Phần cứng, tuổi pin và nhất là các phần mềm của các hãng thuộc thế giới thứ ba xin được không bàn tới ở đây vì sự đa dạng và thay đổi của nó tùy theo từng dòng máy cũng như hãng sản xuất và vì sự khách quan của những nhận định.
Vốn được sử dụng trong những dòng máy tính cầm tay mang nhãn hiệu PalmOne, Sony và một số nhà sản xuất khác, hệ điều hành Palm luôn chiếm ưu thế nhất nhì trong thị trường này ngay từ thuở nguyên sơ. Trái lại, dù chiếm lĩnh một vị thế độc tôn trong thị trường PC, thế nhưng trong cuộc chiến giành thị trường máy tính cầm tay, Microsoft vẫn chưa hề đạt tới quyền lực đỉnh cao hằng mong muốn.
Windows Mobile 2003 (hệ điều hành dành cho Pocket PC) ra đời mang theo trong mình niềm hy vọng của Microsoft hòng mang lại một sự cân bằng nào đó. Rõ ràng nhà Gates đã có lý riêng của họ khi hệ điều hành này đã thật sự đem lại hiệu quả tăng trưởng tiêu thụ khá cao cho những dòng máy sử dụng nó; Palm đã thật sự bị bám gót! Mặt khác, đứng ở góc độ người tiêu dùng, một sự so sánh giữa hai nhãn hiệu, hai dòng máy chính, hai hệ điều hành này là điều không tránh khỏi. Sử dụng cái nào tốt hơn, hiệu quả hơn? Hãy theo dõi những trận đấu sau:
Vòng 1: Độ thoải mái khi sử dụng
Nếu trận đấu kết thúc ngay từ vòng 1, chiến thắng hẳn sẽ nghiêng về Palm OS. Thật vậy, một khảo sát đã được đưa ra với đối tượng là những tay sử dụng cả hai dòng máy, chuyên nghiệp lẫn amateur, và kết quả thật rõ ràng. Palm hơn hẳn bởi sự đơn giản mà hiệu quả trong sử dụng, ngược lại Windows Mobile bị đánh giá là quá cầu kỳ và rối rắm. Thật trớ trêu biết bao khi mà Microsoft đã cố tình tìm kiếm sự thân quen trong sử dụng ở những khách hàng lâu năm với nút bấm Start được đặt bên dưới màn hình. Nhưng mọi chuyện khác hẳn ở PDA, xài Windows Mobile, người sử dụng luôn cảm thấy khó chịu bởi những cố gắng không cần thiết chỉ để xử lý những thao tác đơn giản.
Ví dụ, Palm OS đặt toàn bộ những icons (biểu tượng) của những chương trình tại màn hình chính của nó. Trái lại, Windows Mobile bắt người sử dụng phải bấm vào nút Start, như ở PC hay desktop, và sau đó vào Programs. Chỉ khi đó người sử dụng mới có thể tiếp cận với những chương trình của mình. Bạn muốn trở về cửa sổ Programs từ một thư mục con ư? Phải bấm vào cái nút OK nhỏ nhỏ ở góc màn hình. Muốn trở về màn hình chính từ đó? Lần này, bạn bấm vào nút X cũng trong cùng góc đó. Nghe có vẻ quá rắc rối cho một công cụ đặt sự đơn giản lên làm hàng đầu như PDA!
Kết quả: Palm tạm dẫn điểm (Palm 1- Pocket PC 0)
Vòng 2: Khả năng nhập dữ liệu
Sử dụng HĐH Palm OS hay Windows Mobile, những PDA này đều có cách nhập dữ liệu tương tự nhau. Với không gì cả ngoài một chiếc bút bằng nhựa, người sử dụng có thể nhập thông tin vào máy một cách đơn giản. Với bàn phím được hiện trực tiếp lên phân nửa màn hình, một tính năng xuất hiện hầu hết trên các dòng Palm, bạn hoàn toàn có thể chích hay viết chữ số, chữ, kí tự hay những kí hiệu đặc biệt lên ngay trên màn hình cảm ứng.
Với tính năng viết (writing), Palm OS đã gắn bó từ lâu với Graffiti, một chương trình nhận dạng chữ viết tay (regconition-handwriting) dựa trên những kí tự chuẩn. Nhưng cùng với sự phát hành phiên bản OS 5.2, Graffiti 2.0 ra đời với những kí tự được chuẩn hóa có phần tự nhiên hơn. Tuy vậy, đối với những người kì cựu sử dụng phiên bản mới này, khó khăn lớn là nó khác xa so với hệ thống cũ và đã gây ra không ít trở ngại.
Windows mobile có không phải một, không phải hai, mà là ba chương trình nhận dạng chữ viết tay như vậy. Đầu tiên, Block regconizer, một phiên bản vô tính của Graffiti. Thứ hai, Letter Regconizer, được dựa trên Communication Intelligence’s Jot, cũng là một trong những nền tảng làm nên Graffiti 2.0. Cuối cùng, đó là Transcriber’s, cho phép người sử dụng được viết bất kì nơi đâu trên màn hình của máy, khác hẳn với việc phải viết vào một vùng định sẵn. Transcriber’s hoạt động thật sự hiệu quả, miễn là bạn viết thật sự dễ đọc và theo một quy luật đưa ra.
Hơn nữa, ở Windows mobile, cả Block Regconizer và Letter Regconizer đều ở chế độ vùng nhập liệu ảo (virtual input areas), nghĩa là vùng dùng để viết xuất hiện hay biến mất tùy theo người sử dụng có cần hay không. Ngược lại, với hầu hết PDA dùng Palm OS, diện tích màn hình đã bị giảm đi rất nhiều để dành cho bàn phím cố định, điều này hẳn đã được nhận ra và khắc phục bởi nhà sản xuất với các sản phẩm mới nhất là Tungsten T3, T5, Sony Clie PEG-NX80V/G và UX50, những dòng máy đang “tập tành” sử dụng virtual input areas. Tuy nhiên, phần thắng vẫn thuộc về Windows Mobile với tổng số ba chương trình rất tiện lợi dành cho việc nhập dữ liệu, tương phản với con số một ít ỏi ở dòng Palm OS.
Kết quả: Cân bằng tỉ số (Palm 1 – Pocket PC 1)
Vòng 3: Các ứng dụng cơ bản
Với nhiều người sử dụng, sức quyến rũ của một chú PDA thật đơn giản, chẳng phải là khả năng chơi game, duyệt web hay chạy những ứng dụng cao cấp. Điểm hấp dẫn và đáng chú ý hơn cả của nó lại chỉ ở những ứng dụng cơ bản nhất của một chiếc sổ tay: nhiệm vụ lưu và tra số điện thoại, quản lý cuộc hẹn, sắp xếp công việc và lưu trữ những dòng tin nhanh...
Windows Mobile sở hữu một hệ thống quản lý danh bạ được đánh giá là nhỉnh hơn một chút so với Palm OS, đó là chưa kể sản phẩm của nhà Gates luôn dành ra một phần bộ nhớ nhiều hơn cho việc quản lý dữ liệu và khả năng tìm kiếm khá hiệu quả. Ngay cả khi lưu trữ cả ngàn danh mục, bạn vẫn có thể tra cứu ra địa chỉ cần thiết một cách dễ dàng với chỉ một hay hai thao tác.
Với việc quản lý giờ giấc, lịch trình (calendars), cả hai nhãn hiệu đều tỏ ra kẻ tám lạng người nửa cân. Người sử dụng có thể đặt báo giờ, xem lịch theo ngày, tháng, năm, hoặc ghi nhớ những sự kiện (events) : một cuộc hẹn quan trọng hay sinh nhật của người thân chẳng hạn. Bạn luôn yên tâm vì chiếc PDA của bạn, lúc này đóng vai trò là một cô thư ký cần mẫn, sẽ thông báo những sự kiện đã lưu này vào khoảng thời gian định sẵn một cách chính xác nhất.
Tuy vậy, riêng trong lĩnh vực quản lý những việc cần làm hay “to-do lists”, Palm OS lại được đánh giá cao hơn với hệ thống được sắp xếp logic và hiệu quả hơn. Với một cái liếc mắt, bạn sẽ nhận ra những công việc ưu tiên nhất, những trương mục, ngày tháng và tình trạng của nó một cách dễ dàng. Được cung cấp một nền tảng tương tự, tuy nhiên Windows Mobile tỏ ra bất tiện ở giao diện và khả năng hoạt động.
Kết quả: Hòa 1-1 (Palm 2 – Pocket PC 2)
(Còn tiếp)
(Theo Thanh Niên)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet