Chuyến du lịch hè của những giáo viên cùng người thân của trường tiểu học Hòa Phước 2, Đà Nẵng đã trở thành chuyến đi bi thảm khi chiếc xe chở họ mất thắng, đâm vào vách núi trưa 7/6 trên đèo Khánh Lê, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) khiến 7 người chết, 22 người bị thương. Đây cũng là tai nạn thảm khốc nhất trên tuyến đường đèo này từ khi nó được đưa vào sử dụng.
Tuyến đường băng qua núi nối hai thành phố du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng) và Nha Trang (Khánh Hòa) được thông xe vào năm 2007 rất đẹp nhưng cũng rất hiểm trở và thường có sương mù. Ảnh: Lan Hương.
Thông xe vào tháng 4/2007, con đường băng qua núi Hòn Giao này đã rút ngắn đoạn đường nối liền 2 thành phố du lịch Đà Lạt - Nha Trang xuống chỉ còn 140 km. Theo các tài xế, dù rút ngắn đoạn đường xuống gần một nữa nhưng Khánh Lê - Lâm Đồng là một trong những đoạn đường đèo nguy hiểm nhất Việt Nam với hơn 32 km đường đổ dốc liên tục. Một bên là núi đá còn một bên là vực sâu, đoạn đường lại thường xuyên xuất hiện sương mù do băng qua dãy núi cao hơn 2.000 m khiến tầm nhìn bị hạn chế.
"Tất cả các tài xế khi đi qua đây đều phải chạy với tốc độ chậm. Đoạn đường này cũng không dành cho những tài xế không quen đường", anh Vĩnh, một tài xế thường xuyên lái xe trên tuyến đường Đà Lạt - Khánh Hòa nói.
Theo thiết kế, ở những đoạn đường đèo đều có đường thoát nạn nhằm phòng tránh tai nạn giao thông khi xe ôtô xuống dốc bị hỏng phanh, mất lái. Đây là những đoạn đường dài 100-200 m được tiếp nối với quốc lộ, tại vị trí thường có tai nạn giao thông xảy ra. Đường có độ dốc ngược lớn, mặt đường bằng vật liệu thích hợp để làm tăng ma sát... nhằm làm giảm động năng khi xe lao xuống dốc mất phanh. Đoạn cuối của đường cứu nạn là những đống cát to và cao để chặn xe lại. Tuy nhiên, đường thoát nạn được xây dựng rải đều trên tuyến đường đèo chứ không phải đoạn nào cũng có. Tại vị trí chiếc xe của tài xế Nguyễn Hải bị nạn không có đường thoát nạn.
"Qua kiểm tra hiện trường cho thấy xe đã chạy đúng làn. Phải chạy qua một đoạn nữa mới tới đường thoát nạn", ông Nguyễn Xuân Chánh, chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa nói. "Thông tin chúng tôi ghi nhận được thì khi xe bị mất thắng, tài xế Hải đã chọn phương án đâm xe vào vách núi để dừng xe lại, tránh cho xe rơi xuống vực".
Hiện trường vụ tai nạn xe khách đâm vào vách núi khiến 7 người thiệt mạng. Ảnh: Lan Hương.
Trong khi đó, tài xế Vĩnh, tại khu vực chiếc xe đâm vào vách núi trước đây đã có rất nhiều xe bị lật. "Kinh nghiệm của cánh tài xế khi đi qua con đường này đều phải chạy thật chậm. Có thể do tài xế lạ đường, chạy nhanh và bị mất thắng nên mới xảy ra vụ tai nạn đau lòng như vậy", anh Vĩnh cho biết.
Anh Vĩnh cũng nhận định, trong tình huống xe bị mất thắng, đặc biệt là trên đoạn đường đèo, bằng mọi cách phải tìm vật cản để dừng xe lại. Vì vậy, trong trường hợp này tài xế Hải quyết định cho xe đâm vào vách núi đá là đúng và bắt buộc nếu không muốn cả chiếc xe cùng 33 hành khách lao xuống vực. Khi đó, số người chết còn nhiều hơn.
Một chuyên gia về ôtô cũng cho rằng theo kinh nghiệm lái xe ở đường đèo, khi bị mất lái, chỉ trong một khoảnh khắc đó thì tài xế phải rất nhanh tìm một góc cây, hay bất cứ vật cản gì nhằm cản xe lại để xe không bị lao xuống vực, nhiều người có thể sống sót hơn.
"Tuy nhiên, cũng cần phải xác định khoảng cách từ xe đến vách núi là bao nhiêu, chứ nếu xe đang chạy với tốc độ 70-80 km/h mà lại lao xe vào vách núi thì cũng như tên lửa, hậu quả cũng vô cùng thảm khốc". Đối với thông tin từ những nạn nhân cho hay, trước khi được tài xế thông báo xe mất thắng, trên xe nồng nặc mùi khét, vị chuyên gia này cho rằng có thể vì nhiều nguyên nhân.
"Do đường xuống dốc nên tài xế sử dụng thắng nhiều, liên tục hoặc cũng có thể do xe dùng thắng hơi nên khi dây điện đường hơi bị cháy cũng làm cho thắng hỏng", vị này nêu.
Hữu Công
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet