Nội dung

"Tôi nghĩ dân triều tiên bị thời trang ám ảnh còn nhiều hơn cả Hàn Quốc", một cô gái có tên Jee Son Lee chia sẻ câu chuyện về đời sống thời trang tại đất nước bí ẩn nhất thế giới trên NKNews. Sinh năm 1990 tại vùng núi Paektu giáp biên giới Trung Quốc và rời quê hương vào 2011, Jee Son Lee đã chứng kiến không ít sự thay đổi trong cách ăn mặc của người dân ở đây suốt 20 năm.

Cô kể, năm 1990, nền kinh tế Triều Tiên gặp khó khăn và không đủ khả năng sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân. Khi ấy, "chợ đen" gần các nhà máy xuất hiện, hệ quả là người dân buộc phải tìm mua những sản phẩm hàng ngày gồm cả quần áo và giày dép.

Quần áo những năm 1990 tại Triều Tiên hầu hết đều là hàng nước này tự sản xuất. Phải đến năm 1995, thị trường thời trang tại đây mới được mở rộng, hàng Trung Quốc có cơ hội thâm nhập. Lúc đó, một cô bé 4-5 tuổi tới lớp mầm non với chiếc váy bèo nhún cùng đôi giày đính hoa sản xuất từ Trung Quốc như Jee Son Lee được coi là rất sành điệu. "Nhờ sức ảnh hưởng của thời trang, tôi nhận được sự quan tâm từ các cô giáo ngay ngày đi học đầu tiên", 9x hồi tưởng.

Phong cách thời trang ở triều tiên qua góc nhìn một 9x

Những cô, cậu bé ăn mặc sành điệu là hình ảnh hiếm gặp tại các trường mầm non tại Triều Tiên vào những năm 1990. Ảnh: ABCNews.

Đến khi bước vào tiểu học, cái nhìn về thời trang của Jee Son Lee cũng dần thay đổi. Hầu hết các trường học tại Triều Tiên, từ cấp một đến đại học, đều yêu cầu học sinh mặc đồng phục. Mỗi trường cử ra một đội giám sát để đảm bảo những người không tuân theo quy định sẽ bị phạt. Khi đó, các học sinh, sinh viên đều chỉ mặc đồ tối màu và làm từ vải cứng. Không sợ bị phạt, nhiều học sinh tìm cách lách luật. Thay vì mặc váy như các bạn đồng trang lứa, Jee Son Lee lén mặc quần jeans rồi trèo tường vào lớp. Khi ấy, các lớp học hay rộ lên những cuộc ganh đua xem ai là người mặc đồ đẹp, đắt tiền nhất.

Đến khi Jee Son Lee bước vào lớp ba (năm 1999), chính phủ Triều Tiên bắt đầu thắt chặt luật về ăn mặc. Để khoe mẽ với bạn bè mà không bị phạt, học sinh tại các trường tìm cách may đồ có màu sắc và kiểu dáng giống đồng phục. Thậm chí, không ít 9x ở Triều Tiên bấy giờ nhất quyết không chịu tới trường nếu không có quần áo may riêng. Lúc đó, trào lưu sơ mi trắng bèo nhún làm từ vải mềm của Trung Quốc được ưa chuộng đặc biệt tại các trường học Triều Tiên.

Năm 2000, các bộ phim tâm lý Hàn Quốc dần thịnh hành tại các nước châu Á. Hình ảnh những cô gái thời thượng với chiếc quần jeans ống vẩy tạo nên "cơn sốt" thời trang mạnh mẽ cho cả người lớn lẫn trẻ em ở Triều Tiên. Trào lưu này đặc biệt lan rộng tại nhiều trường học, mặc cho ban giám hiệu có thắt chặt kỷ luật đến mức nào. Không thể cấm nổi học sinh ăn mặc theo mốt, trường học của Jee Son Lee buộc phải từ bỏ ý định. Khi ấy, 80% học sinh trong trường đều mặc quần ống vẩy. Tuy vậy, xu hướng thời trang này không thống trị lâu và dần bị thay thế bởi các kiểu mốt khác.

Jee Son Lee tâm sự thời ấy, việc xem phim Hàn để biết xu hướng nào đang "hot" không dễ dàng. Các bộ phim phải mất từ 3-5 năm để được chuyển lậu từ Trung Quốc sang Triều Tiên. Chính vì sự chênh lệch về thời gian như vậy, thế hệ của cô không biết được rằng những mốt đang thịnh hành ở Triều Tiên vốn đã lỗi thời so với Hàn Quốc.

Phong cách thời trang ở triều tiên qua góc nhìn một 9x

Ngành công nghiệp may mặc của Triều Tiên một thời không tạo ra được chất lượng đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Abcnews.

Theo lời kể của cô gái, các tín đồ thời trang tại Triều Tiên rất chịu chi. "Quần áo may riêng đắt đỏ nhưng mọi người đều không ngại bỏ tiền để ganh đua với nhau về thời trang. Hầu hết những người tôi quen đều sở hữu một chiếc quần jeans màu được đặt may riêng", cô nói. Về phần mình, Jee Son Lee được thừa hưởng một mẫu jeans vẩy mang thương hiệu nước ngoài từ mẹ.

Trong khi các công dân ở vùng biên giới Triều Tiên chỉ thích mua đồ Trung Quốc, những người sống tại Bình Nhưỡng lại có niềm đam mê đặc biệt với các thương hiệu thời trang từ châu Âu. Các thương hiệu như Adidas hay Lacoste đều phổ biến ở thủ đô nước này. Có bố làm công chức cấp cao ở Bình Nhưỡng nên Jee Son Lee cũng sớm được tiếp cận với các loại đồ hiệu từ nhỏ.

Song, việc diện đồ thương hiệu lớn chỉ dành cho một số đối tượng tại Triều Tiên. Nhiều người thích chưng diện chọn cách mua đồ hiệu "second-hand" (đã qua sử dụng) từ Trung Quốc để có được quần áo đẹp, chất lượng tốt hơn so với các mẫu bán tại chợ Triều Tiên thời đó. Ngay cả những đôi giày được sản xuất thủ công ở Triều Tiên cũng không bán chạy vì chất lượng đi xuống quá nhanh sau một thời gian sử dụng.

Phong cách thời trang ở triều tiên qua góc nhìn một 9x

Những bộ quần áo có phong cách giống cố lãnh đạo Kim Jong Il tùng được người lớn tuổi tại Triều Tiên đặc biệt yêu thích. Ảnh: Wall Street Journal.

Năm 2006, làn sóng Hallyu (văn hóa pop của Hàn Quốc) bắt đầu lan rộng tại Triều Tiên. Các khái niệm về thời trang ở nước này dần có thay đổi mạnh mẽ. Với người trưởng thành tại Triều Tiên, phong cách thanh lịch được đặc biệt yêu thích, nhất là tầm tuổi 30-50. Họ thường chọn đồ "second-hand" của Nhật Bản bởi chúng trông có vẻ ngoài sang trọng, chất lượng tốt hơn đồ Trung Quốc dù phải bỏ ra số tiền gấp đôi. Trên phim ảnh, hàng loạt nhân vật có xuất thân là chủ sở hữu những công ty lớn, với tủ quần áo chứa đầy trang phục sành điệu.

Jee Son Lee cho biết, những người trên 50 tuổi ít khi quan tâm đến việc ăn diện, con cháu cho gì thì mặc đó. Đàn ông Triều Tiên ở tuổi này thường không mặc các đồ sáng màu hay họa tiết nhưng đặc biệt thích ăn diện giống các quan chức cấp cao. Do đó, quần áo giúp đàn ông nước này có vẻ ngoài giống cố lãnh đạo Kim Jong Il giá cực kỳ đắt đỏ.

Vài năm trước khi Jee Son Lee rời khỏi Triều Tiên, xu hướng áo phao rất thịnh hành tại nước này. Dù được sản xuất trong nước nhưng chất lượng và giá bán đều cao hơn nhiều so với trước đây. Jee Son Lee tâm sự: "Nếu một bao gạo 1 kg giá khoảng 3.000 won (gần 60.000 đồng) thì chiếc áo khoác như thế sẽ được bán với mức 100.000 đến 150.000 won (2 triệu đến 3 triệu đồng). Nếu không phải quan chức cấp cao hay doanh nhân, bạn khó mua nổi một chiếc áo như vậy".

Thành Trương

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục