Từ trước đến nay, nhiều người vẫn tin rằng thai nhi chỉ bắt đầu có khả năng nghe từ tuần thứ 26. Trường hợp sớm nhất ghi nhận được là ở một thai nhi 18 tuần. Tuy nhiên, các nhà khoa học Marques Institut ở Barcelona (Tây Ban Nha) lần đầu tiên đã chứng minh được khả năng nghe của thai nhi hình thành sớm hơn nhiều so với dự đoán trước đó. Ở tuần thứ 16 của thai kỳ, em bé đã có thể phát hiện âm thanh, và phản ứng bằng cách di chuyển môi và lưỡi để “hát” theo.
Ảnh minh họa
Các chuyên gia ở Barcelona và Milan tiến hành nghiên cứu đối với những phụ nữ mang thai từ 16 đến 39 tuần và phát hiện thai nhi có thể nghe thấy những giai điệu được truyền tới thông qua âm đạo của mẹ. Máy siêu âm 3D được sử dụng để quan sát phản ứng của thai nhi cho thấy khi bắt đầu phát nhạc đã có khoảng 45% thai nhi cử động đầu và chân tay, 30% mấp máy miệng hoặc lưỡi, 10% đưa hẳn lưỡi ra ngoài. Sau một thời gian, 87 % của thai nhi cử động đầu và chân tay, miệng và lưỡi như “múa” và “hát” theo nhạc. Khi âm nhạc dừng lại thì các hoạt động của em bé cũng dừng lại.
Trong khi đó, khi một bộ tai nghe được đặt trên bụng người mẹ và âm nhạc được chơi qua bụng, các nhà nghiên cứu quan sát thấy thai nhi không có bất kỳ phản ứng nào.
Các chuyên gia ghi nhận, mỗi thai nhi khác nhau sẽ có mức độ phản ứng với âm nhạc khác nhau, đặc biệt các cặp song sinh sẽ có hành vi tương tự nhau.
Tiến sĩ Marisa L Pez-Teij, Trưởng khoa hỗ trợ sinh sản tại Viện Marques ở Barcelona, tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện ra rằng hầu hết các thai nhi đều nghe được âm nhạc phát tới âm đạo của người mẹ. Em bé hầu như không nghe thấy âm thanh thông qua bụng mẹ bởi vì các mô mềm của bụng và bên trong cơ thể người mẹ hấp thụ các sóng âm thanh ".
Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng. Các nhà khoa học có thể sử dụng phương pháp này để loại trừ bệnh điếc bẩm sinh của thai nhi. Hơn nữa, âm nhạc có thể kích hoạt các mạch não giúp phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp của em bé.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet