Khi so sánh ngang giá các mẫu xe ở mỗi nước trong top 10 nước có giá xe hơi đắt nhất thế giới mà Jalopnik thống kê, Cuba và Singapore là hai nước có giá xe hơi đắt hơn Việt Nam. Hầu hết các nước còn lại đều có giá ngang hoặc rẻ hơn khi so sánh tương đối.
Cuba
Sau thời gian dài đóng cửa do cấm vận của Mỹ, kinh tế Cuba mở cửa. Đầu 2014, đất nước này bỏ giới hạn sắm ôtô. Trước đây, chỉ có ca sĩ, bác sĩ hay vận động viên... được cấp giấy phép mua xe, tùy thuộc lượng ngoại tệ mà những người này kiếm được.
Tuy nhiên sau nửa năm mở cửa cho phép người dân, lượng xe hơi lưu thông ở đất nước này cũng không tăng lên nhiều. Sau nửa năm, 11 đại lý xe hơi quốc doanh ở Cuba chỉ bán được 50 chiếc, giá trị 1,3 triệu USD, tức giá trung bình mỗi xe là 26.000 USD.
Hyundai Santa Fe đời 2009-2010 có giá khoảng 90.000 USD tại đây, tức đắt khoảng gấp đôi so với Santa Fe mới ở Việt Nam. Trong khi xe mới như Peugoet 508, cùng phân khúc Camry, có giá "không tưởng" là 262.000 USD. Tại Việt Nam, Peugeot 508 bán với giá gần 1,6 tỷ đồng, khoảng 70.000 USD, bằng 27% so với giá xe này tại Cuba. Mức lương trung bình của người dân Cuba khoảng 20 USD/tháng.
Theo chuyên gia Philip Peters, chủ tịch Cuba Research Center có trụ sở tại Virginia (Mỹ) cho biết, sở dĩ mức giá xe ở Cuba cao kỷ lục như thế vì Chính phủ nước này không muốn bán nhiều xe. Họ không muốn tiêu ngoại hối vào việc nhập khẩu ôtô cho thị trường bán lẻ mà dành cho việc khác, vì thế cách lựa chọn là nhập khẩu xe rồi bán giá gấp 4-5 lần.
Singapore
Với Singapore, nguyên nhân giá xe cao ngất ngưởng là bởi đất nước này quá giàu trong khi diện tích lại nhỏ hẹp, không thể để xe hơi lưu thông tự do nếu không muốn "bội thực" phương tiện. Ở quốc gia chỉ có 718 km2 với dân số khoảng 5,5 triệu người, GDP bình quân đầu người 55.000 USD, giá Toyota Camry khoảng 122.000 USD, nhưng chỉ được lái trong 10 năm, nếu muốn lái 10 năm nữa, người dùng cần chi trả thêm 60.000 USD.
Với giấy phép sử dụng có tên COE (Certificate of Entitlement), mọi xe ở Singapore đều là xe hợp pháp chạy trên đường công cộng. Nếu không trả tiền và bị cảnh sát bắt được, các nhà chức trách sẽ tịch thu xe, đưa vào bãi phế liệu và cho nghiền nát. Những quy định ngặt nghèo có mục đích giữ số lượng xe ở mức tối thiểu và đảm bảo xe cộ luôn mới và hiện đại. Hiện COE có chi phí khoảng 50.000-60.000 USD.
Để thỏa mãn thú chơi xe, một số người đưa xe sang Malaysia và trả tiền cho cửa hàng để cất giữ giúp, sau đó báo tin với các nhà chức trách ở Singapore là xe đã bị đánh cắp. Tất nhiên, sau đó chiếc xe chỉ có thể sử dụng ở Malaysia và chỉ ở trên đường đua.
Minh Hy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet