Châu Á là tâm điểm trong chiến lược GM, thị trường Trung Quốc thì lên như diều gặp gió. Thế nhưng, GM Hàn Quốc thì ngày một lận đận với khoản lỗ 702 triệu USD năm 2008 và doanh số giảm chỉ còn một nửa trong 6 tháng đầu 2009.
"Mọi chuyện ngày càng tồi tệ", Stephen Ahn, giám đốc trung tâm nghiên cứu LIG Investment nói.
Những khó khăn ở GM Daewoo có những điểm rất giống so với hãng mẹ General Motors bởi nó dựa trên những thương hiệu không phải tự thân. Lúc vinh quang, GM Daewoo sản xuất tới 900.000 xe và xuất khẩu linh kiện đủ lắp 1 triệu chiếc cho nhà máy khắp thế giới. Con số này chiếm gần một phần tư lượng ôtô GM bán ra ở các thị trường ngoài Mỹ.
Daewoo Winstorm khi bán ở các thị trường ngoài Hàn Quốc biến thành Chevrolet Captiva. Ảnh: Paultan. |
Thế nhưng, vấn đề là 90% những xe đó gắn thương hiệu khác như Chevrolet, Buick. Khi nền kinh tế suy giảm, GM Daewoo không có cơ sở nào để tự đứng vững. Thương hiệu Daewoo thì ngày càng suy giảm.
Vậy tại sao khi rơi vào khủng hoảng, GM không "vứt quách" GM Daewoo? Lý do là chi nhánh này vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển dòng xe cỡ nhỏ mà GM muốn bành trướng trên toàn cầu. GM Daewoo là hậu phương cho các hoạt động của GM tại Trung Quốc. Ngoài ra, nhà sản xuất này sẽ cho ra đời dòng Chevrolet hạng nhỏ cạnh tranh với Toyota Corolla hay Honda Civic.
"GM Daewoo có vai trò cực quan trọng trong chiến lược của "GM mới"", Michael A. Grimaldi, Tổng giám đốc GM Hàn Quốc nhận định.
Đề tồn tại, GM Daewoo không thể cầu cứu hãng mẹ, vốn cũng phải nhờ lá chắn bảo vệ phá sản ở Mỹ. Vì thế họ tự vật lộn với những khó khăn tài chính với số nợ tính đến tháng 12/2008 là 6,8 tỷ USD. Tháng 2, sau khi rút hết 2 tỷ USD trong hệ thống tín dụng, GM Daewoo chạy đến nhờ Ngân hàng phát triển Hàn Quốc KDB, cổ đông giữ 28% cổ phần khi GM mua lại Daewoo hồi 2002.
Tháng 5, KDB cho phép GM Daewoo trả chậm 500 triệu USD. Trước khi quyết định rót thêm, KDB yêu cầu hãng mẹ GM cam kết tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong liên doanh. Sau nhiều lần thương thảo, không có thỏa thuận nào đạt được.
Lý do Seoul yêu cầu GM đảm bảo sự hiện diện xuất phát từ những lo ngại Hàn Quốc mất vị thế công nghiệp ôtô trên thị trường toàn cầu. Đất nước này có những ưu đãi tốt như giá nhân công thấp hơn Nhật, chất lượng cao hơn Trung Quốc. Thế nhưng, lợi thế này có thể hết sau vài năm nữa, khi công nghiệp ôtô Trung Quốc đuổi kịp.
Ngoài ra, KDB còn muốn tăng cổ phần, điều mà GM luôn chống. Một ví dụ điển hình cho việc không đáp ứng yêu cầu của KDB là Ssangyong Motors. Thương hiệu nằm dưới quyền kiểm soát của ôtô Thượng Hải SAIC đã phải nộp đơn bảo vệ phá sản lên tòa án sau khi KDB từ chối cứu.
Dù sao, cả hai phía GM và Hàn Quốc vẫn cần có nhau. GM không muốn mất nơi nghiên cứu thiết kế dòng xe nhỏ. Seoul thì lo hàng chục nghìn lao động thất nghiệp cùng hàng trăm hãng sản xuất phụ kiện phá sản.
"Dù sao, mọi việc cũng phải kết thúc. Một mình chính phủ Hàn Quốc hay một mình GM không thể làm được", Suh Sung Moon, nhà phân tích tại Korea Investment & Securities nói.
KDB là ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước còn GM cũng đang nằm trong tay Bộ tài chính Mỹ. Vì thế, việc thương thuyết về số phận GM Daewoo thực ra là giữa hai chính phủ với nhau.
Trọng Nghiệp (theo Businessweek)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet