Trong trà đá có chứa chất có thể gây sỏi thận. Ảnh: Doãn Tuấn
Từ nguyên liệu đến dịch vụ đều không đảm bảo vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh, nhưng trà đá vỉa hè ở Hà Nội trở thành “đồ uống” khó thiếu của không ít người, bất kể nó có thể dẫn tới cái chết từ từ.
Chè cặn và đá bốc
Hơn 12h trưa, các quán trà đá ở xung quanh khu vực Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bắt đầu đông dần. Thấy khách vào, chị N., chủ một quán trà đá, bỏ vội tô cơm đang ăn xuống, tay cầm cốc, bàn tay vừa nhón thịt gà trong tô cơm vục xuống thùng, bốc đá bỏ vào cốc, rót trà pha sẵn trong chiếc ca nhựa cũ kỹ đã đen kịt cả phần đáy. Phục vụ khách xong, chị chủ quán lại bê tô cơm, gặm thịt gà ngon lành.
Khách đi khỏi, chị chủ quán gom đống cốc lại, mỗi tay cầm bốn chiếc cốc, nhúng vào một xô nước rồi úp lên giá, chờ phục vụ lượt khách mới. Chị N. cho biết, trung bình mỗi này, chị bán vài trăm cốc trà đá như thế, song nước tráng cốc chỉ một xô dùng cho cả ngày.
Tại quán trà đá nằm trước cổng Trường Đại học Công nghệ GTVT trong phố Triều Khúc, sau một chầu trà đá hỏi kinh nghiệm kinh doanh, tôi được anh H., chủ quán vui vẻ chỉ dẫn: “Chè thì chú hỏi mua chè vụn, loại 50 ngàn đồng/cân. Còn đá thì ngay trong làng này có mấy xưởng, mua bao nhiêu cũng có”.
Theo lý giải của anh H., hiện nay phần lớn các quán trà đá đều sử dụng chè vụn vì loại này vừa rẻ, vừa ngấm nhanh và pha nước cũng “đượm” nên bán được nhiều. Thấy tôi băn khoăn về chất lượng nước đá, anh H. bảo: “Một túi đá (loại 5 kg - PV) bán 7-8 ngàn đồng mà ông đòi nước tinh khiết à? Nước lã thôi, nhưng là nước máy. Tôi bán suốt có thấy ai kêu đau bụng đâu”. Theo anh H., trước đây khi chưa có nước máy, các xưởng làm nước đá đều dùng nước giếng khoan. Nhưng từ khi một cơ sở nước đá ở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) bị bắt quả tang vì dùng nước giếng khoan thì hầu hết các xưởng nước đá xung quanh đều không dám dùng nước giếng khoan nữa.
Uống trà đá cái chết đến từ từ
Đó là khẳng định của PGS. TS. Nguyễn Huy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội. Theo phân tích của PGS.TS. Thịnh, hầu hết các quán trà đá ở Hà Nội hiện đều không đảm bảo được điều kiện an toàn vệ sinh ở cả khâu nguyên liệu lẫn dịch vụ. Cụ thể, trà được các chủ quán pha bán cho khách đa phần là loại rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với sự "dễ dãi" của người tiêu dùng, các loại trà bẩn, trà dư lượng thuốc trừ sâu không thể không tìm đến các quán trà đá.
Hơn thế, do các quán cóc vỉa hè, thường xuyên tiếp xúc với các loại bụi bẩn, tạp chất từ môi trường và các phương tiện giao thông nên chắc chắn không thể đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, cũng do bán tạm bợ trên hè phố, điều kiện vệ sinh như nước pha trà, nước rửa cốc chén… đều không có. “Chưa cần biết nước trong xô đó có sạch hay không, nhưng hàng trăm chiếc cốc nước đều nhúng vào đó để tráng thì làm sao mà sạch được. Thậm chí, chính xô nước đó là môi trường lây truyền vi khuẩn, dịch bệnh cho người uống nước, PGS. TS. Thịnh nói.
Về chất lượng nguyên liệu, theo PGS. TS. Thịnh, nước đá chính là nguyên liệu tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh và gây bệnh lớn nhất. “Tôi dám khẳng định, hầu hết các loại được gọi là “đá sạch” đều làm từ nước lã cả. Nhiều nơi người ta còn lấy cả nước giếng khoan làm đá”, ông Thịnh nói và cho rằng, vấn đề ở chỗ, uống trà đá không gây nguy hiểm ngay nhưng có nguy cơ mang đến “cái chết từ từ”. “Mọi chất độc hấp thu vào cơ thể qua đường ăn uống (trừ trường hợp bị ngộ độc sẽ phát tác ngay) đều có quá trình tích lũy lâu dài. Có thể đến hàng chục năm mới phát tác”, ông Thịnh cảnh báo.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet