Đua xe, một tệ nạn nhức nhối trong xã hội ta hiện nay, không những gây ùn tắc mà còn làm mất an toàn cho những người tham gia giao thông. Bởi thế vấn nạn này phải được ngăn chặn để bảo vệ sự bình yên cho xã hội.
Nhiều biện pháp đã được chúng ta áp dụng từ giáo dục phòng ngừa đến xử lý trấn áp hành vi đua xe. Các giải pháp được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, thế nên lực lượng ngăn chặn chỉ hành động “nóng”, khi cuộc đua xe sắp hoặc đang diễn ra. Biện pháp truyền thống mà CSGT vẫn dùng là rượt đuổi, ép quái xế vào lề đường để bắt giữ, rải đinh đặc chủng làm xẹp lốp, dựng chướng ngại vật để chặn, bắt…
Các chốt chặn gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, dân phòng và thường được bố trí gần các điểm giao lộ có mật độ người tham gia giao thông lớn. Ảnh: Lê Hoàng. |
Một số trường hợp, đối tượng vi phạm đi lẫn trong đám đông, các biện pháp xử lý không tránh khỏi nguy cơ gây tai nạn cho cả người dân, người thực thi pháp luật và đối tượng đua xe. Trong khi hành vi đua xe không cấu thành tội hình sự đến mức tử hình, trường hợp chặn bắt đua xe không thuộc mức mà lực lượng chức năng phải ra tay tước đoạt mạng sống của người vi phạm như đối với những loại tội phạm khác, bắn (tỉa) hạ kẻ bắt cóc (thường là vào đầu) khi cần thiết để cứu con tin, bắn hạ kẻ dùng súng, lựu đạn chống trả và đe dọa tính mạng của người thi hành pháp luật... Vì thế nhiều tình huống khó xử đối với cơ quan chức năng đã xảy ra khi đối tượng vi phạm té ngã gây thương tật hoặc tử vong.
Bên cạnh đó, các quy định về quyền hạn của một số thành phần trong lực lượng chống đua xe vẫn còn nhiều lỗ hổng. Ví như quyền hạn, trình độ chuyên môn của của lực lượng dân phòng như thế nào, trong khi họ là những người không được đào tạo đầy đủ về kỹ thuật và nghiệp vụ liên quan, không được hưởng lương chuyên trách.
Việc CSGT Thanh Hóa “huấn luyện” cho dân phòng “kỹ thuật” quăng lưới để bắt người đua xe, và trao cho họ những quyền hạn nhất định (xem thêm bài Sáng kiến quăng lưới chỉ hợp với chống đua xe), thì nguy cơ xuất hiện sai phạm là rất lớn. Sẽ giải quyết thế nào nếu dân phòng vì “non tay”, hay lạm dụng “quyền hạn mà làm bị thương, hoặc chết người vi phạm khi “tác nghiệp”? Thêm nữa, “công nghệ quăng lưới” đã được thẩm định về mặt kỹ thuật chưa mà áp dụng vào thực tiễn.
Chúng ta đều biết, xe máy chạy tốc độ cao là nguồn nguy hiểm cao độ cho cả người điều khiển và những người tham gia giao thông khác. Khác với biện pháp truy đổi ép xe vào lề đường, việc quăng lưới làm cho đối tượng bất ngờ, không thể điều khiển xe dừng đúng chỗ và đúng lúc, dẫn tới tai nạn. Hậu quả xảy ra đâu phải chi do người vi phạm, một phần lỗi cũng là do người quăng lưới.
Xét ở khía cạnh thực tiễn, chẳng có ai lại đua xe một mình. Vậy là đua xe cũng phải có “đồng nghiệp”, thường là rất đông. Nếu CSGT và/hoặc dân phòng mà quăng lưới, nhỡ ra quá “gặp may”, không những dính một “con cá” mà làm vài con ngã sõng soài, làm cho cả bầy “cá” vài chục (hoặc trăm) con cùng ngã, vỡ đầu, gãy chân, tử vong khoảng vài chục chú thì chuyện lại càng thêm dở khóc, dở cười cho cơ quan chức năng. Ôi trời!
Tóm lại, quăng lưới để bắt “cá đua xe” đúng là “công nghệ” mới, nhưng tiếc là nó lại không hay! Vì vậy mà có lẽ là chúng ta tạm thời vẫn phải chấp nhận những “công nghệ” hay mà không mới vậy. Chớ dại nhé! Trái tim “nóng” vẫn cần thêm một cái đầu “lạnh”.
Nguyễn Thanh Tuân
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet