Nội dung

Vietnam International Fashion Week (diễn ra từ 23-26/4) là sân chơi có sự tham gia của các nhà thiết kế đến từ nhiều quốc gia phát triển về thời trang như Pháp, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Để bộ sưu tập của họ có mặt tại Việt Nam đúng thời gian, ban tổ chức ở Việt Nam mất gần một tháng để chuẩn bị.

Thông thường, để vận chuyển trung bình 50 trang phục của mỗi nhà thiết kế từ quốc gia họ sống, ban tổ chức thuê một công ty vận chuyển có chi nhánh ở quốc gia đó với hợp đồng kèm thời hạn bắt buộc trang phục về đến Việt Nam. Công ty này sẽ đến kho của nhà thiết kế đóng gói và thực hiện chuyển đồ qua đường hàng không. Để tránh sự cố đột xuất, các bộ sưu tập thường được yêu cầu đưa đến trước ngày diễn show từ 1-2 tuần.

Quy trình vận chuyển váy áo couture nghìn đô về việt nam

Nhà thiết kế Pháp Julien Fournie yêu trang phục của mình đến nỗi ông đích thân mặc đồ và chỉnh trang váy áo cho người mẫu.

Cách thứ hai để vận chuyển trang phục về Việt Nam là các nhà thiết kế tự đóng gói và xách tay trang phục lên máy bay. Ban tổ chức cho biết đây là phương cách phổ biến, chiếm đến 60%, vì các nhà mốt quốc tế luôn coi trang phục như "con đẻ". Phần đông nhà thiết kế không tin tưởng giao chúng cho một bên thứ ba mà muốn đảm bảo an toàn tuyệt đối để hạn chế hư hỏng, mất mát. Khi đó, ban tổ chức chuẩn bị cho mỗi nhà thiết kế thư mời kèm giấy phép tổ chức sự kiện thời trang để trình tại hải quan. Do số lượng đồ khá lớn, có thể lên đến 400 kg, các nhà thiết kế cần tối thiểu hai trợ lý đi cùng để chuyển được 5-6 vali đồ. Trong tuần thời trang việt nam 2015, "bà hoàng áo cưới" Nhật Bản Yumi Katsura đã có một đội 20 người đồng hành trong, trong đó phần lớn là sinh viên thực tập cho nhà thiết kế 80 tuổi.

Đối với một số bộ đồ không thể gấp cất trong vali hay đóng thùng do chất liệu trang phục hoặc sợ ảnh hưởng phom dáng, bên vận chuyển sẽ xử lý bằng cách treo trang phục lên mắc quần áo và đóng thùng toàn bộ. Cách làm này từng được Lý Nhã Kỳ áp dụng khi đem bộ sưu tập Haute Couture của Alexis Mabille về Việt Nam. Ngay khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, một đội nhân viên cùng xe chuyên dụng trực tiếp nhận đồ và hỗ trợ nhà thiết kế di chuyển. Ở nơi biểu diễn, quy tắc các nhân viên phía Việt Nam thuộc nằm lòng là không được mở niêm phong các thùng hàng mà phải để nhà thiết kế tự tay kiểm tra. 

Lúc hàng về đến kho, công đoạn bảo quản bắt đầu. Mỗi bộ sưu tập đều là những tác phẩm nghệ thuật, vì thế, chúng được bảo quản trong điều kiện phòng lạnh 24/7 với nhiệt độ không quá cao cũng không quá thấp, không ẩm ướt. Một số trang phục có chi tiết đính hạt cầu kỳ nên trong quá trình dịch chuyển phải vô cùng cẩn thận nếu không muốn bị rơi rớt.

Quy trình vận chuyển váy áo couture nghìn đô về việt nam

Bà Yumi cùng bộ sưu tập hoành tráng của mình trong chương trình năm ngoái.

Mỗi thiết kế Couture có giá trị dao động vài nghìn USD. Quan trọng hơn, chúng chứa nhiều tâm huyết của các nhà thiết kế. Đại diện ban tổ chức chia sẻ: "Trường hợp của nhà thiết kế Pháp Julien Fournie mùa Fashion Week 2015 gây ấn tượng nhất với chi phí vận chuyển khoảng 20.000 USD cho tám thùng đồ, tổng giá trị lô hàng khoảng gần bảy tỷ đồng. Chúng tôi cũng muốn mua bảo hiểm cho các gói vận chuyển này, chỉ tiếc là ở Việt Nam chưa có. Vì vậy, nếu xảy ra mất mát, ban tổ chức sẽ phải bồi thường toàn bộ cho nhà thiết kế".

>> Xem thêm: 

Tuần thời trang Quốc tế VN: Mệt nhoài với những chiếc váy nghìn đô
Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam sẽ diễn hai mùa một năm

Vân An

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục