- Về givenchy trong thời kỳ khủng hoảng đầu những năm 2000, anh nhớ nhất điều gì?
- Mọi thứ rất phức tạp. Sau những thiên tài thiết kế như John Galliano hay Alexander McQueen, Givenchy dưới trướng của Julien Macdonald chẳng khác nào một mớ hỗn độn. Thậm chí thời đó, tôi còn không thấy bản sắc riêng của hãng là gì. Nhiều người nghĩ rằng Givenchy chỉ nổi tiếng nhờ những bộ váy áo thảm đỏ một thời của Audrey Hepburn nhưng thực ra đằng sau nó có cả một thế giới cần khám phá.
Tôi chọn cách một mình đi tìm những bí ẩn ấy và không cho bất kỳ người nổi tiếng nào mượn váy áo dự thảm đỏ. Khi đã tìm được lối đi riêng, tôi mới dần cởi mở hơn với họ. Bây giờ, một số sao đã trở nên thân thiết như người trong gia đình. Dù nổi tiếng nhiều hay ít, hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc hay phim ảnh, họ đều là mẫu phụ nữ khiến tôi ngưỡng mộ.
Khi mới đầu quân cho hãng thời trang Italy, Riccardo Tisci hầu như không cho sao Hollywood nào mượn đồ để lên thảm đỏ. Ảnh: Vogue. |
- Ngoài khó khăn về việc đi tìm bản sắc, anh còn gặp những trở ngại gì trong vai trò giám đốc sáng tạo ?
- Con đường đến với thời trang của tôi khá đặc biệt bởi người thích thì nhiều mà kẻ ghét cũng không ít. Lúc mới đặt chân về Givenchy, ngoài những lời ủng hộ, tôi còn phải nghe một số thứ như: "Sao nhà thiết kế Italy lại làm phong cách Gothic? Không, người Italy chỉ nên làm đồ sexy thôi". Họ hồn nhiên bình luận mà không nhận thức được rằng Italy là một trong những bảo tàng nghệ thuật Gothic lớn nhất thế giới. Rồi khi đặt chân đến Anh hay Pháp, tôi cũng đều bị tổn thương bởi những lời chê bai. Có người chê tại sao tôi cứ suốt ngày bắt người mẫu phải đóng hết cúc áo sơ mi khi biểu diễn catwalk. Đó đơn giản là phong cách của tôi thôi.
Lúc tôi mới bắt tay làm đồ couture cũng vậy, ai cũng nói rằng kiểu trang phục này đã hết thời. Tôi đã bị khủng hoảng tinh thần. Nhưng thật may mắn, chúng đã không chết. Cảm ơn Chúa! Sự biến đổi này đến từ việc phụ nữ đang có những bước tiến mới. Những hình ảnh công chúa khi xưa vẫn tồn tại đến hôm nay, chỉ khác một điều rằng họ không cần ngựa cưỡi hay xe chở nữa. Những nàng công chúa ấy cực kỳ năng động, có mặt ở khắp nơi, trong những bữa tiệc, kỳ nghỉ hay du thuyền.
- Anh phản ứng sao trước những lời chê bai như vậy?
- Tôi chỉ tiếp thu những ý kiến từ người quan trọng đối với mình. Sinh ra dưới cung Sư Tử nên tôi biết mình là ai và muốn điều gì. Tuy vậy, phần nào đó trong con người tôi vẫn có chút mềm yếu, trẻ con, vẫn muốn nghe những gì người khác nói. Thực ra đồ sexy tôi cũng có thể làm rất tốt nhưng bản thân tôi muốn hé lộ sự quyến rũ trong các thiết kế dần theo thời gian hơn. Những thứ tôi làm đều theo cảm tính. Đó đơn giản là nền tảng của tôi - một người Italy, một nhà thiết kế có niềm đam mê mãnh liệt với thời trang, yêu thích việc giúp người khác mặc đẹp và thể hiện sự gợi cảm.
riccardo tisci từng phải nhận nhiều sự chê bai khi mới đầu quân cho Givenchy. Ảnh: Vogue. |
- Điều gì khiến anh tự tin rằng thiết kế của mình giúp người khác mặc đẹp và gợi cảm hơn?
- Tôi nghĩ mình là người khá may mắn. Từ lúc nhỏ, tôi đã được nhiều phụ nữ vây quanh. Vốn yêu thích vẻ lãng mạn của họ nên tôi cũng bị lôi cuốn vào thế giới ấy. Nhờ vậy mà tôi có được phong cách như bây giờ.
Những năm 1970-1980, lúc tôi còn bé, gia đình không hề khá giả. Bố qua đời từ khi tôi mới 4-5 tuổi. Tôi lớn lên với 8 chị em gái và mẹ. Họ đều là những người phụ nữ giống Donatella Versace, vừa quyến rũ, tự tin lại có sự mạnh mẽ đặc trưng của miền nam Italy. Ngay cả khi không có nhiều tiền, họ vẫn ăn mặc cực kỳ thời trang và thanh lịch, giống hệt các tạp chí mà chị tôi thường mua cuối tuần những năm đó. Bên cạnh mẹ và các chị em gái, tôi còn được truyền cảm hứng từ những người phụ nữ thân thiết khác như Mariacarla Boscono, Carine Roitfeld hay Marina Abramovic. Mỗi người lại có một cá tính, phẩm chất khác biệt khiến tôi trân trọng.
- Cơ duyên nào đã đưa đẩy anh đến với Givenchy?
- Sinh ra từ vùng quê của Italy, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm việc cho Givenchy. Nhưng đến khi mẹ nói bà sắp phải bán nhà để giúp các chị em gái tôi, và chuyển vào trại dưỡng lão, tôi không thể chịu nổi khi tưởng tượng ra cảnh đó. Bà đã hy sinh cả đời cho 9 đứa con rồi. Là đứa con trai duy nhất trong gia đình, lúc ấy tôi đã nghĩ: "Mình không thể để chuyện này xảy ra" rồi đồng ý ký hợp đồng với Givenchy. Tất cả những gì tôi muốn là mua cho mẹ một ngôi nhà mới.
Riccardo Tisci từng có ý định mở một dòng thời trang riêng nhưng vì muốn mua cho mẹ môt ngôi nhà mới nên anh chấp nhận ký hợp đồng với Givenchy vào năm 2005. Ảnh: WP. |
- Ai là thần tượng thời trang của anh?
- Đó là Donatella Versace. Bà ấy mang những nét mạnh mẽ và quyến rũ đặc trưng của phụ nữ Italy. Donatella và người anh trai quá cố Gianni đã biến Versace thành lá cờ đầu trong ngành công nghiệp thời trang Italy. Họ là người truyền cảm hứng cho những giấc mơ của tôi. Tầm nhìn rộng của hai con người này gây ấn tượng khó phai. Những gì họ tạo ra đều là đỉnh cao của sự sexy nhưng không bao giờ trở nên tục tĩu. Nhiều hãng cũng từng đi theo con đường của Versace nhưng đều thất bại.
Từ nhỏ, tôi đã bị ám ảnh về nhà mốt của Versace. Trong khi những đứa trẻ khác chỉ mê mẩn robot và búp bê Barbie, tôi lại để dành tiền tiêu vặt để mua cho kỳ được mấy chiếc áo sơ mi dòng Versus. Bản thân tôi tới giờ cũng chỉ đi xem mỗi show của Versace vì thấy những hãng khác không có gì hấp dẫn cả.
- Anh định nghĩa thế nào về thời trang?
- Đối với tôi, thời trang chỉ đơn thuần là một công việc, là niềm đam mê. Còn điều quan trọng nhất chính là cuộc sống. Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ sức mạnh từ gia đình. Mẹ và các chị em gái còn là nguồn năng lượng và cảm hứng cho cuộc đời tôi.
Đức Trí dịch
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet