Có thông tin còn cho rằng cây vạn niên thanh không chỉ nguy hại cho trẻ nhỏ mà người lớn khi tiếp xúc cũng có thể rơi vào tình trạng nguy kịch chỉ trong 15 phút.
Theo The New York Times, cây vạn niên thanh (Dieffenbachia) được dùng làm cây kiểng trong rất nhiều gia đình và văn phòng làm việc. Nếu bạn ăn phải lá, thân hoặc rễ cây, chắc chắn sẽ bị ngộ độc. Nếu bạn chạm vào cây, rồi lại dụi lên mắt, bạn có nguy cơ bị mù. Ngoài ra còn gặp nhiều triệu chứng khác như phù miệng và lưỡi, sùi bọt mép, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa... Nhiều người không ngờ loại cây này lại gây hại như vậy và vẫn thoải mái trưng bày trong nhà.
Vạn niên thanh là loại cây trang trí ưa thích của nhiều gia đình.
Sự thật thì cây vạn niên thanh nguy hại đến mức nào?
Trong một phân tích trước đây, tiến sĩ Bùi Văn Lệ thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho biết, loại cây này thuộc họ ráy (Araceae), thân mềm, lá màu xanh đốm trắng, được trồng làm kiểng trong nhà ở khắp nơi trên thế giới.
Theo tiến sĩ Lệ, độc tính của cây chủ yếu là do tinh thể calcium oxalate trong tế bào cây. Ngoài ra còn do các enzyme phân giải protein trong các tế bào tạo tinh thể. "Nếu vô tình nhai phải lá cây, những tinh thể calcium oxalate có thể gây ra cảm giác ngứa, đau rát, phù trong miệng và đường tiêu hóa, sùi bọt mép, nôn mửa...", Tiến sĩ Lệ cho biết.
Trong một số trường hợp, việc tiếp xúc với lá cây cũng có thể gây ra các triệu chứng này nhưng rất hiếm, chủ yếu chỉ là viêm da nhẹ. Đa số trường hợp bị ngộ độc là trẻ nhỏ hoặc thú nuôi. Tuy nhiên Tiến sĩ Lệ cho rằng, các triệu chứng này thường nhẹ và có thể chữa trị bằng thuốc giảm đau, thuốc kháng histamine hay than hoạt tính. Người bị dính độc của cây này không đến mức phải súc rửa đường tiêu hóa như các loại ngộ độc khác và có thể tự khỏi mà không cần chữa trị đặc biệt nào.
Nhiều trẻ nhỏ thích dùng lá cây này làm kèn thổ.
Ông Lệ khẳng định, y học hiện nay chỉ mới ghi nhận một ca ngộ độc vạn niên thanh phải can thiệp bằng phẫu thuật vào năm 2005. Đó là trường hợp một bé gái 12 tuổi ở Cộng hòa Czech nuốt phải lá vạn niên thanh và bị thủng động mạch chủ thực quản, gây xuất huyết ồ ạt.
Một chuyên gia cây cảnh lâu năm cũng cho biết vạn niên thanh tuy có độc nhưng chỉ ở một chừng mực nhất định nếu nuốt phải hoặc bị dính mủ cây với lượng lớn chứ không gây chết người cực nhanh như tin đồn. Ngoài ra, không phải ai cũng bị những triệu chứng trên mà tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.
Một số chủng vạn niên thanh thuộc giống Aglaonema (Aglaonema Modestum) còn được dùng như một loại thảo dược có tác dụng thanh nhiệt giải độc, cường tim lợi thủy, cầm máu, trị đau họng, tim yếu, rắn cắn, bị đánh đập, bạch hầu, bỏng nước sôi, thủy thũng, đinh nhọt, ho hen do suy nhược, nóng sốt...
Tuy nhiên, một số chủng cây vạn niên thanh lại có tác dụng trị bệnh.
Vì thế, không nên tẩy chay loại cây cảnh với nhiều ưu điểm và vốn được ưa chuộng từ nhiều năm nay. Vì thế, theo chuyên gia này, bạn chỉ cần lưu ý trồng vạn niên thanh vào chậu cao, tránh xa tầm với của trẻ em và khi tiếp xúc thì tránh bị mủ cây dính vào da.
Cách giảm trừ ngộ độc
- Bạn lau rửa miệng với một cái khăn ướt. Rửa mắt và da nếu chạm phải cây. Uống sữa và đi cấp cứu.
- Bạn phải hết sức cẩn thận khi để con cái chơi đùa một mình. Hãy tạo một môi trường an toàn cho con.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet