X Series với model mới nhất là X-T1 tạo được cả dấu ấn về công nghệ và thiết kế. |
Fujifilm được thành lập vào năm 1934 và ban đầu chỉ chuyên sản phẩm phim cho máy ảnh và máy quay. Năm 1948, hãng bắt đầu sản xuất máy ảnh và 10 năm sau đó bắt tay vào sản xuất những khổ phim màu đầu tiên. Sự kiện ra mắt X-T1 mới nhất cũng đánh dấu cho chặng đường phát triển bước sang năm thứ 80 của hãng.
Những năm thập niên 90, Fujifilm cùng với Kodak là hai thương hiệu sản xuất máy ảnh phim và phím lớn trên thế giới. Tuy nhiên, khi chuyển qua kỷ nguyên của máy ảnh kỹ thuật số, số phận của hai nhà sản xuất này đã trở nên trái ngược. Trong khi Kodak lận đận nhiều năm liền, đã tuyên bố phá sản thì Fujifilm dù muộn nhưng cũng tìm được lối đi riêng và đang chứng tỏ sự trở lại mạnh mẽ.
Trước khi ra mắt X100 vào tháng 9/2010, thương hiệu Fujifilm gần như mất hút trên thị trường máy ảnh số. Chỉ có một số máy compact cấp thấp không tạo được nhiều dấu ấn. Sự xuất hiện của X100 với thiết kế đẹp, cảm biến cỡ lớn APS-C vốn chỉ có ở máy DSLR có thể coi là dấu mốc không thể ấn tượng hơn cho sự trở lại của hãng máy ảnh Nhật Bản.
Fujifilm cũng rất thức thời khi bắt đầu tập trung vào dòng X với các model như X-Pro1 và X-E1 trong thời kỳ phát triển mạnh của máy ảnh ống kính rời không gương lật (hay còn gọi là mirrorless hoặc CSC). Tuy chưa thể đạt ngay những thành công lớn về mặt doanh số nhưng các sản phẩm này được nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đánh giá cao, tạo tiền đề cho một loạt các sản phẩm phủ đầy các phân khúc sau này như X-A1, X-M1, X-E2...
Mô phỏng màu phim là thế mạnh của X Series. |
Sự thành công của dòng máy này, ngoài kiểu dáng hoài cổ hấp dẫn còn là "trái tim" cảm biến X-Trans CMOS ra mắt vào năm 2012. Hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số hiện nay đều sử dụng một bộ lọc màu mảng Beyer, đặt tên sau phát minh của các kỹ sư Kodak. Về cơ bản, đó là sự lặp đi lặp lại của bốn điểm ảnh, hai trong số đó nhạy cảm với màu xanh lá cây, một với màu đỏ và một với màu xanh nước biển được bố trí trên một hình vuông. Tuy nhiên, vấn đề với thiết kế mảng Bayer là nhạy cảm của nó và tạo ra hình ảnh màu bị thừa sai khi chụp các hình ảnh có chứa các hình mẫu lặp lại (như vải may) gây ra bởi sự giao thoa giữa những mô hình và lưới điện của photosite. Fujifilm đã quyết định thay đổi điều này với bộ lọc màu kích cỡ 6 x 6 trên X-Trans CMOS với photosite màu đỏ, xanh lá cây và màu xanh trên mỗi hàng và cột.
Không chỉ vậy, việc đưa vào các chế độ giả lập màu phim cũng khiến cho dòng máy này hấp dẫn giới nhiếp ảnh gia. Trong đó có ba loại phim dương bản bao gồm Velvia, Provia, Astina và hai loại phim âm bản là PRO Neg. Std và PRO Neg. High. Các loại giả lập phim được sử dụng trong từng trường hợp khác nhau với chỉ một nút bấm.
Dù "sinh sau đẻ muộn", nhưng X Series được Fujifilm đầu tư kho ống kính phong phú nhất trên thị trường máy mirrorless hiện nay. Hãng có 7 ống kính một tiêu cự từ 14 đế 60 mm, ống kính zoom tiêu chuẩn và chất lượng cao. Chất lượng các thấu kính đều được khẳng định khi Fujifilm đang cung cấp rộng rãi thiết bị quang học cho truyền hình, làm phim, vệ tinh trên quỹ đạo mặt trăng...
Tuấn Hưng
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet