Rượu ngâm cá ngựa
Từ mốt rượu ngâm động vật đến côn trùng, nhiều dân nhậu còn bỏ thời gian, công sức để săn lùng cả bào thai đến động vật sơ sinh... Trái với quan niệm “không bổ dọc cũng bổ ngang” của giới nhậu, các chuyên gia y tế cho rằng những loại rượu ngâm vô tội vạ đó tiềm ẩn hàng tá nguy cơ nhiễm độc.
Trong một chuyến đi công tác tới khu vực miền núi tỉnh Nghệ An, tôi được Nhàn “lô”, một dân chơi có tiếng ở thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) mời về nhà ăn bữa cơm thân mật. Trong lúc chờ bếp nhà nổi lửa, Nhàn “lô” khoe sở hữu một “kho” rượu ngâm côn trùng thuộc diện “độc nhất vô nhị”, nức tiếng cả huyện.
“Mốt” rượu ngâm côn trùng
“Bây giờ rượu ngâm động vật “lỗi thời” rồi. Phải ngâm côn trùng mới “chất”. Anh có một bình rượu bọ cạp, một bình rượu rết, một bình bửa củi, một bình mối chúa và nhiều loại khác nữa. Bình nào ít nhất cũng ngâm được đôi năm, giờ đưa ra uống thì khỏi chê”. Nói đoạn, gã túm lấy cổ tay tôi kéo xềnh xệch vào căn phòng đang để những bình rượu thủy tinh thấy rõ từng loại côn trùng đang “khoe thân” trong đó. Những con rết đỏ au, to tằng ngón tay cái, những con bọ cạp tím ngắt, đen xì, những con mối chúa to bằng ngón tay trỏ, tròn lẳn như những con sâu đất... Chỉ tay vào bình rượu ngâm bọ cạp để ngay gần cửa phòng, Nhàn “lô” khoe: “Đây, mấy chú bọ cạp này anh phải nhờ người quen lên tận Cẩm Khê (Phú Thọ) mua về đấy. Ở đây cũng có, nhưng muốn giống bọ cạp độc, màu tím than như thế này thì chỉ có ở Cẩm Khê”.
Mỗi bình rượu côn trùng của Nhàn “lô” đều gắn với một kỳ tích về công cuộc đi săn. Như bình rượu ngâm mối chúa, gã phải lặn lội vào trong các tỉnh Tây Nguyên cả tháng trời mới gom đủ, giá tiền không quá đắt nhưng cái quý nhất vẫn là công sưu tầm. “Mối chúa chỉ trong đó (khu vực Tây Nguyên - PV) mới có nhiều. Anh còn đi theo người dân ở đó đi đào mối chúa, vui lắm. Đào cả ụ đất to đùng chỉ để tìm một cái cục đất nhỏ treo ở giữa tổ. Phải mang về nhà, đóng cửa lại mới được đập ụ chúa ra vì nếu gặp gió con mối chúa sẽ bị thâm lại và chết ngay”, Nhàn “lô” kể. Theo lý giải của gã, trước kia người bản địa thường dùng mối chúa để chữa bệnh sốt rét, mãi sau này người ta mới phát hiện ra công dụng đặc biệt khác của loài côn trùng này là tráng thận, bổ dương, tăng cường sinh lực đàn ông. “Chú thử nghĩ xem, cả tổ có hàng nghìn con mối đực mà chỉ có một con mối chúa, mình nó... chấp tất, một mình đẻ ra cả tổ thì cái “khoản ấy” khỏi phải nói. Đem nó ngâm rượu khác nào thần dược đàn ông”, Nhàn “lô” phân tích.
Gã cho biết, các loại côn trùng gã sưu tầm để ngâm rượu đều là những loại có tác dụng bổ thận, tráng dương, bổ gân cốt đàn ông. Như bình bọ cạp, rết, uống vào xương cốt dẻo dai; Bửa củi, mối chúa, uống vào thì chuyện giường chiếu khỏe như “bổ củi”… “Trước kia sưu tầm mấy giống này khổ lắm, phải vào tận trong Nam mới mua được. Giờ cái gì cũng bán online qua mạng. Chỉ cần lên mạng đặt hàng chờ vài ngày là có hàng. Muốn thứ gì có thứ nấy”, Nhàn “lô” nói.
Thông tin trên một website rao bán côn trùng ngâm rượu
Từ bào thai khỉ tới hổ sơ sinh
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, thú ngâm rượu côn trùng bắt nguồn từ dân nhậu ở miền Nam và Tây Nguyên; Còn dân nhậu phía Bắc lâu nay vẫn chỉ chuộng rượu ngâm động vật (nguyên con) và các bộ phận từ động vật. Trong các loài động vật ngâm rượu, rắn vẫn là loài được ưa chuộng nhất, đặc biệt là các loại rắn độc. Cách đây không lâu, dư luận cả nước được một phen xôn xao trước thông tin hai đại gia giấu mặt ở tỉnh Tuyên Quang bỏ ra một số tiền cực lớn để mua hai con rắn hổ mang chúa “khủng” về ngâm rượu. Theo đó, con mãng xà của đại gia X. dài tới 7 m, nặng 21kg được mua với giá một cây vàng còn con hổ mang chúa của đại gia K. còn “khủng” hơn khi nặng tới 23 kg và có giá 100 triệu đồng.
Ngoài rắn, cá ngựa cũng là loài được dân nhậu ưa chuộng bởi tính bổ dương cực mạnh của loài này. Một trong những “tín đồ” của rượu cá ngựa tôi từng gặp là ông G. “cá ngựa”. Cái biệt danh của ông G. có được chính bởi bình rượu cá ngựa đặc biệt của ông. Ông G. kể, trong thời gian làm công tác phát triển thị trường cho một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội, phải đi nhiều, uống cũng nhiều nên ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều dân nhậu. “Một lần tôi uống với anh bạn đồng nghiệp ở Vũng Tàu. Gã rỉ tai tôi về một loại động vật cực tốt cho sức khỏe đàn ông, đó chính là cá ngựa. Nghe gã nói hay quá, tôi mới nhờ gã mua cho mấy chục con cá ngựa về ngâm rượu”, ông G. kể. Tại nhà ông G. có hàng chục bình rượu ngâm các loại động vật khác nhau. Từ rượu rắn, bìm bịp, tắc kè đến cá ngựa, tay gấu, ngọc dương… Riêng bình cá ngựa được ông G. quý và tâm đắc nhất. “Đây không phải cá ngựa bình thường đâu mà là cá ngựa đang mang thai. Loài nào cũng thế, cứ trong thời kì mang thai là giai đoạn bổ nhất. Bắt được mà ngâm rượu thì thôi rồi. Riêng bình cá ngựa của tôi, chỉ cần làm một chén là cả đêm rạo rực, sức khỏe cuộn trào”, ông G. khoe.
Chính vì thế, nhiều bình rượu của ông G. ngâm nguyên bộ bào thai loài động vật như bào thai khỉ, bào thai dê, bào thai gấu… Theo ông G., dân nhậu thường chuộng những thứ độc và lạ, đặc biệt là những loại bổ gân cốt, tăng cường sinh lực đàn ông thì ai cũng thích hết. Trước kia, khi nghe nói có một đại gia ở TP HCM sở hữu bình rượu ngâm nguyên một con hổ sơ sinh, ông G. rất thích thú và cũng từng bỏ công sức truy lùng nhưng không được. “Tôi nghe nói con hổ phải mua hết 200 triệu đồng. Nếu có với giá đấy hoặc hơn tôi cũng mua ngay. Có được bình rượu đó, khi tiếp đối tác mang ra dùng nó sang cả cái bàn nhậu. Kể cả tiếp bạn bè, có bình rượu đó thằng nào chả nể”, ông G. nói.
Thuốc quý có thể thành thuốc độc
Rắn hổ mang nuôi bán tại các làng nuôi rắn ở Hà Nội như: Lệ Mật, Phụng Thượng có giá 700 - 800 nghìn đồng/kg. Một con rắn có thể ngâm rượu khoảng từ 2-3 kg trở lên giá 1,5 - 3 triệu đồng. Tuy nhiên, một thợ nuôi rắn ở Phụng Thượng (Phúc Thọ), cho biết, khách đến mua rắn phần lớn là để thịt chứ không phải ngâm rượu. Lí do là rắn nuôi… không độc bằng rắn tự nhiên. Còn đã ngâm rượu phải là loại càng độc càng tốt.
PGS. TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, khi đem các loại côn trùng, thực vật hoặc động vật ngâm rượu, đặc biệt là các loại có độc tính cao thì phải có chỉ định của thầy thuốc hoặc chuyên gia y tế. Những loài có độc khi đem ngâm rượu thì độc tính sẽ tán ra hòa vào rượu, khi người uống vào rất dễ bị ngộ độc. “Rượu thường chỉ khoảng trên dưới 40 độ, nếu dùng để ngâm xác động vật sẽ không đủ nồng độ làm chín con vật. Do đó, quá trình ngâm, xác động vật sẽ bị thối rữa, sinh ra các vi sinh vật và độc tố, uống vào có thể gây ngộ độc hoặc nhiễm bệnh”, PGS, TS. Phạm Duệ cho hay.
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, một số loài côn trùng trong tự nhiên có thể là những vị thuốc rất quý nhưng nếu không biết cách dùng hoặc dùng bừa bãi, chính những vị thuốc quý đó có thể trở thành thuốc độc đối với sức khỏe con người. Ngoài ra, phải biết rõ loài nào là vị chính, loài nào là vị phụ để phối hợp với nhau cho đúng thì mới phát huy hiệu quả. Ngoài ra, một số loài côn trùng có thể tích hoặc nhiễm chất độc từ môi trường sống vào cơ thể, khi đem ngâm rượu, số chất độc đó sẽ tán xạ ra rượu và gây hại cho người uống.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet