Sigma 4,5 mm f2.8 EX DC HSM Circular Fisheye. Ảnh: Sigma.
Sản phẩm được giới thiệu vào quý IV/2007 và ngay lập tức thu hút được sự chú ý của giới chơi ảnh nghệ thuật không chỉ bởi các thông số tiêu cự và khẩu độ quá "khủng" mà còn do mức giá rất "chát" của nó. Sigma đã khá tinh ý khi nhắm vào dòng máy ảnh sử dụng cảm quang APS-C, vốn là một thị trường đang khan hiếm cảm giác góc rộng do những ống kính tiêu cự ngắn đem lại.
Vành tròn nhỏ trong gói sản phẩm có thể sử dụng như một loa chắn nắng mini hoặc dùng để lắp filter và nắp ống kính. Ảnh: Lenstip.
Khác với những ống kính giá rẻ từng được sản xuất bởi Sigma, "hàng khủng" 4,5 mm f/2.8 có chất lượng build rất tốt. Phần thân được làm bằng nhựa với những đường vân hình chữ nhật tương đối đơn giản ở đuôi. Ngàm được làm bằng thép không gỉ, tạo cảm giác khá chắc chắn và an toàn mỗi khi lắp vào thân máy. Dù được xếp vào dạng ống kính một tiêu cự với kích thước nhỏ song Sigma 4,5mm có khối lượng không hề nhẹ (470 gram). Vòng lấy nét tay hơi hẹp nhưng hành trình xoay lại khá mềm và mượt. Hãng bán kèm một vành tròn nhỏ bằng nhựa giúp lắp filter cỡ 72mm ra thấu kính lồi ngoài cùng. Vành tròn này cũng có thể được sử dụng như một chiếc loa mini để chặn ánh nắng khi chụp phong cảnh vào ban trưa. Tuy nhiên, người dùng nên lưu ý: khi lắp vành tròn vào vòng ren ngoài cùng, những bức ảnh thu được sẽ bao quát một trường nhìn nhỏ hơn 180 độ. Kính lọc dạng phiến mỏng cũng có thể ghép vào lẫy nằm ở phía đuôi ống kính.
Sigma 4.5 cho ảnh có dạng một đĩa tròn ở vùng trung tâm với trường nhìn 180 độ.
Ảnh: Digital Photography School.
Đúng như tên gọi của mình, Sigma 4,5 mm cho ảnh có dạng một đĩa tròn ở vùng trung tâm với phần mép bị đen nghiêm trọng. Trường nhìn theo các chiều luôn đạt góc 180 độ khi lắp lên thân máy sử dụng cảm quang APS-C. Khẩu lớn f/2.8 không chỉ giúp cải thiện độ sáng của viewfinder mà còn cực kỳ hữu dụng trong những tình huống chụp vào ban đêm hay nhập nhoạng tối.
Thử nghiệm thực tế cho thấy, ống kính cho ảnh rất sắc nét tại vùng trung tâm ngay khi mở khẩu cực đại. Lúc này, độ phân giải đạt khoảng 26 dòng một mm. Khi khép khẩu lại trong khoảng từ f/5.6 tới f/8, ảnh nét tương đối đều từ tâm ra biên. Độ phân giải tăng lên gấp rưỡi và đạt mức gần như lý tưởng. Sắc sai xuất hiện tương đối nhiều ở mép ảnh, tuy nhiên, hiện tượng này không đáng lo ngại trên những ống kính tiêu cự ngắn. Bạn có thể sửa chữa trực tiếp lỗi viền tím bằng cách bật tính năng Automatic CA trên thân máy hoặc sử dụng phần mềm chỉnh sửa. Hiện lóe và mù ảnh hầu như không xuất hiện ngay cả khi hướng ống kính về phía nguồn sáng mạnh như bóng đèn hay mặt trời. Màu sắc thu được rất tươi tắn với độ tương phản cao, đặc biệt là hai gam đỏ và xanh da trời.
Ảnh thu được khi khép khẩu trong khoảng f/5.6 tới f/8 có độ sắc nét rất cao. Sắc sai xuất hiện tương đối nhiều ở mép ảnh, nhưng không đáng lo ngại. Ảnh: Dimage.
Cơ chế lấy nét trong của Sigma 4,5 mm hoạt động rất nhanh và êm do có sự trợ giúp của motor siêu âm HSM (Hyper Sonic Motor). Ống kính cho phép lấy nét ở khoảng cách cực tiểu 13,5 cm, rất thích hợp cho thể loại chân dung biếm họa hay chụp cận. Thậm chí với một chút khéo léo trong kỹ thuật sử dụng thiết bị và phần mềm chỉnh sửa, bạn cũng có thể biến "hàng khủng" này trở thành một ống kính trường rộng không đem lại cảm giác méo.
Có thể nói, Sigma 4,5 mm là một fisheye "độc nhất vô nhị" dành cho dòng máy DSLR cảm quang nhỏ. Ống kính sở hữu chất lượng quang học rất cao và cũng khá dễ sử dụng với những người mới chơi. Hiện mức giá của "hàng khủng" này tại thị trường nước ngoài là khoảng 950 USD, giảm tới hơn một phần ba so với cách đây 2 năm.
Trần Hạ
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet