Phụ nữ mang thai nên siêu âm định kỳ
PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, dịch bệnh do virus Zika tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại, hiện thành phố đã có nhiều trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Zika.
Tính đến ngày 19/11, cả nước có 65 người mắc Zika, trong đó TP.HCM vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm bệnh nhất, 57 người mắc. Các trường hợp nhiễm bệnh trải dài trên 15/24 quận huyện trên địa bàn. Quận Bình Thạnh được xem là điểm nóng, nơi liên tục phát hiện thêm các ca nhiễm virus Zika mới. Địa phương này có 11 trường hợp nhiễm bệnh. Quận 2 (10 ca), quận 9, 12, Tân Phú (6 ca) là những khu vực khác cũng liên tục phát hiện ổ dịch.
“Giai đoạn gần đây, số ca mắc đang tăng nhanh chóng. Dự báo số người nhiễm bệnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp phòng chống dịch”, PGS.TS. Phan Trọng Lân cho hay.
PGS.TS. Phan Trọng Lân cho biết, Viện Pasteur TP.HCM đã kịp thời xét nghiệm hơn 900 mẫu bệnh phẩm mà các đơn vị y tế của Sở Y tế TP.HCM và các địa phương gửi đến nhưng vẫn chưa thể kiểm soát các ca mắc Zika mà chưa có biểu hiện lâm sàng.
Ngoài ra, ở thành phố có nhiều bãi rác, công trình đang thi công dở dang tạo môi trường thuận lợi cho muỗi và lăng quăng sinh sôi. Bên cạnh đó, một số hộ dân chưa có ý thức tốt trong công tác phòng, chống bệnh. Người dân chưa hợp tác phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh do virus Zika.
Theo PGS.TS. Phan Trọng Lân, phụ nữ mang thai có thể đến 30 bệnh viện tại TP.HCM để lấy máu xét nghiệm tìm virus Zika miễn phí. Các mẫu máu từ bệnh viện được chuyển tới Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm.
Tại Hà Nội, dù chưa có ca mắc nhưng trước tình hình dịch bệnh do virus Zika diễn biến phức tạp, TTYT Dự phòng Hà Nội phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm virus Zika.
Theo các chuyên gia, loại muỗi truyền virus Zika chính là muỗi lây bệnh sốt xuất huyết. Chúng sống ở hầu khắp các tỉnh thành của nước ta và sinh sản quanh năm. Khi muỗi đã nhiễm virus nó có thể truyền bệnh. Vì vậy, chỉ một con mang mầm bệnh có thể truyền cho nhiều người.
Theo PGS.TS. Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, việc khám thai phát hiện bệnh không khó, nhưng thử thách để các bác sĩ phát hiện sớm các ca đầu nhỏ là do tâm lý của chị em phụ nữ chưa ý thức được tầm quan trọng của thời điểm, chỉ khi nào tiện mới đi khám, không tuân theo lịch hẹn, hoặc không xác định đúng tuần tuổi của thai nhi trước khi đi khám.
Chuyên gia về chẩn đoán trước sinh tại Việt Nam khuyến cáo, đối với phụ nữ mang thai nên nên siêu âm 3 lần: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần để theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet