Nội dung

Mới đây, nhà mốt Hà Lan Viktor & rolf tuyên bố ngừng sản xuất đồ ứng dụng để dồn lực cho hai mảng haute couture và nước hoa. Bộ đôi thiết kế viktor Horsting và Rolf Snoeren cho rằng việc phải tung ra bốn bộ sưu tập ứng dụng một năm khiến cho sức sáng tạo của họ bị giới hạn.

"Chúng tôi thấy việc hãng cần tập trung lại vào bản chất nghệ thuật vốn có là điều tối cần thiết. Viktor & Rolf luôn dùng thời trang để giao tiếp, nó là phương thức truyền tải đậm nghệ thuật của hãng. Khi bỏ mảng đồ ứng dụng đi, nhóm thiết kế sẽ có đủ thời gian và sự tự do đầu tư cho các mảng chính", Viktor Horsting - một trong hai nhà thiết kế chủ lực của nhà mốt - cho biết.

Renzo Rosso, người sở hữu tập đoàn OTB, nắm giữ cổ phần chính của hãng Viktor & Rolf, khẳng định việc ngừng sản xuất đồ ứng dụng là "quyết định mang tính chiến lược nhằm giúp nhà mốt định vị lại thương hiệu lên tầm cao nhất trong lĩnh vực thời trang xa xỉ". Bộ sưu tập ứng dụng cuối cùng của thương hiệu Hà Lan sẽ ra mắt tại Tuần lễ thời trang Paris Thu Đông 2015 tháng 3 năm nay.

Sức ép cạnh tranh - gánh nặng của nhà mốt trung và cao cấp

Viktor & Rolf vừa quyết định ngừng sản xuất đồ ứng dụng để tập trung cho hai mảng Haute couture và nước hoa. Ảnh: WWD.

Viktor & Rolf không phải thương hiệu thời trang duy nhất từ bỏ sản xuất đồ ứng dụng để tập trung cho Haute Couture và nước hoa. Jean Paul Gaultier cũng có động thái tương tự vào tháng 9 năm ngoái.

Jean-Jacques Picart, một chuyên gia tư vấn, nhận định: "Đây là sự trùng hợp kỳ lạ. Điều này chứng tỏ sức ép của ngành công nghiệp thời trang thế giới đang trở nên quá lớn. Một vài nhà thiết kế có được nhóm cộng sự thích hợp thì đối mặt được với áp lực ấy, số khác thì không".

Giới chuyên môn đánh giá, Viktor & Rolf chỉ là một thương hiệu tầm trung trên thị trường. Nếu hệ thống cửa hàng toàn cầu cùng mảng kinh doanh đồ da bị ảnh hưởng, hãng mốt Hà Lan có thể bị đối thủ giành chỗ đứng bất kỳ lúc nào, đặc biệt trong bối cảnh phải cạnh tranh với hàng loạt "ông lớn" trong lĩnh vực thời trang xa xỉ, chuỗi cửa hàng bán lẻ cùng một loạt thương hiệu thời trang bình dân đang "lên như diều" giống hiện tại.

Theo các chuyên gia, các bộ sưu tập cũng như thương hiệu thời trang mọc lên ngày một nhiều, dẫn đến sự bão hòa trên thị trường. Bên cạnh đó, tần số cập nhật bộ sưu tập mới theo tháng của những hãng bình dân như Sandro, Maje hay H&M lại ngày một tăng. Vì vậy, những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp muốn khẳng định được vị trí phải trở nên "ngày một tinh tế và đặc biệt hơn".

Sức ép cạnh tranh - gánh nặng của nhà mốt trung và cao cấp

Sau bộ sưu tập Xuân Hè 2015, nhà mốt Hà Lan sẽ giới thiệu bộ sưu tập ứng dụng cuối cùng cho mùa Thu Đông 2015 vào tháng 3 năm nay tại Paris. Ảnh: Telegraph.

Ngoài định vị thương hiệu trên thị trường, việc các hãng thời trang vừa và lớn "xếp hàng" bỏ ngành sản xuất đồ ứng dụng được giới chuyên môn suy đoán còn do một nguyên nhân khác: làm ăn thất bát. "Mọi người cần nhận ra thực tế rằng, chẳng có lý do gì một hãng lại ngừng sản xuất dòng ứng dụng nếu nó thực sự hấp dẫn với chuỗi bán lẻ và khách hàng cá nhân", Jean-Jacques Picart nói thêm.

Hơn nữa, để một hãng thời trang "sống lâu", việc đầu tư cho ngành sản xuất giày dép, phụ kiện, mỹ phẩm là không thể thiếu. Một nguồn tin chỉ ra rằng, hầu hết những hãng đang thành công trên thị trường hiện nay như Saint Laurent, Valentino hay Celine đều có những sản phẩm như vậy làm chủ lực. Do đó, việc tập trung cho hai mảng couture và nước hoa sẽ đảm bảo được cả hai mục đích: định vị thương hiệu và tạo ra lợi nhuận

"Chúng tôi cực kỳ hào hứng khi thúc đẩy được ranh giới tầm nhìn của mình sang những địa hạt hoàn toàn mới và bất ngờ", bộ đôi thiết kế của Viktor & Rolf nói thêm.

Thành Trương

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục