Ngày 18.9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay, cả nước đã phát hiện 3 ổ dịch cúm A/H5N1 ở Ninh Thuận, Sóc Trăng, Vĩnh Long trên gia cầm. Virus này có độc lực rất cao, lây sang người. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người chưa biết, vì sao cúm A/H5N1 lại đáng sợ như vậy.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định, nguy cơ lây truyền virus cúm A/H5N1 sang người đang có nhiều tiềm ẩn, nhất là vào mùa Đông sắp tới.
Ông Phu lo ngại, một số địa phương vẫn chủ quan trong phòng chống dịch. Điều này có thể khiến dịch cúm A/H5N1 bùng phát.
“Có địa phương chỉ thông báo dịch cúm gia cầm sau khi phát hiện ca bệnh ở người; ý thức phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh trong giết mổ gia cầm còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc mua bán, giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, gia cầm bệnh vẫn xảy ra…”, ông Phu lo lắng.
Nhiễm cúm A/H5N1 dễ dẫn đến tử vong.
Trong khi đó, ông Phu cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới, từ năm 2003 đến nay đã ghi nhận 665 trường hợp mắc bệnh tại 15 quốc gia, trong đó có 392 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 59%. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (khu vực chịu ảnh hưởng nguy cơ cao từ bệnh cúm A/H5N1).
Tuy vậy, theo ông Phu, hiện dịch cúm A/H5N1 vẫn được giám sát chặt chẽ về sự biến đổi của virus, bệnh nhân và các ổ dịch trên gia cầm.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cảnh báo, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cúm A/H5N1. Đặc biệt, vắc-xin phòng cúm A/H5N1 cũng chưa có trong khi đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong.
Theo ông Phu, virus cúm gây bệnh có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi, họng, phân gia cầm bệnh. Người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ bị nhiễm phân, chất tiết của gia cầm bệnh sẽ dễ mắc bệnh.
Những người có yếu tố nguy cơ cao là người ở trong vùng dịch cúm gia cầm trong vòng 2 tuần, tiếp xúc gần với gia cầm bị bệnh (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn thịt gia cầm bị bệnh, ăn tiết canh...); tiếp xúc gần gũi với người bệnh đang nghi ngờ hoặc đã xác định mắc cúm A/H5N1.
Do đó, để phòng ngừa bệnh cúm lây nhiễm từ gia cầm, những hộ chăn nuôi gia cầm lớn cần nghiêm chỉnh thực hiện bảo hộ lao động, vệ sinh chuồng trại. Người dân phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giết mổ gia cầm cần đeo khẩu trang. Phải sử dụng gia cầm có nguồn gốc, cần ăn chín uống sôi... Không tiếp xúc với gia cầm ốm, bệnh, không ăn gia cầm bị bệnh.
“Khi có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở, đau ngực phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”, Bộ Y tế khuyến cáo.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet