Chỉ có hai chiếc tiểu khi đào móng
Trước hàng loạt những lời đồn đại về “ngôi nhà ma” 300 Kim Mã, khẳng định với phóng viên, Đại tá Trần Đăng Lâm – nguyên GĐ Công ty xây dựng Thành An 171, thuộc Binh Đoàn 11- Bộ Quốc phòng, người từng là Phó chỉ huy phụ trách về kế hoạch và kỹ thuật công trường xây dựng ngôi nhà số 300 Kim Mã cho biết, ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1988 đến năm 1991 thì hoàn thành và trước đó 1 năm, phía Việt Nam và Bulgaria đã tiến hành đàm phán rất nhiều lần.
Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý trước khi xây dựng như thành lập công trường xây dựng, lấy tên là công trường 78001. Công trường có con dấu riêng, mang phân hiệu đơn vị 20179 thì anh em công nhân mới bắt đầu đào móng xây dựng.
Chia sẻ về việc, có một số tin đồn cho rằng, khu đất đó trước khi xây dựng là một nghĩa trang trẻ em, Đại tá Lâm cho biết: “Đất đó trước khi giao cho đại sứ quán Bulgaria là đất của quân đội, thuộc sư đoàn 361. Còn trong quá trình đào móng xây dựng, chúng tôi có phát hiện 2 phần mộ, lúc đó chúng tôi có thông báo rộng rãi trên truyền hình nhưng không ai đến nhận và đã được đơn vị thi công di chuyển theo quy định.
Ngoài ra, chúng tôi không gặp bất cứ vấn đề gì nữa, còn việc xa xưa có gì thì chúng tôi không bình luận, là một người lính, thấy gì thì chúng tôi nói vậy”.
Nói về những khó khăn trong quá trình xây dựng, Đại tá Lâm cho biết, tuy bản vẽ công trình được gửi sang từ Bulgaria, nhưng đó không phải là trở ngại lớn, vì nhiều người tham gia xây dựng ngôi nhà này đã từng học tập tại Bulgaria nên ngôn ngữ không thành vấn đề.
“Duy chỉ có một điều đó chính là gạch xây dựng. Do tiêu chuẩn kích thước viên gạch của Việt Nam khác của Bulgaria nên gặp một số vấn đề. Tuy nhiên sau đó chúng tôi vẫn đáp ứng những yêu cầu của nước bạn.
Theo đó, gạch tiêu chuẩn của Việt Nam 22cm x 10,5cm x 6,5cm, trong khi đó gạch tiêu chuẩn của nước bạn là 25cm x 6,5cm x 11,5cm, may mắn khi đó ở Việt Nam có duy nhất một nhà máy gạch sản xuất theo công nghệ Ba Lan, đó là nhà máy gach có trụ sở tại Lĩnh Nam – Thanh Trì – Hà Nội, và chúng chúng đã đặt mua gạch xi lích cát ở đó (gạch không nung – PV) và được nước bạn đồng ý”, Đại tá Lâm kể lại.
Cuối cùng, người Chỉ huy công trình năm xưa cho biết, sau khi hoàn thành và bàn giao công trình vào năm 1991, anh em công trường được điều động mỗi người một đơn vị và lại bắt đầu đi làm nhiệm vụ mới. Còn công trình này, do phía Bulgaria chưa trả hết nợ cho Việt Nam, nên đơn vị vẫn phải cử một đồng chí bảo vệ ở đó cho đến năm 1997 mới bàn giao hoàn toàn.
“Từ đó đến nay, anh em mỗi người một đơn vị, một công việc khác nhau, chúng tôi cũng chẳng quan tâm đến những lời đồn thổi hay biệt danh ngôi nhà ma đó, vì chúng tôi là người xây dựng, ở đó có gì chúng tôi là người nắm rõ nhất”, Đại tá Lâm khẳng định.
ngôi nhà 300 kim mã được hoàn thành năm 1991 chứ không phải những năm 70 như những lời đồn đại trước đó.
10 năm không gặp một bóng ma nào
Ngoài những chia sẻ của Đại tá Lâm, Thượng tá Nguyễn Văn Toản – hiện đang là Phó giám đốc công ty Thành An 141 (Binh đoàn 11 – Bộ Quốc phòng), người đã từng là bảo vệ công trường thi công ngôi nhà 300 Kim Mã, thậm chí sau khi hoàn thành thi công năm 1991, Thượng tá Toản còn ở lại làm bảo vệ ngôi nhà này đến năm 1997 mới chuyển về đơn vị cũng có nhiều câu chuyện khẳng định hoàn toàn không có ma mãnh ở ngôi nhà này.
“Trước năm 1991 khi công trường vẫn đang thi công, tôi ở cùng các anh em công trường, nhưng sau khi công trường hoàn thành, anh em về đơn vị, mỗi người một nơi theo các công trình khác, khi đó chỉ còn mình tôi là người Việt Nam trông coi ngôi nhà này, mọi sinh hoạt đều ở trong ngôi nhà này và tôi thấy mọi thứ hết sức bình thường, chứ không có gì bất thường hay không gặp bất cứ trở ngại nào cả”, Thượng tá Toản nhớ lại.
Nói về lý do ở lại bảo vệ ngôi nhà này đến năm 1997, Thượng tá Toản cho biết: “Tôi chỉ biết, đơn vị phân công ở lại làm bảo vệ ngôi nhà thì tôi nhận nhiệm vụ, còn vì lý do, theo tôi được biết khi đó phía Bulgaria chưa trả hết nợ nên mình phải ở lại bảo vệ tài sản của mình, đến năm 1997 sau khi họ trả nợ xong thì mình bàn giao hoàn toàn cho họ”.
Kể về quá trình sinh hoạt khi chỉ có một mình ở trong ngôi nhà rộng thênh thang ngày đó, Thượng tá Toản nhớ lại: “Ngày đó tôi sinh hoạt bình thường, thời gian bảo vệ ở đó tôi vừa làm nhiệm vụ vừa học và tốt nghiệp khi đang còn làm nhiệm vụ tại ngôi nhà đó.
Còn về cuộc sống hàng ngày, tôi tăng gia sản xuất bằng cách trồng rau, do ở một mình, có khoảng không rộng nên tôi cũng nuôi khá nhiều chó trong những ngày làm bảo vệ ở đây, thậm chí vẫn xuống bể để bơi thường xuyên mà không thấy bị làm sao hết”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về những lời đồn đại và Thượng tá có còn quay lại đó sau khi hoàn thành nhiệm vụ không? Thượng tá Toản nói: “Khi xong nhiệm vụ tôi đi làm nhiệm vụ khác và cũng không quan tâm đến nữa, đôi khi có công việc đi qua đó, nhìn vào thì thấy cây xà cừ ngày nào mình trồng nay đã cao lớn, xum xuê.
Còn chuyện những lời đồn, tôi tuyệt đối không tin, vì nếu có thì tôi ở đó một mình suốt gần chục năm trời, chắc hẳn sẽ phải gặp đầu tiên. Đằng này tôi có thấy gì đâu”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet