Theo phân tích của CNN, lợi ích không chia đều cho các hãng mà chảy về túi những "ông lớn" ở Bắc Mỹ, châu Âu, và châu Á, những người biết tận dụng quy mô tạo ra doanh số tối ưu. Các công ty này kỳ vọng mức tăng trưởng vượt bậc trong những năm tới. Nếu sử dụng sức mạnh khôn ngoan, họ sẽ trở thành hãng xe số 1.
CEO của liên minh Fiat-Chrysler, Sergio Marchionne nhìn thấy viễn cảnh của một cuộc chiến về cấu trúc giá đang ngày càng khốc liệt. Giải thích cho nguyên nhân sâu xa đằng sau việc thôn tính Chrysler vào năm 2009, theo quan điểm của Marchionne, các hãng xe cần đạt được doanh số 6 triệu xe mỗi năm nếu muốn thành công. Gần đây, ông tiết lộ thêm cần bán 10 triệu xe mỗi năm trên phạm vi toàn cầu để bước lên cấp độ mới về hiệu quả, giảm chi phí phát triển ở những khâu quan trọng.
Một mẫu xe Saturn, thương hiệu thuộc tập đoàn General Motors và đã bị khai tử từ 2009 do khủng hoảng. Người Mỹ cũng không còn cơ hội sở hữu Mercury, một thương hiệu của Ford. Ảnh: Saturn. |
Để đạt được mục tiêu Marchionne đưa ra, Fiat-Chrysler sẽ phải vượt 5 đối thủ đang dẫn trước. Đứng đầu là GM từng nắm ngôi vương của ngành trong hơn nửa thế kỷ. Renault/Nissan và Toyota trên đà phục hồi sau thảm họa thiên nhiên và những đợt triệu hồi đình đám. Hyundai lớn nhanh như thổi và một Volkswagen đầy tham vọng.
Ford hiện đứng sau Volkswagen và còn khoảng cách 1,2 triệu xe. Sự khác biệt thể hiện trong chính sách ở các giai đoạn phát triển mà mỗi hãng đang theo đuổi. Volkswagen sở hữu hàng loạt thương hiệu nổi tiếng, từ các dòng xe thương mại như Jetta và Passat đến siêu phẩm Bugatti. Ford từ bỏ một vài mục tiêu xa giống như Volvo, Jaguar-Land Rover, để hướng trọng tâm vào những chiếc xe con và xe tải chiến lược mang thương hiệu Ford. Kết quả tất yêu là việc thu hẹp quy mô.
Uy tín của các hãng xe sang như Mercedes hay BMW có thể bù đắp cho kích thước khiêm tốn của họ. BMW giàu có, nhưng quy mô chỉ bằng một phần tư GM. Một số công ty ở tầm trung như Peugeot, Honda, Suzuki, Mazda, Fuji và Subaru đang phải đối mặt với những bất lợi quan trọng về giá.
Quy mô chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Kích thước tạo ra sự phức tạp, ngăn cản sự hỗ trợ khi lâm vào tình huống phá sản, GM là một minh chứng hùng hồn cho vấn đề đó. Chìa khóa để thành công là thực thi hiệu quả các nguồn lực để thu lời từ doanh số. Sản lượng lớn giúp các nhà sản xuất phân tán chi phí đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm tương tự như một phép chia số học.
VW và Toyota là những hãng khôn ngoan trong việc sử dụng lợi thế quy mô để đạt sự hiệu quả. Từ các phần tử cơ bản, VW có thể xây dựng được 3 triệu xe, nhiều hơn bất kỳ công ty nào trên thế giới. Toyota xuất sắc đứng vị trí thứ 2 trong việc sử dụng chung khung sườn.
Tương tự, GM đang cố gắng kiểm soát tài chính. Đã có thông tin tiết lộ rằng hãng sẽ giảm một nửa chủng loại khung sườn, từ 30 năm 2010 xuống 14 vào năm 2018. Động thái này được kỳ vọng sẽ tiết kiệm 1 tỷ USD mỗi năm, hầu hết trong số chúng là những chi phí công nghệ. Nhưng đó chỉ là một con số rất nhỏ so với VW, hãng đang phát triển một khung sườn xe khách đơn giản được gọi MQB, nhằm củng cố vững chắc 40 mẫu xe của 4 thương hiệu: VW, Audi, Skoda, và Seat. Dự kiến dự án sẽ tiết kiệm 20% chi phí phát triển sản phẩm và linh kiện, 30% trong thời gian sản xuất hàng loạt.
Để lớn hơn, nhiều nhà sản xuất xe hơi đang tìm cơ hội bắt tay nhau. Renault-Nissan mở rộng quan hệ với Daimler để sản xuất động cơ cho Mercedes tại nhà máy sản xuất hệ thống động lực ở Tennessee. Opel của Đức và Peugeot từ Pháp liên kết để phát triển khung sườn chung. Trong khi đó, Giám đốc Fiat Sergio Marchionne ganh tị đứng ngoài quan sát. Nhiều người cho rằng, ông đang tìm kiếm đối tác thứ 3, thậm chí là thứ 4 cho liên minh Fiat - Chrysler.
Không gấp rút hay vội vàng chính là sự khác biệt của Ford, rất khó khăn để dòng họ Ford từ bỏ quyền kiểm soát công ty. Honda cũng chẳng dễ gì từ bỏ con đường đã chọn. Toyota cũng muốn phát triển quan hệ "hữu cơ", nhưng hiện tại họ đang thành công với việc mở rộng thương hiệu con Lexus và Prius.
Sản lượng xe của các hãng theo dự báo của HIS. |
Sự tương tác trong quá trình vận động và nhiều yếu tố khác được phản ánh trong dự báo của HIS vào năm 2020. Thực tế, thứ hạng của các công ty có thể thay đổi, 5 công ty đứng đầu sẽ kéo dài thêm đường chạy. Theo HIS, VW không đạt mục tiêu 10 triệu xe, nhưng sẽ duy trì khoảng cách 1,3 đến 1,7 triệu xe với Ford. Toyota dẫn trước Honda 3,8 triệu xe trong năm 2011 và sẽ là 4,4 triệu vào năm 2020.
Cuộc chiến cạnh tranh tất yếu dẫn đến sát nhập. Các chuyên gia dự đoán, thế giới sẽ chỉ còn 6 hãng xe sau 30 năm nữa. Điều đó hiện chưa xảy ra bởi chính phủ các nước vẫn đang giúp các công ty hoạt động tốt. Nhưng khi logic kinh tế điều khiển theo một hướng khác thì liệu Pháp, Italy có cần tới 3 công ty sản xuất ôtô độc lập. Những xáo trộn diễn ra gần đây, đặc biệt là khó khăn của nền tài chính đang dần biến lời tiên đoán đó thành hiện thực.
Bảo Sơn
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet