Nghị định 46/2016 ban hành mới đây sửa đổi những mức phạt vi phạm giao thông so với những nghị định trước là 171/2013. Trong đó, từ 1/8 tới, các phương tiện không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn sẽ bị xử phạt. Mức xử phạt cao nhất đối với người lái ôtô vi phạm là 800.000 đồng, người lái xe máy là 100.000 đồng.
Quy định mới này nêu rõ thời gian bật đèn cụ thể là từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau, trong khi trước đó nghị định 171/2013 chỉ quy định là bật đèn khi trời tối, tầm nhìn hạn chế. Không bật đèn trong những trường hợp này cũng bị xử phạt.
Từ 1/8 tới, các phương tiện phải bật đèn từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Ảnh: Bá Đô. |
Ở các nước trên thế giới, quy định bật đèn cũng tùy nơi và thường không có công thức chung. Ở những nước lớn theo hình thức liên bang, mỗi bang lại có một quy định khác nhau.
Ví như ở Ontario (Canada), thời gian quy định chung chung là bật từ 30 phút trước khi mặt trời lặn và tắt 30 phút sau khi mặt trời mọc, đồng thời bật khi thời tiết xấu như mưa, tuyết, sương mù, những điều kiện khiến tầm nhìn rõ xe trước giảm xuống dưới 150 m. Thời gian mặt trời lặn, mọc sẽ được quy định khác nhau tùy vào mỗi mùa và từng hình thái thời tiết, khí hậu.
Ở Mỹ, theo DMV.org, quy định cũng tùy từng bang, nhưng hầu như đều theo những luật lệ chung. Tài xế phải bật đèn khi trời tối và điều kiện tầm nhìn kém do thời tiết. Một số bang cũng sử dụng công thức 30 phút trước và sau khi mặt trời lặn, mọc giống ở Canada. Đồng thời luật một số bang còn quy định phải bật đèn mỗi khi đi qua những công trường xây dựng.
Tương tự, ở Nhật, thời gian quy định để bật đèn là khi mặt trời lặn và tắt đèn khi mặt trời mọc. Tuy nhiên, hầu hết các nước phát triển như Mỹ, châu Âu hay Nhật hiện nay đều quy định xe phải có đèn chạy ban ngày để tăng khả năng nhận biết, giảm thiểu tai nạn giao thông. Nếu xe không có đèn ban ngày thì tài xế phải bật đèn pha, chuyển sang chế độ chiếu gần để thay thế.
Thái Lan thì quy định, khi trời bắt đầu chuyển tối hơn, tầm nhìn giảm xuống dưới 150 m thì tài xế phải bật đèn. Thậm chí ở một số nước còn có quy định bật đèn khắc nghiệt hơn nhiều, đặc biệt ở châu Âu. Ví như Na Uy, luật quy định xe phải bật đèn cả ngày mỗi khi lăn bánh, thậm chí giữa mùa hè, một số nơi ở nước này mặt trời không lặn thì tài xế cũng phải bật đèn. Đây cũng là quy định ở Thụy Điển cũng như các nước khác thuộc bán đảo Scandinavi.
Trở lại Việt Nam, quy định mới cụ thể hơn, tránh những tranh cãi trước đây giữa CSGT và tài xế khi bị thổi phạt không bật đèn pha. Có ý kiến lại cho rằng như vậy là cứng nhắc, vì thời tiết sáng tối là khác nhau giữa các miền và các mùa.
Phần đông tài xế lâu năm lại tỏ ra ủng hộ, bởi lẽ quy định giờ cụ thể chỉ để hạn chế khoảng thời gian tránh những tranh cãi không cần thiết. Nếu 19 giờ trời vẫn sáng thì bật đèn pha cũng không ảnh hưởng gì, lại tăng khả năng nhận biết cho xe khác, giảm va chạm. Còn nếu mùa đông, khi 18 giờ trời đã tối thì đương nhiên lúc này tài xế tự biết bật đèn để an toàn hơn.
"Trong khoảng thời gian 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau không bật thì bị phạt, chứ đâu có ai phạt vì bật đèn từ 18 giờ và để đèn cả ban ngày đâu", một tài xế nhận định.
>> Xem thêm: Những lỗi đèn pha tài xế hay bị thổi phạt
Đức Huy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet