượng - công suất nhỏ
Tất cả các hãng đều sản xuất siêu xe theo hướng nâng cao công suất động cơ và giảm khối lượng xuống thấp nhất có thể, kéo theo tỷ số trọng lượng - công suất nhỏ hơn nhiều so với xe dân dụng. Chẳng hạn, Ferrari Enzo có tỷ số 2,1 kg/mã lực, tương đương sức mạnh của một chú ngựa khi kéo vật nặng 2,1 kg. Với Bugatti Veyron, tỷ số là 1,8 kg/mã lực.
Khả năng tăng tốc lớn
Nhờ tỷ số trọng lượng - công suất thấp nên siêu xe có thời gian tăng tốc luôn ở tầm "ngoại hạng". Có nhiều mức đánh giá nhưng chung nhất, người ta chia thành khả năng tăng tốc 0-100 km/h, 0-160 km/h hoặc thời gian đi một phần tư dặm (402,3 m). Từ vị trí xuất phát, siêu xe không mất quá 4 giây để kim đồng hồ đạt 100 km/h. Đỉnh cao hiện nay là Bugatti Veyron 16.4 Super Sport với 2,2 giây.
Tiêu chuẩn vượt qua một phần tư dặm phải dưới 13 giây, vận tốc trung bình 177 km/h và thời gian tăng tốc 0-160 km/h không quá 10 giây. Chiếc Enzo Ferrari có thể hoàn thành hơn 400 m trong khoảng 11,1 giây, tương đương với vận tốc 214 km/h, còn Koenigsegg CC, trình làng 2004, mất 9 giây, vận tốc trung bình 235 km/h.
Thiết kế ấn tượng
Lamborghini Gallardo Super Trofeo Stradale tại Frankfurt. Người ta có thể thích hoặc không thích một chiếc siêu xe. Nhưng ít ai chê chúng xấu. |
Phong cách đặc trưng là dấu hiệu dễ nhận thấy của các siêu xe. Chẳng hạn như nhờ mô tả cấu trúc của xe F1, mẫu Enzo Ferrari đã tạo nên một hình ảnh và xu hướng thiết kế rất đặc trưng cho Ferrari. Đa số siêu xe sinh ra không nhằm vào số đông nên chúng thường có kiểu coupe 2 chỗ và cấu trúc khá lạ mắt. Nguyên nhân chính nằm ở việc để đạt vận tốc cao, ngoài yếu tố công suất, siêu xe cần có tính năng khí động học để giảm sức cản gió, tăng độ bám đường nhằm không bị "bay" lên khi chạy vận tốc cao.
Tốc độ tối đa trên 300 km/h
Khả năng tăng tốc là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để nói lên sức mạnh của siêu xe. Muốn đứng trong hàng ngũ này, nó phải có tốc độ tối đa từ 300 km/h trở lên.
Năm 2010, Bugatti ra mắt Veyron 16.4 Super Sport từng được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness với tốc độ tối đa trung bình đạt 431 km/h. Trước đó hơn 10 năm, ngày 31/3/1998, McLaren F1 do Andy Wallace lái tại đường thử Volkswagen Ehra, dài 9 km/h, đã đạt vận tốc 391,1 km/h, lập kỷ lục vận tốc vào thời điểm đó.
Thời gian 0-160-0 dưới 10 giây
Không chỉ tăng tốc, đạt tốc độ tối đa, siêu xe cần có thời gian giảm tốc ngắn, nhằm đảm bảo rằng nó có thể dừng lại trước khi nguy hiểm xảy ra. Thông thường, 10 giây là giới hạn để tăng tốc từ 0 lên 160 km/h rồi từ 160 km/h về vị trí đứng yên.
Giá đắt
Giá cả cũng đóng góp phần lớn vào tiêu chí của siêu xe. Để làm nên những tính năng có một không hai, chắc chắn giá của nó không hề rẻ. Hiện nay, siêu xe có thể đạt tới mức giá hàng triệu USD mỗi chiếc, điển hình như Bugatti Veyron 16.4 Super Sport với 2,4 triệu, hay Koenigsegg Trevita 2,21 triệu USD.
* Ảnh chi tiết Ferrari 458 Italia tại Việt Nam |
Mỹ Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet